fbpx
Tin tức

“Áo mới” Bản Tùy

Năm 2006, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) được công nhận làng văn hóa và trở thành Làng Văn hóa du lịch (VHDL) cộng đồng vào năm 2015. Hơn 3 năm sau, với sự nỗ lực vượt bậc của nhân dân trong thôn; Bản Tùy đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận Làng VHDL tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM) theo Tuyên bố Panhou. Điều này đồng nghĩa với việc diện mạo làng quê đổi thay tích cực khi đạt 10 tiêu chí theo Tuyên bố Panhou.

Sản phẩm Bánh chưng Gù của thôn Bản Tùy được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sản phẩm bánh chưng gù của thôn Bản Tùy được người tiêu dùng ưa chuộng.

Minh chứng điển hình cho thấy, nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng, chỉnh trang khuôn viên nhà ở; chuyển đổi nghề từ sản xuất thuần nông sang làm dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, lưu trú (Homestay). Điển hình trong đó có Homestay của gia đình ông Lý Đức Tô, Vi Đức Trung, Phan Văn Chiến, Hoàng Văn Đức…, hàng năm đón vài trăm lượt khách du lịch trong, ngoài nước đến lưu trú. Không chỉ vậy, họ còn khéo chế biến, nấu ăn phục vụ du khách các món ăn dân gian của địa phương, như: Xôi ngũ sắc, bánh chưng Gù, thịt lợn đen, rau rừng… Bên cạnh sự phát triển của Homestay, tại Bản Tùy, một số loại hình dịch vụ cũng được phát triển mạnh, như: Khu phố ẩm thực cầu Độc Lập với gần 20 hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống, giải khát. Trong đó, hộ anh Vi Văn Vĩnh, Hoàng Văn Đức trở thành địa chỉ ưa thích của nhiều thực khách khi dần tạo nên thương hiệu Bún Vịt làng với không gian thưởng thức lý thú là các nhà chòi được dựng lên giữa ao cá mênh mông nước. Còn khu ẩm thực Đầm sen không chỉ hút khách bởi các món ăn đặc sản địa phương mà còn tạo không gian lý tưởng giúp du khách thư giãn, tham quan, chụp hình lưu niệm khi sen vào mùa bung sắc, tỏa hương.

Người dân Bản Tùy góp sức nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông.
Người dân Bản Tùy góp sức nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông.

Không dừng ở những ấn tượng trên, thôn Bản Tùy còn hình thành Làng nghề Bánh chưng Gù với 16 nhóm hộ tham gia. Sản phẩm đặc sản này hiện có mặt trên thị trường tại 29 tỉnh, thành trong cả nước, như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng… Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Phân phối Bánh chưng Gù bà Dung – Nguyễn Thị Dung cho biết: Mặc dù mùa Hè nhưng trung bình 1 ngày, HTX sản xuất từ 500 – 600 bánh chưng Gù; có thời điểm (dịp Thu – Đông) khách đặt nhiều, việc sản xuất lên đến 2.000 hoặc 3.000 bánh/ngày. Việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi của HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương với thu nhập từ 200 – 300 nghìn đồng/người/ngày, thậm chí có lao động còn đạt ngày công 500 nghìn đồng/ngày.

“Việc hình thành các loại hình dịch vụ trên đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động; giảm áp lực di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, góp phần duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí Thu nhập”, Chủ tịch UBND xã Ngọc Đường, Lê Xuân Mạnh cho biết. Hiện, trong tổng số 142 hộ của thôn Bản Tùy, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm đến 52,8%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,7% do bất khả kháng; số còn lại thuộc diện hộ trung bình (45,1%) và cận nghèo (1,4%). Riêng thu nhập bình quân của thôn đã đạt gần 32 triệu đồng/người/năm.

Cùng với kinh tế có bước phát triển khởi sắc, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thôn Bản Tùy từng bước được nâng cao. Trong đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Tày (chiếm 97% cơ cấu dân số của thôn), như: Lễ hội Lồng Tồng, Thần Hoàng Làng (Lễ hội Cầu mưa), các làn điệu hát Then, Cọi, đàn Tính, múa giao duyên, múa Bát được các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ con, cháu. Hơn nữa, thôn Bản Tùy còn có Đội văn nghệ dân gian sẵn sàng biểu diễn phục phụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của khách tham quan với những tiết mục độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống đồng bào Tày. Đặc biệt hơn, nhiều người dân trong thôn còn tự nguyện hiến đất để góp phần xây dựng Công viên Mini với diện tích trên 5.000 m2; đây vừa là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, sinh hoạt cộng đồng vừa là khuôn viên phụ trợ cho Nhà văn hóa thôn và tạo điểm nhấn thu hút du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Làng Văn hóa.

Mặc dù Bản Tùy đã khoác lên mình diện mạo đầy khởi sắc; song, Bí thư Chi bộ thôn Bản Tùy, Hoàng Văn Trọng vẫn trăn trở khi kết quả này chưa đạt như mong muốn: Ngoài việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thôn, chúng tôi mong muốn được các cấp, ngành đồng hành trong việc nâng cao chất lượng tiêu chí của Làng Văn hóa. Trong đó, có việc xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo, hấp dẫn, mang tính đặc trưng của địa phương nhằm thu hút khách lưu trú dài ngày. Đi liền với nhiệm vụ này là chiến lược quảng bá, thu hút khách du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để thu nhập của người dân thêm bền vững. Đồng thời, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ làm dịch vụ du lịch; liên kết, xây dựng kế hoạch thu hút nhân tài, nghệ nhân phục vụ cho công tác đào tạo, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại thôn, như: Đàn Tính, hát Then, Cọi, các làn điệu dân ca, giao duyên của đồng bào Tày…

Nếu những “nút thắt” trên được tháo gỡ, cùng với quyết tâm nâng cao chất lượng tiêu chí Làng Văn hóa của người dân; chắc chắn, thôn Bản Tùy sẽ thêm phần hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch của thành phố Hà Giang.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *