fbpx
Tin tức

Chợ Phong lưu Khâu Vai – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Hà Giang mảnh đất địa đầu cực Bắc Tổ quốc, nơi cộng cư của 19 dân tộc với những giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, độc đáo và hấp dẫn. Điển hình trong các di sản văn hóa ở Hà Giang phải kể đến đó là Chợ Phong lưu Khâu Vai. Dân gian còn gọi tên khác là Háng Phúng Lìu, trong đó “Háng” là chợ, “Phúng” là gặp gỡ, “Lìu” là người yêu. Sau này người dân gọi phiên chợ này là phiên chợ Phong Lưu Khâu Vai, “Phong Lưu” là cụm từ Hán Việt có ý nghĩa là: “Cái đức tốt như ngọn gió chỗ này bay đến chỗ khác, như dòng nước nơi nọ chảy đến nơi kia..”[1], Khâu Vai là xã Khâu Vai thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Chưa ai có thể khẳng định chính xác di sản Chợ Phong Lưu Khâu Vai ra đời từ khi nào nhưng có thể khẳng định nó có lịch sử tồn tại lâu đời, theo lời các cụ kể lại Chợ Phong lưu Khâu Vai đến nay khoảng 5 đời khoảng trên 100 năm. Hàng năm dịp cuối tháng 3 âm lịch người Nùng, người Giáy sống trên địa bàn xã Khâu Vai tổ chức một phiên chợ vào ngày 27 tháng 3 và cộng đồng các dân tộc vùng Đồng Văn, Mèo Vạc cùng một số cộng đồng khác thuộc ở các xã lân cận thuộc tỉnh Cao Bằng về Khâu Vai để đi chơi chợ. Phiên chợ này như một ngày hội để bà con gặp gỡ, giao lưu. Mọi người gặp nhau giao lưu văn hoá: uống rượu, nói chuyện, kết bạn, bày tỏ tình cảm, hát giao duyên và hẹn hò… Cho đến ngày nay người dân đi chợ phiên này vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện truyền thuyết mối tình của chàng Ba và nàng Út gắn liền với phiên chợ độc đáo này.

Chàng Ba người dân tộc Nùng nhà nghèo, nàng Út con gái của tộc trưởng người Giấy, nhà giàu. Ngày xưa dân tộc nào lấy dân tộc ấy theo thời phong kiến nên họ bị ngăn cấm, hai người lên núi Khâu Vai hẹn hò, gia đình nhà trai nhà gái lên núi tìm, nhà gái cho rằng chàng Ba kéo con gái người Giấy đi. Hai nhà cãi cọ nhau dẫn đến đánh nhau, nhìn thấy cảnh đó hai người chấp thuận chia tay người nào về người đó, hẹn nhau mỗi năm gặp nhau vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Sau này hai người không lấy ai, sống cô đơn cho đến khi chết. Cảm động trước mối tình thủy chung ấy, dân làng nơi đây lập miếu Ông, miếu Bà để thờ cúng. Kể từ ngày đó, người dân trong vùng lấy ngày 27 tháng 3 âm lịch hàng năm là ngày mà những đôi trai gái yêu thương nhau vì lý do nào đó mà không được nên duyên chồng vợ, với sự chấp thuận của cả cộng đồng, họ được quyền đến Khâu Vai tìm nhau để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa, cùng chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, nhưng không được bước qua ranh giới nhục dục thấp hèn. Nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến Khâu Vai, đến nơi vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng. Họ không ghen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự thiêng liêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Ngoài ra thông qua việc gặp gỡ những người trẻ tuổi đến Khâu Vai vào dịp này để giao lưu, tìm hiểu nhau, nhiều đôi thông qua phiên chợ tình đã nên vợ nên chồng.

Tháng 3 là mùa gieo hạt, vun trồng ngô, nhưng nhiều gia đình người Nùng, người Giáy, người Mông…thu xếp công việc bận rộn lại bỏ ra một ngày cùng gia đình để về Khâu Vai. Còn với người dân thôn Khâu Vai từ ngày 20 tháng 3 âm lịch họ đã dọn dẹp nhà cửa, sân vườn sạch sẽ để đón anh em, họ hàng và khách đến nhà chơi. Đồng thời họ chuẩn bị một số thực phẩm để cúng và làm món ăn tiếp khách như: Gạo nếp hạt đều đẹp để đồ xôi màu, làm bánh, giã bánh dày, gà, lợn, rượu… Những người ở địa phương và một số vùng lân cận, trước đây từng yêu nhau nhưng do hoàn cảnh nào đó mà không lấy được nhau họ có sự chuẩn bị một số món đồ như: Phụ nữ tự tay khâu vá những bộ trang phục mới (quần, áo, khăn, giày…) để mặc và tặng bạn tình, người yêu cũ; Nam giới sắm quần áo mới, mua một chiếc khăn, vài phong bánh khảo, 2 – 3m vải để tặng, có người ở xa đến còn mang theo xôi, gà luộc và rượu để ăn lót đường…nếu ai biết hát, thổi khèn, sáo, kèn pí lè thì làm mới hoặc kiểm tra và lau chùi sạch sẽ các loại nhạc cụ. Những người chưa có người yêu chuẩn bị trang phục đẹp nhất để giao lưu gặp gỡ để tìm bạn tình; Đối với trẻ nhỏ thì được bố mẹ cho đi cùng đến chợ gặp gỡ những người thân, họ hàng tại khu vực Khâu Vai sau một năm hoặc nhiều năm chưa gặp lại. Riêng nhóm người Nùng, người Giấy ở xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc), Đức Hạnh, Cốc Pàng (Bảo Lạc – Cao Bằng) đều có nguồn gốc từ Khâu Vai. Vì chiến tranh, thổ phỉ, loạn lạc nên họ đã chuyển từ Khâu Vai đi đến những nơi khác để sinh sống từ nhiều đời trước, vào dịp này họ rất háo hức muốn về thăm, gặp lại họ hàng của mình.

Từ chiều ngày 25 đến 26 tháng 3 âm lịch, các gia đình tại Khâu Vai làm cơm đón khách, các món ăn làm từ thịt gà, thịt lợn được chế biến theo tập quán người Nùng, người Giấy và các loại rau, cùng rượu được bày ra mọi người trong gia đình và khách cùng nhau ăn uống. Chén rượu nồng nàn nâng lên hạ xuống cùng với lời hàn huyên tâm sự, gia đình mỗi lúc một đông vì có khách từ các nhà khác vào chơi. Bầu không khí trong gia đình rất vui vẻ. Ai đến chơi cũng được mời rượu từ cửa cùng với những lời hát đối đáp. Một buổi hát lượn bao giờ cũng có lề lối của nó: Lúc đầu là xin phép chủ nhà, rồi là những bài hát để mời khách hát lượn, sau khi khách đã đáp lời thì cuộc hát lượn được tiếp tục bằng những bài chúc mừng nhau, hỏi thăm quê quán của khách; còn khách thì hát những bài mừng thăm gia chủ, bà con trong thôn bản; sau đó người ta hát những bài mời nhau ăn trầu, hút thuốc. Sau phần chào hỏi xã giao nêu trên đến phần hát để bày tỏ tâm tình. Tốp nữ ngồi hát ở trong buồng còn tốp nam ngồi ở giữa nhà của gia chủ, hai tốp không nhìn thấy mặt nhau. Chủ đề là những bài hát về tình yêu nam nữ, thể hiện lòng mong muốn được yêu đương, mong có được một mối tình chung thuỷ.

Hoa nở ở bản khác.

Hoa đẹp nở bản bên.

Hoa tàn xong lại nở

Hoa rụng bay về biển

Hoa đẹp ghép thành bông

Trai gái khác bản chung lòng

Trai gái khác bản lấy được nhau

Áo anh rách em vá

Quần anh bẩn em giặt

Họ hát với cả tấm lòng của mình, hát thâu đêm đến lúc canh tàn. Trước lúc chia tay với một tình cảm lưu luyến, họ hát những bài tạ từ nhớ thương bằng những câu luyến mến, thiết tha. Tan canh họ mời nhau ly rượu và trao cho nhau những vật làm kỷ niệm. Vật kỷ niệm của người con trai tặng người con gái thường là chiếc khăn tay, khăn len; người con gái tặng cho người con trai gặp nhau năm đầu thường là túi thổ cẩm, năm thứ hai là đôi giầy vải, năm thứ ba là chiếc áo… Thông thường nếu bén duyên sau một hay hai năm họ cưới nhau; trường hợp sau năm thứ ba (tặng áo) mà vẫn chưa lấy được nhau, thì họ quan niệm đó là “duyên số” và đến năm thứ tư họ tự nguyện chia tay nhau để mỗi người đi tìm người bạn mới.

Hôm nay là ngày lành tháng tốt

Một ngày 27 tháng 3

Hai ta lại gặp nhau phiên chợ

Nay ta kể câu chuyện ngày xưa

Kể lại mối tình cũ, ban đầu

Lâu lắm không gặp được em yêu

Nay gặp lại em vẫn khỏe chứ

Còn những tốp trai gái hát Lượn và thổi sao, thổi khèn ở các vạt đồi cũng hết sức tình tứ. Hát lượn là những điệu hát giao duyên đối đáp của dân tộc Nùng và Giáy. Những bài hát này thường theo lối ứng khẩu, đối đáp tự do tuỳ theo ngữ cảnh mà có những lời, những câu cho thích hợp.

Những năm trước khi chưa có điện muốn đi lên đồi hát lượn nam nữ thường mang theo đèn dầu và một chiếc chiếu để ngồi, xã hội tiến bộ hơn thì họ mang theo đèn pin lên đồi để hát và tâm tình. Qua các buổi hát lượn trên, tình yêu nảy nở, nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Nhiều người đến Khâu Vai biết thêm được nhiều bạn mới.

Chợ Phong Lưu Khâu Vai và tục cúng miếu Ông, miếu Bà gắn với sự tồn tại cộng đồng người Nùng, Giáy từ xa xưa, tạo thành một thói quen sinh hoạt, tập quán đặc sắc mà người ngoài nhìn vào có thể nhận ra đó là tập quán riêng có của cư dân tại vùng Khâu Vai. Thông qua di sản chúng ta thấy giá trị văn hóa nổi bật đó chính là sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng với nhiều lớp giá trị từ tín ngưỡng bản địa đến quan niệm sống, lối sống của đồng bào định cư ở nơi đây. Khâu Vai ở đó là nơi gặp gỡ của tình yêu, nơi gặp gỡ của kỷ niệm. Những năm gần đây Khâu Vai nổi lên như một địa điểm mang đậm văn hóa truyền thống của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang được nhiều người biết đến. Nhắc đến Khâu Vai là nhớ đến Hà Giang. Hàng năm địa điểm này thu hút một lượng khách lớn từ khắp nơi trong cả nước đến tìm hiểu văn hóa, là nguồn cảm hứng, động lực cho những người muốn tìm hiểu văn hóa vùng cao, những người thích khám phá tìm đến. Chính từ yếu tố văn hóa đặc sắc đã thúc đẩy sự phát triển du lịch trở thành nhân tố mới cho sự phát triển kinh tế địa phương. Đời sống của cộng đồng các dân tộc nơi đây cũng nhờ đó mà có thêm điều kiện phát triển. Với những giá trị đó, ngày 24/6/2021 Chợ Phong Lưu Khâu Vai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./.

Tùng Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *