fbpx
Tin tức

Đám cưới người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì

Trong xu thế hội nhập ngày một sâu rộng như hiện nay, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh có sự giao thoa, mai một. Nhưng đối với đồng bào Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc. Đặc biệt, lễ cưới truyền thống được duy trì theo đúng bản sắc từ xưa để lại.

Thầy cúng chủ trì lễ cưới.
Thầy cúng chủ trì lễ cưới.

 

Dân tộc Dao, huyện Hoàng Su Phì có Dao đỏ và Dao áo dài. Người Dao sinh sống chủ yếu ở các xã phía Nam như: Thông Nguyên, Nậm Ty, Hồ Thầu, Bản Luốc… có nét văn hóa rất phong phú và đậm đà bản sắc. Một trong những nghi lễ đặc sắc phải kết đến đó là đám cưới của người Dao đỏ. Lễ cưới được diễn ra chủ yếu ở nhà trai, còn nhà gái chỉ được tổ chức một bữa ăn vui vẻ khi đưa cô dâu về nhà chồng. Một trong những điều độc đáo nhất trong lễ cưới của người Dao đỏ là nhà trai không đến đón mà những người đại diện họ nhà gái sẽ đưa cô dâu đến tận nhà chú rể.

Trong đám cưới, cô dâu thường mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất do chính cô dâu tự may trước khi cưới gồm: Áo có gắn những chùm tua có màu đỏ rực rỡ phía trước và sau cầu vai, yếm có gắn ngôi sao năm cánh (lùi ton) những hạt và mảnh bạc cùng với hoạ tiết bằng chỉ mầu đỏ và trắng; khăn đội đầu cuốn ngoài, guốc mộc, chùm móc chìa khoá và dây sà tích bằng Bạc. Ngoài ra, cô dâu còn có một chiếc ô được phủ một lớp vải màu đỏ phía ngoài, chiếc ô này do một cô gái phù dâu vừa đi vừa che. Chú rể mặc bộ quần áo truyền thống mới may đầu đội mũ nồi màu đen, chân đi guốc mộc (ngày nay chú rể thường đi dép tông hoặc đi dép nhựa…).

Theo phong tục, trên đường đón dâu về, cô dâu được trùm một tấm khăn màu đỏ đen, người phù dâu dùng khăn che mặt cho cô dâu. Đối với đồng bào người Dao, cô dâu không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời bởi sợ mất vía, sẽ không gặp may trong đời sống sau này. Chú rể cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi thực hiện xong các nghi lễ cúng tạ tổ tiên. Trước khi đến nhà chú rể, cô dâu phải trải qua nghi lễ giải hạn do nhà trai tổ chức.

Nghi lễ đón dâu, bắt đầu từ cổng vào nhà trai với đoàn nhạc lễ của người Dao gồm kèn, trống, chiêng, chũm. ẹn trăm năm. Nét đặc biệt trong đám cưới của người Dao là trang phục của cô dâu với chiếc khăn lớn chùm đầu. Mũ áo của cô dâu người Dao đỏ là một tác phẩm độc đáo kết hợp của sắc màu, nó thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống… Đoàn rước dâu trở về với đoàn nhạc lễ thổi những bài ca mừng cưới. Đến nhà trai, đoàn rước dâu phải đợi giờ tốt, đợi thầy cúng làm lễ báo với tổ tiên thì mới được vào nhà. Đến giờ làm lễ, cô dâu đứng trước bàn thờ đợi chú rể được đại diện nhà trai dắt ra với chiếc khăn chùm đầu giống hệt với chiếc khăn của cô dâu. Lúc này thầy cúng, người được xem là chủ lễ trong đám cưới bắt đầu các nghi lễ. Đêm trong lễ cưới, các cô gái, chàng trai đôi bên được dịp trổ tài hát “Páo Dung” (hát dân ca của dân tộc Dao đỏ). Đám cưới người Dao được tổ chức hai ngày hai đêm. Khi đoàn đưa dâu nhà gái về, mỗi người được biếu 1kg thịt lợn và một chai rượu.

Theo tục lệ, cô dâu khi về đến nhà chồng, trong suốt thời gian diễn ra lễ cưới không được đi dép để thể hiện sự kính trọng biết điều với mọi người trong gia đình nhà chồng. Sau đám cưới trong vòng một tháng, cô dâu không được đi về nhà bố mẹ đẻ và những nhà không phải họ hàng thân thiết của nhà chồng. Đặc biệt là kiêng kỵ không đi qua các khe suối. Đồng bào người Dao cho rằng nếu trong tháng đầu cô dâu đi về nhà bố mẹ đẻ hoặc nhà khác không phải họ hàng thân thiết của nhà chồng, vì con gái đó đang thuộc quyền quản lý của ma nhà trai. Đồng thời đi qua các khe suối thì sau này hay đi lại tuỳ tiện để ảnh hưởng đến hôn nhân của họ.

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều tục lệ của người Dao đỏ đã bị mai một theo thời gian, nhưng những nghi lễ, nghi thức trong đám cưới cổ truyền vẫn được người Dao đỏ lưu truyền để giáo dục cho con cháu đời sau, bởi trong đó chứa đựng nhiều yếu tố về văn hóa và lịch sử.

BHG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *