fbpx
Tin tức

Dân tộc Nùng Hà Giang

Hà Giang là một trong nhiều tỉnh phía Bắc của nước ta có đồng bào dân tộc Nùng cư trú với các nhóm Nùng chính là Nùng An, Nùng Dín, Nùng Xuồng… tập trung nhiều ở các huyện: Xín Mần, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên. Dân tộc Nùng hiện nay còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống tạo thành một nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Người Nùng sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt bao gồm canh tác ruộng nước, rẫy, nương thổ canh. Chăn nuôi gia súc khá phát triển. Đa dạng về nghề thủ công như rèn, đan lát, nghề mộc, làm giấy bản, nghề dệt vải…

Đồng bào Nùng sinh sống thành từng bản trên các sườn đồi, Người Nùng thường ở nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất. Người Nùng thường chọn vị trí dựng nhà ở sườn đồi, ở khu vực có nhiều cây cối, vì theo kinh nghiệm của đồng bào, nơi có nhiều cây cối thường không bị sạt lở đất.

Trang phục của người Nùng được nhuộm chàm, phụ nữ mặc áo 5 thân, cài cúc sang bên nách phải, thân áo dài đến đầu gối, áo kiểu cổ đứng, thắt lưng làm từ vải đen. Nam giới mặc áo cổ đứng xẻ ngực với hàng cúc vải và 4 túi không nắp, quần theo kiểu chân què, đũng rộng.

Ẩm thực của người Nùng đa dạng, người Nùng thường chế biến các món ăn bằng bột gạo, bột ngô, điển hình có món khau nhục, bánh trôi, bánh khảo, chè lam, xôi ngũ sắc…

Người Nùng có nền văn hóa khá phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm màu sắc dân tộc. văn nghệ dân gian người Nùng nổi tiếng nhất là điệu sli, là cách giao duyên của thanh niên nam nữ. Then là làn điệu dân ca tổng hợp có lời, có nhạc, có hình thức biểu diễn đã làm rạo rực tâm hồn bao chàng trai Nùng khi ở xa quê. Người Nùng có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội lồng tồng ( có nghĩa là lễ hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng riêng hàng năm, lễ cúng thần rừng,lễ cúng mừng cơm mới, Tết độc lập…

Hôn nhân của người Nùng cũng giống như dân tộc Tày, nam nữ tự do tìm hiểu nhưng việc cưới xin phải do cha mẹ quyết định (xem vía hai người có hợp hay không mới cho cưới) và trải qua nhiều nghi lễ: lễ dạm hỏi, lễ dạm cưới, lễ cưới chính thức, lễ lại mặt.

Về Tang lễ Người Nùng quan niệm con người có linh hồn. Khi chết, hồn biến thành ma. Nếu con cái không lo liệu đám ma chu đáo thì linh hồn bố mẹ thường hay đến quẫy nhiễu vì thế con cái phải lo toan chu tất trong đám ma chẳng những là dịp để con cái báo hiếu cha mẹ, mà còn tránh được dư luận xã hội.

                                                                                    Mi Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *