fbpx
Tin tức

Du lịch thành phố chuyển mình

Là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa của tỉnh, diện mạo thành phố Hà Giang đang chuyển mình một cách rõ nét. Dạo quanh thành phố không khó bắt gặp những trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, hay những làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hấp dẫn…Tất cả đã tạo nên bức tranh riêng của Hà Giang. Với sự thay đổi đó, du lịch thành phố đã dần đáp ứng được yêu cầu khắt khe của du khách và xứng đáng trong vai trò là trung tâm du lịch của tỉnh.

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ.
Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, xã Phương Độ.

Với việc là điểm dừng chân nghỉ dưỡng cho chuyến đi khám phá Cao nguyên đá của khách du lịch. Thành phố đóng vai trò là một “ngôi nhà” với các dịch vụ như: Ăn ở, ngủ nghỉ,… xác định được điều đó, địa phương đã tập trung cho việc xây dựng cơ sở vật chất và phát triển nền ẩm thực. Cùng với đó, ngành Du lịch ngày một đa dạng về loại hình như: Du lịch cộng đồng; khách sạn, nhà nghỉ cao cấp; du lịch sinh thái và xây dựng các trung tâm thương mại… Trong 9 tháng đầu năm, tuy bị ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhưng lượng khách đến và dừng chân tại thành phố đạt 123.674 lượt khách, doanh thu đạt 21,7 tỷ đồng. Trên địa bàn có tổng số 108 khách sạn, nhà nghỉ, nhiều khách sạn đạt từ 2 – 4 sao và hơn 120 homestay.

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên Km0.
Du khách chụp ảnh lưu niệm bên Km0.

Đánh giá về sự thay đổi và từng bước chuyển mình trên lĩnh vực du lịch của thành phố, đồng chí Hoàng Thế Ngọc, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin, cho biết: “Trong 5 năm trở lại đây, du lịch toàn tỉnh nói chung và thành phố Hà Giang nói riêng đã có sự lột xác và thay đổi từng ngày. Để có được điều đó, bên cạnh các nguồn vốn đầu tư, chính sách ưu đãi của tỉnh thì người dân chính là nhân tố đóng góp vai trò rất lớn, họ biết phát huy lợi thế của địa phương với những đặc sản và nét văn hóa bản địa cùng tư tưởng về làm du lịch. Bên cạnh đó, Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc xiết chặt kiểm tra về cơ sở vật chất, giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm của tất cả các cơ sở lưu trú, dịch vụ trên địa bàn,… góp phần tạo nên hình ảnh thân thiện và uy tín. Qua đó, hình ảnh về Hà Giang và thành phố ngày một được biết đến và tạo dấu ấn sâu đậm cho du khách”.

Doanh thu đạt từ 20 – 30 triệu đồng/1 tháng, đón được hơn 1.000 lượt khách/năm là kết quả của việc xây dựng mô hình homestay của gia đình anh Nguyễn Văn Nghiệp, thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang. Anh chia sẻ: “Từ việc thấy người dân trong thôn mở các dịch vụ du lịch cộng đồng tại gia đình, mà vốn đầu tư lại ít, có thể tận dụng ngay không gian sẵn có. Năm 2014, tôi đã mượn căn nhà của bố mẹ để làm du lịch. Làm du lịch theo hướng cộng đồng không quá khó, với lợi thế là làng dân tộc Tày có nhiều nét đẹp về văn hóa và nền ẩm thực phong phú, mình chỉ cần đầu tư thêm về đệm, chăn, màn, gối; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ môi trường sạch sẽ. Cứ như vậy lượng khách đến thôn và vào gia đình nghỉ ngày một đông…”.

Sau chuyến hành trình dài, chị Nguyễn Quỳnh Châm, du khách đến từ Sài Gòn, cho biết: “Tại quê nhà, chúng tôi thường được chiêm gưỡng những cảnh đẹp về Hà Giang. Hình ảnh về con người, ngôi nhà trình tường, cùng sức sống mãnh liệt của loài hoa Tam giác mạch đã thôi thúc tôi và cả đoàn nhất định phải chinh phục và trải nghiệm cuộc sống nơi đây. Thỏa ước nguyện đó, đoàn chúng tôi với hơn 10 người, nay đã được thỏa trí tò mò và đã quyết định giành 5 ngày để khám phá, chinh phục những hẻm vực, cung đường và thưởng thức ẩm thực. Tôi yêu Hà Giang!”.

Du lịch đóng vai trò là đòn bẩy giúp kinh tế phát triển, là phương tiện quảng bá tốt nhất hình ảnh của Hà Giang đến với đông đảo du khách. Với sự chuyển mình và đi đúng hướng, ngành Du lịch đã mang lại nguồn lợi giúp kinh tế địa phương phát triển và trở thành cơ hội để đồng bào, người dân thành phố và tỉnh vươn lên làm giàu.

BHG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *