fbpx
Tin tức

Hà Giang: Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cờ Lao

Người Cờ Lao tại Hà Giang luôn biết cách gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời hòa nhập và phát triển cùng với các dân tộc khác như Mông, Dao, Tày…

Không phai mờ giá trị văn hóa

Người Cờ Lao tại Việt Nam sinh sống chủ yếu tại tỉnh Hà Giang, định cư ở các huyện Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Cộng đồng dân tộc Cờ Lao trên địa bàn tỉnh Hà Giang là một trong những dân tộc rất ít người của cả nước. Người Cờ Lao cũng được chia thành nhiều nhóm. Nhóm Cờ Lao Đỏ phân bố ở Hoàng Su Phì và Yên Minh, nơi có nhiều núi đất và thung lũng, chủ yếu canh tác ruộng nước. Trong khi đó, nhóm Cờ Lao Xanh và cờ Lao Trắng phân bố ở Đồng Văn, Mèo Vạc lại sống dựa chủ yếu vào nương định canh núi đá. Theo các tài liệu nghiên cứu hiện nay thì người Cờ Lao ở Việt Nam có quan hệ với dân tộc Ngật Lão ở Văn Sơn (Trung Quốc). Căn cứ vào gia phả của một số dòng họ thì người Cờ Lao có mặt ở Hà Giang khoảng 120 đến 250 năm cách ngày nay. 

1-1629639821.jpg
Phụ nữ Cờ Lao hái chè Shan tuyết cổ thụ. Ảnh tư liệu

Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ Ngành Trung ương; công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được quan tâm chú trọng, tỉnh Hà Giang được đầu tư Đề án phát triển kinh tế – xã hội vùng Dân tộc Cờ Lao giai đoạn 2011-2020. Trên cơ sở nguồn vốn Trung ương phân bổ hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc và các ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng định mức góp phần giải quyết những khó khăn cho đồng bào Cờ Lao; đời sống vật chất tinh thần của người dân Cờ Lao được cải thiện rõ rệt. Kết cầu hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện như đường giao thông; hệ thống cấp điện lưới quốc gia; nhà văn hóa, lớp học thôn bản; công trình cấp nước sinh hoạt … tạo điều kiện dân tộc Cờ Lao giao lưu, hội nhập với bên ngoài, phát huy nội lực bên trong để phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong dân tộc Cờ Lao giảm từ 73,9% năm 2010 (theo chuẩn nghèo cũ) xuống còn 52,2% năm 2017 (theo chuẩn nghèo mới).

Hoàng Su Phì là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Cờ Lao sinh sống, Chủ tịch UBND huyện Thèn Ngọc Minh cho biết: Người Cờ Lao là cộng đồng dân tộc thiểu số của huyện, để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, những năm gần đây UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp ngành Văn hóa của tỉnh cùng với chính quyền các xã, kết nối với nhiều nghệ nhân tâm huyết tổ chức phục dựng những lễ hội truyền thống, tổ chức các buổi giao lưu giữa các địa phương, qua đó khôi phục dần những nét văn hóa trước đây bị mai một, bổ sung kho tàng văn hóa người Cờ Lao thêm phong phú.

Người Cờ Lao tại đây con lưu giữ được những làn điệu âm nhạc của riêng mình. Các làn điệu âm nhạc dân gian đồ sộ gồm những bài hát dân ca được lưu truyền miệng trong cộng đồng. Khác với các dân tộc khác, dân ca chủ yến được lưu truyền qua các thầy cúng còn đối với dân tộc Cờ Lao chủ yếu được lưu truyền qua các nghệ nhân dân gian hoặc các bậc cao niên… Theo thống kê, hiện có khoảng trên 200 bài hát cổ được các nghệ nhân người Cờ Lao thuộc theo kiểu truyền khẩu và thường hát trong các dịp lễ tết hoặc trong các đám cưới hỏi, trong lễ cúng Hoàng Vần Thùng…

tung-san-1629639972.jpg
Lễ cúng Hoàng Vần Thùng của người Cờ Lao, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì. Ảnh tư liệu

Người Cờ Lao đều thờ chung một nhân vật, đó là Hoàng Vần Thùng (tức Hoàng Văn Đồng – Thành hoàng của làng). Qua lời kể của ông Min Phà Khái – Nghệ nhân dân gian và là Người có uy tín của dân tộc Cờ Lao, ở thôn Tà Chải: Hoàng Vần Thùng là một người có công khai thiên lập địa và giúp nhân dân trong vùng mở mang khai khẩn, đánh đuổi thú dữ, kẻ thù để giành lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Vì vậy ông được coi như vị Thành Hoàng của các tộc họ người Cờ Lao. Để tưởng nhớ công ơn của ông, vào đầu tháng 7 âm lịch hàng năm, các tộc họ người Cờ Lao lại tổ chức cúng tế tại miếu Thành Hoàng được lập tại đỉnh núi cao nhất của dải Tây Côn Lĩnh…

Trước khi cúng tế khoảng 10 ngày, già làng hoặc trưởng bản đi thông báo cho các trưởng họ về thời gian tổ chức cúng tế để các trưởng họ thông báo cho các gia đình chuẩn bị lễ vật, gồm 1 đến 2 kg gà hoặc thịt lợn, gạo, rượu, rau… Khi đến giờ cúng thì thầy cúng lấy tất cả các con vật làm đồ tế lễ để cúng sống, sau khi cúng xong bước thứ nhất, các lễ vật sống được đem đi nấu chín và sắp ra mâm và tiếp tục cúng. Kết thúc phần lễ, các gia đình quây quần bên mâm cơm và những chén rượu nồng. Các nghệ nhân, các chàng trai cô gái lại có dịp trổ tài trên các loại nhạc cụ truyền thống, thi hát dân ca, hát đối đáp giao duyên và tham gia các môn thể thao truyền thống, tạo nên không khí hết sức sôi động, thể hiện tính gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng. Cuối cùng tất cả mọi người cùng tổ chức ăn uống tại miếu, số còn lại được chia đều cho các gia đình lấy phần mang về nhà…

Những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của người dân tộc Cờ Lao hấp dẫn du khách, tạo nên sự thu hút, riêng có của Hà Giang.

Biến văn hóa thành tài sản

img-7564-1629640083.JPG
Trang phục truyền thống của phụ nữ Cờ Lao ở Hà Giang. Ảnh tư liệu 

Trước sự khắc nghiệt của thời gian, nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Cờ Lao đang đứng trước nguy cơ giao thoa, thay đổi, thậm chí biến mất trong đời sống của họ. Chính vì vậy việc quan tâm, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đó đang là vấn đề bức thiết đặt ra. Chính quyền các cấp, các địa phương có đồng bào Cờ Lao sinh sống tại Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Năm 2020, Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang; UBND huyện Hoàng Su Phì tổ chức mở các lớp truyền dạy về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Cờ Lao cho các học viên trên địa bàn xã Túng Sán. Các học viên được chính các nghệ nhân có uy tín trong cộng đồng dân tộc Cờ Lao truyền dạy những làn điệu dân ca, dân vũ, kỹ thuật sử dụng các nhạc cụ truyền thống phổ biến của dân tộc Cờ Lao như: Hát múa phụ họa mời rượu; kéo nhị; thổi kèn….Việc mở lớp truyền dạy, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có số dân ít như Cờ Lao. Ngoài ra, công tác sưu tầm những tư liệu hiện vật quý báu về văn hóa truyền thống của dân tộc Cờ Lao cũng được triển khai nhằm phục vụ tốt nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách ở trong và ngoài tỉnh.

Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nên nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có thách thức về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nói chung và dân tộc Cờ Lao nói riêng. Tỉnh Hà Giang đang tiếp tục kết hợp bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc truyền thống gắn với phát triển du lịch và loại bỏ các hủ tục, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến đậm bản sắc. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số. Qua đó, vừa giữ được truyền thống dân tộc vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm.

vanhoavaphattrien.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *