fbpx
Tin tức

Người truyền nghề dệt may ở Sủng Máng

Với tình yêu tha thiết dành cho nghề dệt, may trang phục truyền thống; bà Phùng Mẩy Liều, thôn Sủng Nhỉ B, xã Sủng Máng (Mèo Vạc) luôn miệt mài làm bạn với từng đường kim, sợi chỉ và truyền nghề cho thế  hệ trẻ.

Bà Phùng Mẩy Liều (bên trái) truyền kinh nghiệm thêu trang phục cho con cháu.
Bà Phùng Mẩy Liều (bên trái) truyền kinh nghiệm thêu trang phục cho con cháu.

Cùng cán bộ xã, chúng tôi tới thăm làng nghề may trang phục dân tộc xã Sủng Máng dưới cái nắng tháng 8. Ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ Dao dịu dàng, mải miết từng đường kim, mũi chỉ, hòa mình vào từng nét hoa văn, họa tiết tinh xảo trên những tấm vải thổ cẩm. Vừa thêu, bà Liều vừa kể: “Muốn có bộ trang phục dân tộc hoàn chỉnh, điều đầu tiên là phải có những tấm vải được nhuộm mầu chàm, sau đó tới kỹ thuật thêu, phải làm sao cho từng đường kim, mũi chỉ thật chính xác, phải thể hiện được sự mềm mại như người phụ nữ Dao”. Từ năm lên 10 tuổi, bà đã được anh trai dạy cách cắt, may, động viên và nhắc nhở bà giữ nghề truyền thống của gia đình.

Được nghe bà giới thiệu về các bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, chúng tôi biết được nguyên liệu chính chủ yếu là vải trắng, sau khi nhuộm thuốc được lấy từ cây chàm đã cho ra những tấm vải màu sắc khác nhau, phù hợp với từng loại trang phục. Trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao có mầu sắc sặc sỡ, đường thêu tỉ mỉ, cầu kỳ, đòi hỏi người thêu phải thật cẩn thận, đặt hết tâm tư, tình cảm vào từng đường thêu, mũi chỉ. Chính vì vậy, một bộ trang phục nữ phải mất từ 2 – 3 tháng mới làm xong. Đối với trang phục nam, không đòi hỏi sự tỉ mỉ nên thời gian hoàn thành ngắn hơn.

Bà Liều chia sẻ: Ngày trước, may trang phục theo cách truyền thống mất nhiều thời gian và công sức, sản phẩm làm ra không nhiều, chủ yếu phục vụ nhu cầu cá nhân. Nhưng nay có máy móc hỗ trợ, số lượng trang phục tăng thêm nhiều. Nhờ duy trì nghề dệt, may trang phục truyền thống, đồng bào Dao thôn Sủng Nhỉ B (Sủng Máng) có nguồn thu nhập ổn định. Một bộ trang phục nam được bán với giá từ 400 – 800 nghìn đồng; trang phục nữ, giá thành cao hơn, có thể lên tới hàng chục triệu đồng.

Nghề dệt, may của đồng bào Dao là nét văn hóa truyền thống, minh chứng sinh động về đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ. Nhờ sự tận tụy, luôn nặng lòng với từng đường kim, mũi chỉ của bà Liều, nghề dệt may nơi đây được bảo tồn, ngày một phát triển.

BHG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *