fbpx
Tin tức

Phát triển nghề dệt lanh ở Cán Tỷ

Đến với xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông ngồi se lanh, dệt vải trước hiên nhà với sự uyển chuyển, khéo léo của đôi bàn tay, từng đường kim, mũi chỉ được thêu một các tỉ mỉ. Những hình ảnh đó đã trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo của người H’Mông tại đây.

Ảnh: Sản phẩm vải thổ cẩm được dệt từ cây lanh tại HTX Cán Tỷ.

    Hiện nay, trước sự phát triển của khoa học, công nghệ, các sản phẩm truyền thống của đồng bào cùng với nghề dệt thổ cẩm đang có dấu hiệu bị mai một, dần bị lãng quên theo thời gian. Xác định, muốn giữ gìn nghề truyền thống cần kết hợp học nghề gắn với phát triển kinh tế và khôi phục lại văn hóa truyền thống dệt, thêu lanh có từ lâu đời, năm 2010 Hợp tác xã dệt lanh Cán Tỷ tại thôn Đầu Cầu II, xã Cán Tỷ được thành lập với 29 thành viên, tuy nhiên khi mới thành lập HTX còn gặp nhiều khó khăn, do bà con đồng bào đã quen với việc sản phẩm làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu bản thân, gia đình cho nên sản phẩm còn mang tính đơn điệu, đơn giản.
Ban đầu, để bà con đồng bào có thể làm quen từng bước từ đơn giản cho đến phức tạp, tận tụy với từng đường kim, mũi chỉ, xã Cán Tỷ đã chủ động vận động, tuyên truyền chị em tham gia theo học lớp tập huấn, khóa học dệt từ những người cao tuổi trong xã có thâm niên, kinh nghiệm trong nghề dệt, thêu lanh. Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm thổ cẩm chính là sợi của cây lanh; Sau khi trải qua 12 bước như: Gieo trồng, Thu hoạch lanh, tước vỏ lanh, giã sợi lanh cho đến bước nhuộm vải, vẽ hoa văn. Thì có thể thấy để làm ra một sản phẩm thổ cẩm thủ công mất rất nhiều bước, đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn, kì công và tỉ mỉ.
Để sản phẩm cuả HTX có thể bắt kịp với nhu cầu của thị trường khách hàng, HTX dệt lanh Cán Tỷ đã không ngừng học hỏi, cải tiến mẫu mã thành nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt với trên 18 mẫu sản phẩm gồm: Đồ để trang trí, tranh treo tường, miếng trải gối, túi xách, balo, túi đựng điện thoại… với nhiều kiểu hoa văn, họa tiết độc đáo, hấp dẫn mang đậm nét văn hóa của đồng bào noi đây. Đặc biệt các họa tiết, hoa văn trang trí trên các sản phẩm của HTX đều được các chị em vẽ bằng sắp ong và thêu tay. Trung bình các sản phẩm tại đây có giá trị giao động từ 60.000 đồng – 1.500.000 tùy từng kích thước, chủng loại. Bà Sùng Thị Máy, Giám đốc HTX dệt lanh Cán Tỷ chia sẻ “Sau khi kiện toàn và thống nhất lại thành viên HTX vào năm 2017 đến nay việc phát triển của HTX đã được nâng lên, các sản phẩm làm ra đã tìm được thị trường ổn định như Hà Nội, Điện Biên… Ngoài ra sản phẩm bán cho khách du lịch, tham quan cũng tăng lên rõ rệt”.
Bên cạnh việc sản xuất, để nâng cao tay nghề cho các chị em trong HTX, Cấp ủy chính quyền xã thường xuyên phối hợp với HTX dệt lanh Cán Tỷ tổ chức lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho các học viên thu hút đông đảo chị em phụ nữ trên địa bàn xã tham gia học. Bởi vậy, HTX dệt lanh Cán Tỷ không chỉ là nơi khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm mang đậm văn hóa của bà con đồng bào người H’Mông mà còn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, HTX dệt thổ cẩm Cán Tỷ đã giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập ổn định hơn. Chị Hạng Thị Vàng, thành viên HTX dệt lanh Cán Tỷ, xã Cán Tỷ chia sẻ “Tôi tham gia HTX được 8 năm rồi, là thành viên đảm nhiệm ở khâu máy hoàn thiện sản phẩm nên máy sao cho đường kim, mũi chỉ thanh thoát cần phải tập trung và rất tỉ mỉ, từ khi tham gia HTX thu nhập của tôi ổn định hơn trung bình mỗi tháng thu nhậ của tôi là trên 6.000.000 triệu đồng”
Hiện nay, với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch tại huyện Quản Bạ, thì việc phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào H’Mông ở xã Cán Tỷ là rất phù hợp, đây sẽ là cơ hội phát triển, xây dựng được thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần giảm nghèo bền vững, mang lại một cuộc sống ổn định cho người dân. Đồng thời, cũng nhằm lưu giữ và quảng bá những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc H’Mông trên những sản phẩm tới khách hàng, bạn bè trong và ngoài nước../.

 

Hoàng Chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *