fbpx
Tin tức

Thành phố Hà Giang bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Dao

Trên địa bàn thành phố Hà Giang dân tộc Dao sống tập trung ở 8 thôn của 3 xã: Phương Độ, Phương Thiện, Ngọc Đường, với tổng số dân là 2.670 người, chủ yếu là Dao áo dài.

Nghề thủ công truyền thống truyền thống của người Dao được trao truyền đến thế hệ trẻ duy trì, phát triển.

Ảnh: Phương An

Người Dao áo dài sinh sống ở các vùng rẻo cao lưng đồi núi hoặc ven các thung lũng tạo thành các bản, mỗi bản có từ một vài chục đến hàng trăm nóc nhà. Kiến trúc nhà ở truyền thống là nhà sàn, có một số ít là nhà đất, được kết cấu gồm 4 mái, 5 gian chính với 2 chái phụ, cá biệt mới có nhà 3 gian, 2 chái, gian giữa là nơi đặt bàn thờ. Nhà có khung gỗ, phần mái có sườn bằng tre, nứa, lợp lá cọ; vách bưng bằng phên tre đập dập hoặc bằng ván gỗ mỏng. Kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, hình thức canh tác chủ yếu là làm nương, thổ canh trên hốc đá và canh tác ruộng nước, trồng cây dược liệu… Một số hộ gia đình có lò rèn thủ công để sửa chữa nông cụ và người Dao cũng có nghề truyền thống là đúc, chạm, khắc những đồ trang sức bằng bạc… Trang phục người Dao áo dài đơn giản hơn trang phục người Dao đỏ, trang phục thường ngày của phục nữ  gồm có khăn đội đầu, áo dài, quần, dây lưng, xà cạp và đồ trang sức bằng bạc. Bộ nam phục gồm có khăn đội đầu, áo, quần đều được may bằng vải nhuộm đen hoặc chàm, áo nam ngắn hơn áo nữ và không thêu trang trí. Khăn nam hình chữ nhật, khi đội được gấp dọc thành nhiều lớp và vấn quanh đầu.Người Dao áo dài cũng có kho tàng truyện cổ tích, thơ ca, hò vè rất phong phú và đặc sắc được phổ biến rộng rãi theo các đề tài như: đấu tranh với thiên nhiên, lao động sản xuất, quan hệ xã hội và gia đình… Một số lễ hội tiêu biểu của người Dao áo dài vẫn còn được lưu giữ như Lễ vúng thần rừng, lễ cấp sắc và lễ hội Bàn Vương….

Trong những năm qua, Thành phố Hà Giang đã phối hợp với các ngành chức năng chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân Dao áo dài. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Dao có nhiều chuyển biến tích cực, công tác phối hợp bảo tồn được quan tâm, thực hiện tốt; công tác vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách về văn hóa, ytế, giáo dục, an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, góp phần tạo điều kiện cho vùng đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn Thành phố ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, Thành phố cũng nhận thấy nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt là chưa có chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân có công nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài cụ thể để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân.Nguyên nhân là do địa bàn cư trú của người Dao áo dài tập trung ở vùng núi cao, trình độ dân trí hạn chế; xu hướng toàn cầu hóa với sự du nhập văn hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao.

Những món đồ trang sức bằng bạc của người Dao được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Ảnh: Phương An

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác văn hóa, Thành phố Hà Giang đã ban hành Đề án 1551/ĐA-UBND ngày 30/7/2021 về bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Dao trên địa bàn đến năm 2025. Mục tiêu của Đề án là bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể dân tộc Dao Áo Dài trên cơ sở tôn trọng tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu có nguy cơ mai một, nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao. Phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thốngcủa đồng bào dân tộc Dao áo dài gắn với nhiệm vụ phát triển du lịch và phát triển kinh tế – văn hóa xã hội trên địa bàn. Đến năm 2025, 100% đồng bào dân tộc Dao áo dài biết sử dụng ngôn ngữ (tiếng nói) của dân tộc mình;98% các hộ gia đình dân tộc Dao Áo Dài giữ nguyên được nhà sàn truyền thống;100% trang phục truyền thống của người Dao Áo Dài được bảo tồn nguỵên gốc; 50% số hộ gia đình người Dao được tham gia lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống; 100% tham gia các lớp truyền dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ; 15% số hộ gia đình được hỗ trợ bảo tồn nhà sàn truyền thống và nâng cấp sửa chữa một số hạng mục nhà đã bị hư hỏng phù hợp với nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Dao; Xây dựng mỗi thôn 01 đội văn nghệ dân gian; Bảo tồn và duy trì hoạt động lễ .hội truyền thống của dân tộc Dao như: Lễ hội Bàn Vương, Lễ cấp sắc, lễ cúng rừng, lễ mừng nhà mới…; lập hồ sơ đề nghi công nhận nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như: Sáng tác thơ ca, tập quán xã hội, tín ngưỡng, tiếng nói, chữ viết…

Với sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của chủ thể văn hóa, tin tưởng rằng giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao Áo Dài trên địa bàn Thành phố Hà Giang được bảo tồn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc và là nguồn tài nguyên nhân văn quan trọng để Thành phố Hà Giang phát triển thành trung tâm du lịch của tỉnh.

Tùng Chi

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *