Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, Hà Giang đã triển khai có hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang không những đem lại hiệu quả về kinh tế, nâng cao cuộc sống cho người nông dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh về văn hoá, du lịch con người Hà Giang
Trong những năm qua, loại hình du lịch nông nghiệp của Hà Giang đã được hình thành và phát triển. Việc tham gia của du khách cùng với người dân địa phương trong việc làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang, hiện đang trở thành trào lưu thu hút đối với du khách. Những phương thức canh tác độc đáo trong nông nghiệp của các dân tộc thiểu số ở Hà Giang như: Canh tác trên đá, thổ canh trên các hốc đá, các triền đá và trên các vỉa đá của đồng bào tại 4 huyện cao nguyên đá; canh tác trên các thửa ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc thiểu số tại 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần; trồng lanh dệt vải của đồng bào dân tộc Mông; trồng ngô để nấu rượu ngô men lá tạo nên loại rượu đặc sản; sử dụng hạt của cây hoa Tam giác mạch để chế ra loại rượu với hương vị đặc trưng, thu hoạch trà shan tuyết, cam sành, mật ong bạc hà …. Việc đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó có loại hình du lịch nông nghiệp đã hình thành nên các dịch vụ nhà nghỉ homestay của người nông dân tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh. Đây là một hình thức trải nghiệm thú vị đối với du khách khi được 3 cùng với người dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” cùng sinh hoạt, khám phá bản sắc văn hóa, cùng tham gia trải nghiệm canh tác và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp với người dân địa phương. Loại hình du lịch này không những giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần nâng cao dân trí cho người dân nông thôn trong quá trình giao tiếp với khách du lịch.
Với tiềm năng thế mạnh như vậy, tuy nhiên loại hình du lịch nông ngiệp vẫn chưa phát huy hết hiệu quả của mình, phần lớn du khách đến với các bản làng mới chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh và nghỉ dưỡng mà chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm. Để khắc phục những hạn chế này, cần có sự chung tay một cách đồng bộ của các cấp, các ngành liên quan trong việc quy hoạch các sản phẩm nông nghiệp, khôi phục các lễ hội truyền thống, phát triển các làng nghề gắn với du lịch nông nghiệp, đào tạo kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho bà con nông dân…