> Giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang trong giai đoạn mới. – Discover Hà Giang
Tin tức

Giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang trong giai đoạn mới.

Để xây dựng thương hiệu du lịch chúng ta không thể tách rời giữa xúc tiến quảng bá với xây dựng sản phẩm. Hay nói cách khác, công tác xúc tiến quảng bá du lịch sẽ khó hiệu quả nếu như không có những sản phẩm du lịch chất lượng tốt.  Sản phẩm du lịch là chất liệu cho xúc tiến quảng bá. Chính vì vậy, để cho du lịch của tỉnh Hà Giang phát triển bền vững, có tính cạnh tranh cao thì việc đầu tư cho công tác xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, làm mới sản phẩm du lịch là rất quan trọng và cần thiết.

Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Ban giám đốc Sở VHTT&DL, Trung tâm Xúc tiến Du lịch đã triển khai hoàn thành nhiệm vụ được giao, thường xuyên được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng uỷ, Ban giám đốc Sở VHTT&DL, Sở Thông tin và Truyền thông ghi nhận và biểu dương khen thưởng, đặc biệt trong lĩnh vực ứng dụng chuyển đổi số trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch. Với những nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo và cán bộ Trung tâm đã góp phần đưa du lịch Hà Giang đạt được những kết quả vượt bậc: được Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards – WTA) vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023”; “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”; Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; Là một trong tổng số 11 điểm đến tuyệt đẹp của Châu Á đã lọt vào danh sách 44 địa điểm đẹp nhất thế giới…góp phần trực tiếp đưa lượng khách du lịch đến với Hà Giang năm sau nhiều hơn năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xúc tiến quảng bá du lịch cũng như xây dựng sản phẩm du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: Công tác xúc tiến quảng bá du lịch chưa phong phú về hình thức, nội dung. Sản phẩm du lịch còn dàn trải, thiếu tính cạnh tranh bền vững, chưa có sản phẩm chuyên biệt dành cho thị trường khách du lịch quốc tế… Trước thực tế đó, xác định rõ nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng sản phẩm và xúc tiến quảng bá là then chốt để du lịch Hà Giang phát triển bền vững, một số giải pháp cho xây dựng sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang trong giai đoạn mới đã được Ban giám đốc, tập thể Trung tâm Xúc tiến Du lịch triển khai.

 Xúc tiến du lịch Hà Giang tại hội nghị Việt – Pháp

Đối với công tác xúc tiến quảng bá du lịch: Để nâng cao hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Hà Giang đáp ứng được giai đoạn kỷ nguyên mới – kỷ nguyên số. Ngành du lịch tỉnh Hà Giang cần phải triển khai thực hiện tốt một số giải pháp như: Thứ nhất, đa dạng hoá về hình thức và nội dung xúc tiến quảng bá, trong đó tập trung nâng cao chất lượng tham gia các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch như tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VITM, qua những miền di sản Việt Bắc, ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh… Nâng tầm các lễ hội hiện có thành sự kiện quảng bá thường niên, có sức quảng bá và lan tỏa lớn. Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu bổ sung và nâng cấp các ấn phẩm, tài liệu,… du lịch hiện có và xây dựng các ấn phẩm theo chuyên đề cũng như quà tặng du lịch Hà Giang. Đầu tư xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang: logo, slogan, câu chuyện thương hiệu; Thứ hai, chuẩn hóa thông tin, hình ảnh các điểm đến và các dữ liệu về hệ thống đường du lịch, điện, nước, viễn thông, trạm đổ xăng và các điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, các cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành…câu chuyện cho các sản phẩm du lịch; Thứ ba, tăng cường công tác chuyển đổi số trong xúc tiến quảng bá du lịch: Phát triển nền tảng số và ứng dụng khai thác dữ liệu du lịch thực hiện ứng dụng cổng thông tin du lịch thông minh, bản đồ du lịch thông minh. Số hóa quản lý thông tin về tuyến, điểm du lịch và cơ sở dịch vụ. Xây dựng các Kiot tra cứu thông tin du lịch tự động. Phát triển app du lịch Hà Giang đa ngôn ngữ; Thứ tư, tăng cường liên kết và xã hội hoá trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Trong đó tập trung tăng cường liên kết với các đơn vị truyền thông uy tín như Tạp chí Travel+ của Cục du lịch quốc gia Việt Nam, Báo Văn hoá, Đài truyền hình Việt Nam, Tạp chí Hội VHNT tỉnh, Báo Đài PTTH tỉnh…Và các kênh truyền thông mạng xã hội, Youtuber…

Tổ chức khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn.

Đối với công tác xây dựng sản phẩm du lịch, được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc phát triển du lịch tỉnh Hà Giang. Vì vậy, để cụ thể hoá các quy hoạch phát triển du lịch, Đề án phát triển du lịch và kế hoạch xây dựng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh đã ban hành, một số giải pháp đã được đưa ra: Thứ nhất, cần tập trung triển khai đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch đã có. Trên cơ sở kết quả rà soát lại các khu/ điểm du lịch đã được công nhận, 40 làng văn hoá DLCĐ định vị cụ thể lại tiềm năng loại hình sản phẩm du lịch nổi trội cho các vùng/huyện để tập trung đầu tư có chiều sâu, bài bản trong đó ưu tiên cho sản phẩm có tính: đặc trưng – tiêu biểu – có tính cạnh tranh cao của tỉnh Hà Giang như: Di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, núi đôi Quản Bạ, du thuyền trên sông Nho Quế, di tích danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và mặt trận biên giới Vị Xuyên. Ngoài ra, rà soát, bổ sung các loại hình trải nghiệm phù hợp cho một số làng văn hoá du lịch cộng đồng đã được công nhận, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển phải gắn liền với gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống cũng như tính cộng đồng của làng…hướng tới xây dựng thương hiệu điểm đến bền vững trong tương lai; Thứ hai, trên cơ sở tiềm năng, tài nguyên sẵn có, tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch mới chuyên biệt dành cho thị trường khách nước ngoài (Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ, Đức…) và thị trường khách nội địa lứa tuổi 20 – 40 ưa thích trải nghiệm. Đồng thời, quan tâm tập trung nguồn lực cho việc xây dựng đầu tư phát triển loại hình du lịch văn hoá, di tích lịch sử đáp ứng yêu cầu mong muốn trải nghiệm của du khách khi đến với Hà Giang cũng như đáp ứng mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ: bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử để phát triển du lịch; Thứ ba, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ cho sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư cho các điểm đến là bảo tàng, di tích để tăng tính hấp dẫn cho điểm đến cũng như nâng cao công tác vận hành, quản lý. Ví dụ như: Vé tham quan điện tử, thuyết minh tự đông AI, trải nghiệm thực tế ảo; Thứ tư, tập trung đẩy mạnh xây dựng các điểm đến, chương trình du lịch trong liên kết vùng, đặc biệt các chương trình liên kết với các tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng và Vân Nam (Trung Quốc). Bên cạnh đó, tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư cũng như tăng cường xã hội hoá trong công tác khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch; Thứ năm, du lịch là ngành kinh tế đa thành phần, chịu sự tác động và ảnh hưởng của tất cả các bên liên quan. Do đó, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng sản phẩm du lịch, tỉnh Hà Giang rất cần có một “Nhạc trưởng” để nhất quán trong chỉ đạo và triển khai, tránh sự trồng lấn trong công tác lập Đề án, Dự án, Quy hoạch du lịch cũng như triển khai thực hiện xây dựng các sản phẩm du lịch. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch, điểm dừng chân dọc các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ. Chú trọng giữ gìn và bảo tồn kiến trúc bản địa, không phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên trong đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch.

Bài/ảnh: Hương Miền Tây.