Là tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển du lịch. Những năm gần đây, kinh tế – xã hội tỉnh Hà Giang đã có những bước phát triển toàn diện, cơ sở hạ tầng, dịch vụ của tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng và hoàn thiện đã tạo điều kiện cho việc khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch đặc trưng của địa phương như hệ thống các di sản vật thể, phi vật thể, các danh thắng, di tích lịch sử văn hóa. Công tác quảng bá, xúc tiến được đẩy mạnh, đưa hình ảnh du lịch Hà Giang đến với du khách trong nước và quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Hồng Hải
Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang
Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch, giữ vị trí là cầu nối du lịch giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc, tiếp giáp với thị trường du lịch tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng riêng có như Mông, Dao, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo… từ lâu đã thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Năm 2022 – năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về khí hậu diễn biến phức tạp, nguồn kinh phí hoạt động du lịch còn hạn chế, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn khó khăn. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 thị trường khách du lịch đã có sự biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, sự chung tay góp sức của các ngành, các cấp, các tổ chức trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, với sự đoàn kết và quyết tâm cao của toàn ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trong năm 2022 một số chỉ tiêu phát triển du lịch đã có sức bật ấn tượng, vượt kế hoạch đề ra, cụ thể như: Trong năm 2022 tỉnh Hà Giang đã đón đón trên 2.200.000 lượt khách (đạt 147% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế đạt 60.000 lượt, khách nội địa trên 2.140.000 lượt người; mật độ sử dụng dịch vụ buồng tại các cơ sở lưu trú đạt trung bình trên 70%, những ngày lễ, cuối tuần đạt 100%; doanh thu du lịch ước đạt trên 4.306 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã vực dậy và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch. Đặc biệt hơn cả, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục an tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Trong năm 2022 có 832 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 102 khách sạn với 7.491 buồng phòng, 14.629 giường (tăng 12 cơ sở so với năm 2021); 3.177 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống.
Để có được kết quả đó, trên cơ sở định hướng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Nghị quyết số 11–NQ/TU ngày 04/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai một số giải pháp như: ban hành kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 04/8/2021 về triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025; kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 16/02/2022 về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 24/3/2022 về tổ chức các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới… Ngoài ra, ngành đã trực tiếp chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh triển khai thực nhiệm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững sau đại dịch.
Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village đón những vị khách đầu tiên của năm 2022.
Tập trung đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch:
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, tỉnh Hà Giang thường xuyên nghiên cứu thị trường, khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đầu tư hoàn thiện các sản phẩm du lịch sẵn có. Đến nay sản phẩm du lịch Hà Giang được khai thác kéo dài quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ, trải đều với ba không gian Đông Bắc, Tây Nam và khu trung tâm. Trong năm 2022, nhiều chương trình ra mắt sản phẩm du lịch chuyên đề cũng được triển khai như: sản phẩm kết nối với 6 tỉnh Việt Bắc “Tinh hoa cực bắc – Sắc hồng Hà Giang”; sản phẩm về nguồn với chủ đề “Hành quân theo bước chân anh”; khám phá vách đá trắng và ra mắt sản phẩm du lịch “đường Hạnh Phúc – con đường máu và hoa”; sản phẩm “Về với địa chỉ đỏ – Bắc Mê”…đã thu hút đông đảo du khách cũng như giới truyền thông giam gia, từ đó góp phần xây dựng vị trí thương hiệu du lịch của tỉnh ngày một chuyên nghiệp.
Ngoài ra, các lễ hội và sự kiện thể thao được tổ chức định kỳ và thường xuyên để thu hút khách du lịch, như Chợ phong lưu Khâu Vai, Gầu Tào; lễ hội Khèn Mông người Mông; Nhảy lửa, lễ cúng Bàn Vương, Cấp sắc của người Dao, Lễ thần rừng của người Lô Lô; Hội Khu Cù Tê của người La Chí; Hội đua thuyền; Tết cá, lễ Hội Lồng Tồng dân tộc Tày; Nhảy lửa người Pà Thẻn, lễ hội dệt thổ cẩm; Lễ hội hoa Tam giác mạch…
Các sản phẩm bổ trợ cũng được phát triển để đa dạng hóa trải nghiệm cho khách du lịch. Nhiều loại hình du lịch nông nghiệp đã đưa vào khai thác gắn với trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng, kết hợp giới thiệu, bày bán các sản vật, hàng hóa bản địa. Cụ thể đã có 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3-4 sao phục vụ du lịch. 8 làng nghề được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Tổng số 280 sản phẩm đạt sao OCOP , trong đó 41 sản phẩm đạt 4 sao, 239 sản phẩm đạt 3 sao.
Bên cạnh đó, ẩm thực độc đáo góp phần làm cho chương trình du lịch Hà Giang ngày càng trở nên hấp dẫn. Hà Giang có rất nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc vùng cao được khách du lịch lựa chọn . Đặc biệt có 4 Món ăn đặc sản Việt Nam đã được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận gồm: Cháo Ấu tẩu, mèn mén, thắng cố và thịt treo gác bếp; cùng 4 món Đặc sản quà tặng Việt Nam gồm: Mật ong Bạc hà, chè cổ thụ Shan tuyết, bánh Tam giác mạch và Hồng không hạt Quản Bạ.
Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch:
Đến hình ảnh du lịch Hà Giang được đưa tới công chúng một cách bài bản, có chiều sâu, ngày từ đầu năm ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch xúc tiến quảng bá Du lịch – Thương mại tỉnh. Trên cơ đó nhiều hội nghị, hội thảo về phát triển du lịch có tính liên vùng và quốc tế trong đó có hội nghị xúc tiến và Không gian văn hóa du lịch Hà Giang tại các thị trường lớn trong nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn trong cả nước được triển khai một cách hiệu quả. Bên cảnh đó, ngành đã tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Đổi mới hình thức, biên tập các các ấn phẩm như cẩm nang du lịch, bản đồ tập gấp, bản tin du lịch, postcard bằng song ngữ Việt-Anh, Việt-Trung, quảng bá trên các chuyến bay và các pano, biển quảng bá du lịch tấm lớn. Ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nhiều video clip, phim quảng bá du lịch đăng tải các nền tảng trực tuyến như trang web, mạng xã hội Facebook, zalo, TikTok, Youtube, … Tích cực tham gia quảng bá trên website của 8 tỉnh Tây Bắc, 6 tỉnh Việt Bắc. Hình ảnh và sản phẩm du lịch Hà Giang thường xuyên hiện diện trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và các địa phương, thông qua các chương trình, phóng sự tài liệu, gameshow truyền hình… Đặc biệt, trong năm 2022, ngành đã phối hợp với Hiệp hội du lịch thành lập văn phòng tư vấn du lịch tỉnh Hà Giang tại thành phố Hồ Chí Minh, thông qua đó hình ảnh cũng như thông tin về du lịch Hà Giang được chuyển tới thị trường khách một cách đầy đủ.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển:
Những năm qua việc triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực đã đem lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên sau đại dịch covid một lượng lao động đã được đào tạo chuyển việc làm, dẫn đến thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề. Trước khó khăn và nhu cầu đòi hỏi đó, ngành du lịch đã chỉ đạo các địa phương phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức 10 lớp tập huấn cho gần 300 học viên với nội dung bám sát tình hình thực tế phát triển du lịch hiện nay, đáp ứng phục vụ nhu cầu khách du lịch như: nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn bar, Maketting, du lịch cộng đồng, tiếng Anh giao tiếp… phù hợp với nhu cầu của người lao động trong lĩnh vực du lịch. Kết thúc chương trình đào tạo, ngành đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức công tác thi đua khen thưởng cho học viên đạt thành tích cao trong học tập, để từ đó khuyến khích nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch nâng cao ý thức chủ động trong công tác tự học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch:
Xác định liên kết vùng là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang đã chủ động thực hiện các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước, đặc biệt là chương trình hợp tác giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Thành phố Hồ Chí Minh và chương trình hợp tác với các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc… Trong đó, Năm 2022 với cương vị Trưởng nhóm hợp tác Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII” tỉnh Hà Giang đã đề xuất đổi mới hình thức tổ chức với nhiều hoạt động ấn tượng, hiệu quả gồm: Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022 trong 03 ngày tại Hà Nội; Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII” trong 3 ngày tại Thành phố Hà Giang. Các tỉnh Việt Bắc đã phối hợp tổ chức hoạt động khảo sát xây dựng và công bố 3 sản phẩm du lịch liên kết vùng , tổ chức trưng bày, trình diễn, triển lãm giới thiệu hình ảnh vùng đất con người, văn hóa, điểm đến tại mỗi địa phương. Các tỉnh đã ký kết thỏa thuận thực hiện chương trình hợp tác giai đoạn năm 2022 – 2027 trong đó đề xuất nhiều giải pháp, các hình thức hợp tác, liên kết, đổi mới hình thức tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác.
Với những thành quả đã đạt được, chắc chắn trong tương lai không xa du lịch tỉnh Hà Giang sẽ thật sự trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch Việt Nam./
Nguyễn Hồng Hải
Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang