Tại hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Tiếp thu quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời cụ thể hóa quan điểm của Đảng về văn hóa, đặc biệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII;Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội sửa đổi, bổ sung năm 2011 về: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”... Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang đã ban hành các Nghị quyết, kế hoạch, đề án để thực hiện, trong đó điển hình như: Chương trình 117-CTr/TU ngày 06/10/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 1/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/05/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030…
Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng trong đổi mới phương thức lãnh đạo đối với lĩnh vực văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục, thể thao ngày càng mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tính tích cực, chủ động sáng tạo trong nhân dân được phát huy, dân chủ xã hội được mở rộng. Những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc được giữ gìn, kế thừa và phát huy, làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đạt được kết quả đáng kể. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 164/193 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.715/2.071 thôn có nhà văn hoá cộng đồng. Đã xuất hiện nhiều điển hình, nhiều bài học kinh nghiệm về tổ chức xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thông qua việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa, huy động công sức, trí tuệ của nhân dân trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.
Công tác định hướng chính trị, tư tưởng trong các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật và báo chí được quan tâm sâu sắc. Qua thực tiễn hoạt động văn học, nghệ thuật, nhất là sau thực hiện Nghị quyết Trung ưong 5 khóa VIII và Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X hoạt động văn học, nghệ thuật luôn hoạt động theo định hướng của Đảng và tiếp tục có bước phát triển, đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ… thu hút được người xem, người đọc. Quyền tự do sáng tạo và điều kiện hoạt động của văn nghệ sĩ được bảo đảm và cải thiện, tiềm năng và cảm hứng sáng tạo được khơi dậy.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã khảo sát nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, trong đó có 31 di tích đã xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích cấp tỉnh; 446 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 27 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành (trong đó có Hà Giang) được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã lập hồ sơ và trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu 01 nghệ nhân nhân dân, 33 nghệ nhân ưu tú trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích bước đầu được quan tâm, có 31/61 di tích xếp hạng được tu bổ, tôn tạo; có 40 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư phục dựng. Nhận thức của cộng đồng về di sản văn hóa được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống như: Kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian… được bảo tồn và phát huy, đặc biệt là gắn với phát triển kinh tế – xã hội, du lịch góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân.
Với đặc điểm cư trú, đồng bào các dân tộc Hà Giang đã sớm hình thành giá trị văn hóa truyền thống đó là ý thức cộng đồng dân tộc sâu sắc, tinh thần đoàn kết, gắn bó yêu thương đùm bọc lẫn nhau; đức tính thật thà, bao dung, tự trọng và biết ơn; cần cù, kiên nhẫn, sáng tạo trong lao động; yêu tự do, lãng mạn, yêu đời; có vốn tri thức dân gian phong phú. Trong các cuộc chiến tranh xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ biên cương Tổ quốc, các giá trị văn hóa truyền thống ấy được tỏa sáng và bồi đắp thêm lòng yêu nước nồng nàn, dũng cảm kiên trung trong chiến đấu, thích ứng và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Những đức tính đó đã tạo nên sức sống mạnh liệt để tồn tại trước mọi kẻ thù nghiệt ngã của thiên nhiên, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược và là nền tảng để người Hà Giang phát huy góp phần xây dựng con người Hà Giang phát triển toàn diện đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Cấp ủy, chính quyền và cộng đồng các dân tộc Hà Giang đã và đang thực hiện có hiệu quả những quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác văn hóa. Sự nghiệp văn hóa Hà Giang thực sự góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh (… còn tiếp)
Nguyễn Hoài – PGĐ Sở VHTT&DL Hà Giang