Trong một lần tìm hiểu về chuyến đi Hà Giang, tôi đã bị thu hút bởi một hành trình rất khác mà trước đây tôi đã từng biết đến về Hà Giang. Không ngần ngại và để thỏa mãn sở thích được tìm hiểu về những điều mới lạ trong mỗi chuyến đi. Tôi chọn cho mình một hành trình đi đến vùng phía Nam của Công viên địa chất Toàn Cầu UNESSCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đó không chỉ bạt ngàn núi đá, mênh mông ruộng bậc thang, thú vị với hệ thực vật đa dạng, lôi cuốn với dòng giá trị lịch sử cùng giá trị văn hóa vô cùng bản sắc và riêng có.
Những ngôi nhà nhỏ bình yên giữa bạt ngàn núi
Trong chuỗi hành trình tham quan và trải nghiệm trên cung đường được các chuyên gia UNESCO định hướng đó là “hành trình đến với tương lai xanh”. Quả thật, như đã được tìm hiểu trước đó, ở trên cùng đường này, tôi không chỉ được ngắm nhìn sự hùng vĩ của núi đá, mà điều tuyệt diệu là ở nơi đây mang lại cho tôi cái cảm xúc rất thanh bình và mộc mạc, không phải như sự gồ ghề, mạnh mẽ của những dãy núi đa xám kỳ vĩ, mà là một mầu xanh tươi mát của những cánh rừng nguyên sinh, mầu xanh của nương ngô, thửa ruộng bậc thang với lúa vừa lên xanh rì. Dừng chân nghỉ ngơi tại một bản làng nhỏ xinh tại Du Già, cảm giác ấm cúng, thân thuộc như được trở về chính ngôi nhà của mình sau mỗi chuyến đi xa, đó là khi tôi được bà con nơi đây chào đón bởi nụ cười hiền hòa, mộc mạc, là khi tôi được tự mình lang thang tham quan khắp bản làng để cảm nhận được những giá trị văn hóa nơi đây còn được lưu giữa bởi nếp nhà sàn ngăn nắp, được bao quanh những cánh đồng trù phú trải dài. Không khói bụi, không còi xe ồn ào, nhưng nơi đây lại cho ta đầy đủ mọi thứ ý nghĩa cho một chuyến đi đặc biệt. Cũng tại đây, một nghề thủ công truyền thống còn được bà con người dân tộc Tày trân trọng, lưu giữ và tiếp tục phát triển đó là nghề dệt vải thổ cẩm, cô Nguyễn Thị Liên – một trong số những người phụ nữ có đam mê và tình yêu vô cùng lớn với nghề dệt vải của dân tộc Tày chia sẻ rằng: Nghề dệt ở đây giờ cũng không còn nhiều người theo làm, nhưng vì đây là nghề truyền thống của dân tộc mình nên cô cũng như nhiều chị em khác ở đây vẫn đang ngày ngày cô gắng duy trì và mong muốn được nhiều người biết đến và sử dụng đến sản phẩm dệt thổ cẩm này. Không chỉ có làng nghề, có kiến trúc truyền thống mà khi dừng chân lại Du Già, tôi cũng đã có được một trải nghiệm khác vô cùng thú vị đó chính là thưởng thức ẩm thực đặc trưng, được chế biến theo gia vị riêng biệt từ rau vườn, cá suối thành những món ăn vừa dân dã và cũng vô cùng tinh tế. Đặc biệt người dân ở đây có chia sẻ rằng, vào mùa nước rút thì mọi người sẽ được trải nghiệm một hoạt động thú vị là bắt cá suối theo kiểu rất khác biệt. Cá suối làm món ẩm thực độc đáo phục vụ cho du khách tuy nhiên, người dân và chính quyền địa phương nơi này vẫn luôn có những biện pháp bảo vệ hệ sinh thái của tự nhiên, chính vì vậy mà khi đến đây du khách sẽ luôn có được một không gian nghỉ ngơi vô cùng trong lành và gần gũi với thiên nhiên.
- Người dân bắt cá suối bằng phương pháp thủ công để tránh ảnh hưởng không tốt đến
- hệ sinh thái tự nhiên
Tạm biệt dòng nước mát trong, những ngôi nhà mộc mạc, không gian yên bình, Tôi tiếp tục hành trình của mình chinh phục và khám phá những cung đường trải đầy hoa gạo trên đường đến với hẻm vực Nậm Lang, đi qua những bản làng nhỏ, bước chân qua cánh đồng vàng rực của mầu đất mầu mỡ, băng qua khe núi bao quanh đa dạng những loài thực vật để ghé thăm cột đá Mồ Côi, một kiến tạo địa chât vô cùng thú vị tại Lũng Hồ, đứng đây con người thực sự thấy mình quá nhỏ bé và mỏng manh trước bao la thiên nhiên hùng vĩ. Tiếp đó tôi còn được thăm quan tìm hiểu về giá trị lịch sử tại di tích Đồn Pháp. Công trình là bằng chứng của một thời kỳ lịch sử Pháp chiếm đóng và hoạt động tại khu vực miền núi xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Hà Giang. Khi chiến tranh kết thúc, những bức tường thành đồn Pháp đã trở thành di tích kiến trúc lịch sử. Tiếp tục hành trình đến với một khu “rừng” bao la cây chè cổ thụ, bà con người Dao nơi đây luôn tự hào rằng, chè của bà con là rất tuyệt, bởi nó không chỉ là sản phẩm nông sản bà con sản xuất mà mỗi ly trà được thu hái và chế biến ở đây sẽ mang đến cho những ai thưởng trà một cảm giác như đang được ở gần hơn với thiên nhiên bao la rộng lớn. Cũng mang ý nghĩa độc đáo, khác biệt về trà đến với Lũng Phìn ta sẽ được thưởng thức một ly trà vô cùng đậm đà và gây thương nhớ cho bất kỳ ai dành tình yêu với trà.
Trên đường tiếp tục chuyến đi kỳ diệu tôi cũng đã bắt gặp những sắc mầu vô cùng bắt mắt của những bộ trang phục của người phụ nữ Dao, ấn tượng với chiếc khăn đội đầu được quấn kỹ lưỡng, những hoa văn họa tiết của chiếc váy cũng được tạo phối vô cùng tinh tế và cuốn hút. Hành trình thú vị của tôi được đi qua cung đường độc đáo hình chữ M, tạo cảm giác thích thú như vừa được vẽ một nét chữ theo một cách vô cùng khác biệt. Đến gần hơn với“Thiết giao long phá thạch” (lưng rồng Sủng Máng), không chỉ ấn tượng bởi tên gọi mà đây còn là một kiến tạo địa chất rất khác so với những kiến tạo chung trên vùng Công viên địa chất này. “Rồng Sủng Máng” (thị trấn Mèo Vạc), lại đem đến cho tôi trải nghiệm mới về một loại đá khác một hình thái độc đáo khác, uốn lượn như một con rồng nổi cao hơn xung quanh 1 dải dài chừng cả trăm mét trên một sườn núi rộng, thoai thoải, là một thửa ruộng mầu mỡ.
Nghề dệt vải của người Tày tại Du Già vẫn đang được duy trì và phát triển
Kết thúc hành trình với tương lai xanh, những cung bậc cảm xúc đa dạng và vô cùng ý nghĩa mà nơi này mang đến cho tôi một hành trình tìm về sự yên bình giữa cao nguyên mênh mông không chỉ có đá, mà còn có màu xanh mướt của ngô, lúa, chè và muôn loài hoa sẽ mang đến cho mỗi chúng ta một cảm giác như được trở về với chính ngôi nhà thân yêu của mình, trong một không gian vừa hùng vĩ, vừa bình yên và rất đỗi chân tình.
- Phương An
- ———————————
- Liên hệ đặt tour và đặt vé máy bay
- Trung tâm TTXTDL Hà Giang
- Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
- Hotline: 1900561276
- Đặt vé máy bay: ubuk.com