Đúng như cái tên được gọi, Kèn lá là loại nhạc cụ đơn giản nhất, dễ tìm nhất, không mất thời gian chế tác. Chỉ cần ngắt một chiếc lá tươi, những loại lá có mép trơn, dai , bề mặt bóng nhẵn và mềm là có một chiếc kèn lá.
Kèn lá có nhiều cách thổi, có thể ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, dùng môi để giữ và kết hợp giữa việc sử dụng lưỡi và hơi đẩy ra qua kẽ hở của môi. Hay là dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái ở hai bàn tay để giữ hai đầu của lá sau khi đã ngậm ở môi, dùng lưỡi kết hợp với môi đẩy hơi tạo ra âm thanh. Khi thổi, lá dùng làm kèn được gập đôi lại ở phần mép lá mỏng hơn và ngậm vào môi, dùng hơi điều chỉnh âm thanh cao thấp, trầm bổng theo âm điệu bài hát, âm điệu của kèn lá không trầm, thấp mà âm thanh của nó bao giờ cũng lảnh lót và cao vút. Chính vì thế, kèn lá được ví như tiếng chim hót của núi rừng và thường được sử dụng trong những dịp như cưới hỏi, các lễ hội.
ảnh: Sưu Tầm
Trải qua bao thời gian, thay đổi của cuộc sống, nhưng tình yêu và sự gắn bó của người con trai Mông với cây kèn lá vẫn vậy. Chiếc kèn lá chính là phương tiện hữu hiệu để các chàng trai, cô gái gửi gắm tình yêu một cách ý nhị mà sâu sắc, nồng nàn, mãnh liệt… Giai điệu rắt réo của tiếng kèn lá thổn thức tiếng lòng, của những khát khao mang vị ngọt ngào của tình yêu – tình bạn; chất chứa trong đó là những cảm xúc thiết tha, bồi hồi mà rạo rực của những chàng trai cô gái người Mông.. Tiếng kèn “gọi tình” không những là sợi dây vô hình gắn kết biết bao nhiêu đôi trai gái nên duyên vợ chồng mà còn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mông mỗi khi lên nương rẫy.
Bích Lam ( Quản bạ )