Trong những năm qua, huyện Quản Bạ đã chú trọng công tác phát triển làng nghề (LN), nghề nông thôn và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các LN truyền thống phát triển tương đối đa dạng, ổn định, có thị trường tiêu thụ tốt, thu hút nhân lực, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động (LĐ) địa phương gắn các phong tục tập quán, phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, góp phần xây dựng NTM và đặc biệt là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Các thành viên HTX dệt lanh Lùng Tám trình diễn quy trình dệt vải lanh. |
Đồng chí Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều LN và nghề truyền thống được khôi phục, phát triển mạnh. Đến nay, toàn huyện có 2 LN được UBND tỉnh công nhận, đó là: LN rượu ngô Thanh Vân, xã Thanh Vân với tổng số 67 LĐ; LN dệt lanh thổ cẩm xã Lùng Tám, Cán Tỷ tạo việc làm cho hơn 102 LĐ và nhiều nghề truyền thống như: Nghề làm hương dân tộc Dao; làm bún, trồng dược liệu ở thị trấn Tam Sơn; dệt lanh, đan lát xã Thái An; làm chàm nhuộm vải xã Nghĩa Thuận; sản xuất và chế biến chè xã Tùng Vài; chế tác nhạc cụ dân tộc Mông, hàng mã xã Thanh Vân; tráng bánh phở, bún khô xã Đông Hà… Theo thống kế, toàn huyện có trên 1.232 cơ sở SXKD ở khu vực nông thôn, trong đó: 12 doanh nghiệp, 42 HTX, 103 tổ hợp tác và 1.075 hộ kinh doanh cá thể; có trên 20 cơ sở chế biến nông, lâm sản, trong đó, có 9 cơ sở đăng ký chế biến lâm sản, 8 cơ sở chế biến nông sản, dược liệu; 1 thôn chuyên mây, tre đan là thôn Lùng Hẩu, xã Thái An; 21 xưởng cơ khí nhỏ; trên 100 cửa hàng tạp hóa, dịch vụ và các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi khác. Doanh thu từ các ngành nghề nông thôn hàng năm đạt trên 100 tỷ đồng, thu hút trên 500 LĐ thường xuyên và nhiều LĐ thời vụ… Phát triển LN truyền thống đã và đang là bước đi đúng đắn để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Những năm qua, LN và nghề truyền thống cơ bản hoạt động ổn định, không những tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người LĐ nông thôn mà còn hạn chế người dân LĐ tự do sang Trung Quốc; huy động được nguồn lực trong dân, sử dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch địa phương…
Đồng bào dân tộc Dao, thôn Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn làm hương truyền thống. |
Đến thăm gian hàng của Tổ liên kết may mặc trang phục dân tộc Mông xã Tả Ván, chị Lò Thị Mỷ, Tổ phó liên kết vừa may trang phục Mông vừa vui mừng chia sẻ: Trong tổ có 7 chị em cùng liên kết phát triển và lưu giữ những giá trị truyền thống của mình. Trung bình một năm, Tổ liên kết của chúng tôi cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ bán trang phục và các phụ kiện trang phục dân tộc Mông. Chúng tôi rất vui vì vừa có thêm thu nhập cao, vừa lưu giữ được bản sắc của dân tộc, đưa trang phục của dân tộc mình đi muôn nơi. Ngày nay, nhu cầu diện thời trang dân tộc rất được nhiều bạn trẻ, phụ nữ ưa chuộng nên nhiều khi không thêu, may kịp cho khách hàng; chúng tôi phải thuê những người dân biết thêu để cho kịp, đồng thời tạo việc làm cho chị em vào thời gian rảnh…
Trong thời gian tới, ngoài tiếp tục đẩy mạnh các chương trình bảo tồn và phát triển LN theo hướng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động SXKD; thu hút các nghệ nhân tham gia các hoạt động đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ; thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào ngành nghề nông thôn… Huyện cũng xác định, phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho lĩnh vực du lịch nói chung các LN truyền thống nói riêng trên địa bàn. Vì vậy, việc gắn kết LN với du lịch, để quảng bá và kết nối giữa các đoàn lữ hành du lịch với LN để hỗ trợ, tương tác lẫn nhau sẽ là đòn bẩy không chỉ giúp cho LN phát triển bền vững mà du lịch lữ hành cũng sẽ có những khởi sắc… đồng chí Hạng Dương Thành cho biết thêm.
BHG