Chiều ngày 10/6, tại Hà Nội, để thực hiện nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý về nội dung chuyển đổi số trong ngành Du lịch.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc chủ trì hội thảo.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại buổi hội thảo (Ảnh: TITC)
Diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hội thảo có sự tham dự của đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Sở quản lý du lịch các địa phương; Khu du lịch, điểm du lịch; các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động về du lịch, công nghệ…
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Báo cáo tóm tắt về nội dung chuyển đổi số trong ngành du lịch, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) Hoàng Quốc Hòa cho biết, các nội dung chuyển đổi số hướng tới 3 đối tượng chính trong ngành du lịch là cơ quan quản lý, doanh nghiệp và du khách. Các nội dung chuyển đổi số bao gồm: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; Số hóa, chỉnh lý hồ sơ, tài liệu, số hóa điểm đến; Xây dựng hệ thống thông tin điều hành nội bộ của Tổng cục Du lịch, Hệ thống thông tin quản lý các chỉ tiêu ngành du lịch; Xây dựng kho dữ liệu, Hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu và dịch vụ dùng chung ngành du lịch; Xây dựng hệ thống họp thông minh; Hệ thống quản lý tài liệu số hóa và lưu trữ điện tử; Nâng cấp cải tạo phòng họp đa năng; Xây dựng hệ thống truyền thông đa phương tiện, hệ thống tòa soạn kỹ thuật số; Xây dựng, nâng cấp các phần mềm chuyên ngành hướng tới hiện đại hóa và quảng bá thông tin du lịch theo các định hướng chuyển đổi số.
Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) báo cáo về các nội dung chuyển đổi số trong ngành du lịch (Ảnh: TITC)
Cần đồng bộ, thống nhất cơ sở dữ liệu du lịch từ Trung ương đến cơ sở
Đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL cơ bản nhất trí cao với việc triển khai các nội dung chuyển đổi số. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin cho biết, du lịch là một hạng mục lớn trong các kế hoạch, chiến lược về chuyển đổi số và kinh tế số. Bà Huyền đề nghị cần rà soát thêm các văn bản chiến lược đã được phê duyệt về du lịch, di sản và thể thao, tránh trùng lặp các nội dung. Đặc biệt lưu ý đến hạ tầng trong chuyển đổi số là rất quan trọng, đồng thời đầu tư nền tảng kết nối các địa phương, doanh nghiệp.
Các đại biểu dự hội thảo (Ảnh: TITC)
Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thế Hùng đề nghị các nội dung chuyển đổi số cần tập trung trước hết vào nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực. Việc triển khai cũng cần ứng dụng các công nghệ 4.0 hiện đại và áp dụng hiệu quả các công nghệ này vào thực tiễn hoạt động ngành.
Rất phấn khởi nếu các nội dung chuyển đổi số sớm được triển khai, ông Trịnh Hàng – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng cần phân tích toàn diện các khía cạnh của chuyển đổi số, trong đó có chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, qua đó đánh giá được hiệu quả chuyển đổi số đối với tăng trưởng du lịch. Đồng thời ông Hàng cũng mong muốn các nội dung này được triển khai sớm nhất, từ đó định hướng, hỗ trợ cho các địa phương triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Ông Trịnh Hàng – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu theo hình thức trực tuyến (Ảnh: TITC)
Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình mong muốn thông qua triển khai các nội dung chuyển đổi số, ngành du lịch sẽ có hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Ông Mạnh cũng đề nghị cần tập trung cho công tác thống kê du lịch, phát triển các ứng dụng hiện đại, hướng dẫn viên ảo. Ngoài ra tổ chức tập huấn đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng với hoạt động chuyển đổi số hiện đại, mới mẻ.
Theo ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, chuyển đổi số là một bước đi rất quan trọng của ngành du lịch, trong đó có các doanh nghiệp du lịch. Việc chuyển đổi số sẽ số hóa các dữ liệu, số liệu thống kê du lịch – yếu tố quan trọng để nghiên cứu và xúc tiến thị trường. Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin quan trọng để định hướng triển khai các hoạt động. “Đối với các điểm di tích, chuyển đổi số nhanh nhất chính là việc triển khai hệ thống vé điện tử, thay thế vé giấy truyền thống đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay”, ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số tại bảo tàng và cho rằng ứng dụng công nghệ có tác động to lớn trong việc phát huy các giá trị di sản, quảng bá thế mạnh của bảo tàng, qua đó thu hút du khách. Đánh giá cao việc số hóa cơ sở dữ liệu, ông Minh mong muốn sẽ có chuẩn mực chung để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung.
Các doanh nghiệp, tập đoàn như Vietravel, Vinpearl, Hanoitourist… cho biết đang tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số với các ứng dụng hiện đại nhằm chuyển đổi mô hình hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh. Các đơn vị đều ủng hộ và bày tỏ mong muốn hợp tác, đồng hành cùng Tổng cục Du lịch trong quá trình triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho biết, trong quá trình triển khai các nội dung chuyển đổi số, nhiều công nghệ hiện đại sẽ được ứng dụng. Đánh giá cao tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh các cơ sở dữ liệu, ứng dụng của Trung ương, các địa phương, các doanh nghiệp đã phát triển đều có thể chia sẻ, kết nối liên thông với nhau theo tiêu chuẩn chung, tận dụng tối đa những gì đã có.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý cho các nội dung chuyển đổi số trong ngành du lịch (Ảnh: TITC)
Đánh giá cao các ý kiến góp ý của các Vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, cơ quan quản lý du lịch các địa phương, doanh nghiệp du lịch và công nghệ, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh mong muốn các đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng Tổng cục Du lịch, gợi ý thêm các nội dung, giải pháp để Tổng cục Du lịch sớm hoàn thiện các nội dung chuyển đổi số trong ngành du lịch, báo cáo Lãnh đạo Bộ VHTTDL phê duyệt, triển khai. Tổng cục Du lịch cùng các đơn vị liên quan sẽ chú trọng bảo đảm trình tự thủ tục các bước triển khai và tham vấn ý kiến các chuyên gia trong quá trình thực hiện. Tổng cục trưởng hi vọng các nội dung này sẽ sớm được triển khai, góp phần phục hồi du lịch, tạo đà cho du lịch phát triển mạnh mẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Trung tâm Thông tin du lịch (TCDL)