Cánh đồng hoa tam giác mạch, hẻm vực sông sâu nhất Việt Nam hay nhà trình tường cổ là gợi ý điểm du lịch Hà Giang những ngày cuối năm.
Lên Hà Giang từ tháng 10 đến cuối năm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hoa tam giác mạch nở rộ trên cao nguyên đá. Trong chuyến đi, bạn đừng bỏ lỡ những điểm tham quan gợi ý dưới đây, mang đậm nét thiên nhiên, văn hóa và con người ở vùng địa đầu Tổ quốc.
Du khách có thể mặc trang phục truyền thống địa phương để có những bức ảnh đẹp khi du lịch Hà Giang. Ảnh: ultradx4/Instagram |
Cánh đồng hoa tam giác mạch
Tam giác mạch được mệnh danh là nữ hoàng các loài hoa ở Hà Giang. Chúng mọc thành cánh đồng trải dài trên triền đồi, thung lũng đá, ven những cung đường và trong các bản làng.
Để ngắm nhìn những mảng màu trắng, hồng, tím của loài hoa dân dã này, du khách có thể ghé qua địa phận Quản Bạ, Yên Minh, Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Táo, Ma Lé, Mèo Vạc… Trong đó, tại làng Lũng Cẩm ở thung lũng Sủng Là là một trong những nơi có hoa tam giác mạch đẹp nhất Hà Giang, nằm cách thị trấn Đồng Văn khoảng 20 km.
Nhà của Pao
Cũng tại thôn Lũng Cẩm, xã Sủng Là, ngôi nhà trình tường xưa cũ là tâm điểm hút khách check-in. Đây là ngôi nhà truyền thống của dân tộc Mông, được chọn làm địa điểm quay bộ phim nhựa “Chuyện của Pao” năm 2005.
Phí tham quan nhà của Pao là 10.000 đồng một lượt. Bạn có thể thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh với phí 30.000 đồng một bộ. Ảnh: Kiều Dương |
Ngôi nhà thuộc tầng lớp quý tộc của ông Mua Súa Páo, người có chức quyền ở địa phương trước năm 1945, thuê thợ giỏi nhất về xây dựng. Công trình có 3 dãy nhà ghép theo hình chữ U, gồm hai tầng vững chãi và nhiều phòng. Hiện nơi đây đã được tu sửa và bài trí để làm điểm tham quan, có biển chú thích song ngữ Việt – Anh.
Dinh thự họ Vương
Khu dinh thự của vua Mèo, còn gọi là dinh thự họ Vương hay nhà Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn), là công trình kiến trúc nổi bật của tỉnh được xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1907. Khác với nhà trình tường phổ biến ở Hà Giang, dinh thự bề thế gần 3.000 m2 này được xây dựng bằng gạch đá và gỗ, giao thoa kiến trúc người Mông địa phương, Trung Quốc và Pháp.
Phí tham quan 20.000 đồng một người.
Phí tham quan nhà của Pao là 10.000 đồng một lượt. Bạn có thể thuê trang phục dân tộc để chụp ảnh với phí 30.000 đồng một bộ. Ảnh: Kiều Dương |
Đèo Mã Pì Lèng
Nối liền TP. Hà Giang với thị trấn Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc là quốc lộ 4C, có tên là đường Hạnh Phúc. Trên con đường này, du khách sẽ đi qua đèo Mã Pí Lèng hay Mã Pì Lèng, thuộc địa phận xã Pải Lủng và xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Cung đèo này được giới phượt thủ Việt xếp vào một trong “tứ đại đỉnh đèo” nước ta, cùng Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Pha Đin.
Đèo Mã Pì Lèng có địa hình dốc, ngoằn ngoèo dài khoảng 20 km, với độ cao vùng đỉnh đèo khoảng 1.200 – 1.400 m. Men theo đèo, bạn sẽ thấy từng vách núi dựng đứng lần lượt hiện ra trước mặt, và đi qua đoạn một bên là núi cao, bên dưới là vực thẳm nơi sông Nho Quế chảy uốn lượn.
Sông Nho Quế – hẻm vực Tu Sản
Sông Nho Quế bắt nguồn từ Trung Quốc, có phần chảy ở Việt Nam dài 46 km đi qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc của Hà Giang. Sông chảy giữa thung lũng thuộc dạng địa hình hẻm vực. Đó là hẻm vực Tu Sản, được coi là hẻm vực sông sâu nhất Việt Nam (600 – 900m).
Không chỉ được ngắm nhìn dòng sông xanh từ đèo Mã Pì Lèng, du khách còn có thể ngồi thuyền lướt dọc hẻm vực sông dài gần 2 km. Để trải nghiệm dịch vụ đi thuyền trên sông, bạn đến bến thuyền tại hai điểm là Xín Cái hoặc Tà Làng. Phí tham quan giá 100.000 – 150.000 đồng mỗi người, được ngồi thuyền tham quan dọc sông Nho Quế trong 30 – 45 phút.
Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ quốc gia Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) là điểm hầu như du khách nào đến Hà Giang cũng một lần check-in. Tuy nhiên, nơi đây không phải điểm địa đầu Tổ quốc, mà cách cực Bắc nước ta khoảng 3,3 km theo đường chim bay.
Cột cờ nằm trên đỉnh Lũng Cú, còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) cao 1.470 m so với mực nước biển, được dựng đầu tiên làm bằng gỗ từ thời Lý Thường Kiệt (thế kỷ 12). Cột cờ mới hình bát giác có độ cao trên 30 m, nơi cờ đỏ sao vàng tung bay mọi lúc. Từ lan can cột cờ, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh núi đồng trùng điệp giữa biên giới Việt – Trung, những nếp nhà dưới thung lũng lấp ló giữa vườn đá và ruộng hoa màu. Vé tham quan là 25.000 đồng một người.
Cao nguyên đá Đồng Văn
Hà Giang có Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Cao nguyên đá nằm ở độ cao 1.400 – 1.600m, rộng hơn 2.350 km2 trải dài ở nhiều khu vực núi đồi các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Để chiêm ngưỡng tạo hình kỳ thú của những vườn đá khổng lồ, du khách có thể đến bãi đá Hải Cẩu tại xã Vần Chải (trên đường từ thị trấn Yên Minh tới Phố Cáo), rừng đá tại xã Lũng Táo và bãi đá “mặt trăng” tại xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn), núi đá tháp kim tại xã Pải Lủng trên đường Hạnh Phúc và hoang mạc đá tại xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc).
Phố cổ Đồng Văn
Để thưởng thức ẩm thực và chợ phiên, phố cổ Đồng Văn là địa điểm lý tưởng. Phố cổ nằm trong thị trấn lọt thỏm giữa bốn bề núi đá, nơi tập trung trên dưới 40 ngôi nhà trình tường có tuổi đời trung bình 100 năm. Trong đó, khu chợ Đồng Văn là công trình được xây bằng đá từ những năm 1920, đến nay gần như còn nguyên vẹn. Tại đây, du khách có thể lưu trú trong các homestay nhà cổ, thưởng thức các đặc sản địa phương và tham gia chợ phiên đầy màu sắc thường diễn ra vào cuối tuần.
Bên cạnh 8 địa danh trên, một số điểm đến ấn tượng khác cho du khách tham khảo là núi đôi Quản Bạ, phố Trồ, Thác Tiên, chợ phiên Lũng Pù, chợ phiên Cốc Pài, cung đường Du Già – Mậu Huệ…
MỘT SỐ KINH NGHIỆM
Di chuyển đến Hà Giang từ các tỉnh miền Bắc khá dễ dàng vì có nhiều nhà xe chạy thẳng. Với những du khách ở miền Nam hoặc miền Trung, nên bắt đầu hành trình từ Hà Nội. Từ Hà Nội, xe khách xuất phát từ các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Yên Nghĩa, Gia Lâm.
Bạn có thể chọn xe giường nằm hoặc xe chất lượng cao, và nên đi chuyến đêm để tiết kiệm thời gian. Giá vé xe Hà Nội – Hà Giang và ngược lại dao động 250.000 – 300.000 đồng một lượt.
Đến TP. Hà Giang, bạn có thể thuê xe máy tự túc du ngoạn với giá 150.000 – 300.000 đồng một xe trong ngày, hoặc thuê ô tô dịch vụ 7 – 16 chỗ.
Dịch vụ lưu trú ở đây cần chi từ 80.000 đồng một giường trong phòng tập thể, 200.000 – 300.000 đồng một phòng hai người mỗi đêm. Các khách sạn, homestay tập trung ở TP. Hà Giang, phố cổ Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Bạn có thể tham khảo nơi ở tại thôn “homestay” Lô Lô Chải hoặc 4 homestay khác tại đây.
Đặc sản Hà Giang có thể tìm thấy ở các chợ địa phương và chợ phiên. Một số món ngon dịp cuối năm ở địa phương gồm bánh tam giác mạch, thắng dền, xôi ngũ sắc, thịt lợn mán, cháo ấu tẩu và bánh cuốn trứng.
Lịch trình khám phá Hà Giang thường ít nhất là 2 ngày 3 đêm (gồm 2 đêm đi xe khách), phổ biến là 3 ngày 4 đêm trở lên.