fbpx
Tin tức

Du khách phương Nam đến Hà Giang, Tuyên Quang tăng mạnh

Việc kết nối các điểm du lịch dựa trên thế mạnh từng địa phương sẽ đem lại cho du khách thêm một góc nhìn mới, trải nghiệm mới về hai tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang.

Ngày 12-5, hội nghị liên kết phát triển sản phẩm du lịch Tuyên Quang – Hà Giang được tổ chức tại TP Tuyên Quang. Ông Hoàng Việt Phương – phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang – nhìn nhận liên kết trong du lịch sẽ giúp các địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng mỗi nơi, đồng thời bổ trợ cho nhau, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch bền vững giữa tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Các địa phương, doanh nghiệp tham gia ký kết hợp tác phát triển du lịch trưa 12-5. (Ảnh Báo Sài Gòn Giải phóng

Đặc biệt, dự kiến trong năm 2023, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang cơ bản được hoàn thành, rút ngắn thời gian đi lại của du khách, tăng hiệu quả liên kết du lịch. Hiện Tuyên Quang đang được biết đến là “bảo tàng sống”, điểm đến của du lịch lịch sử văn hóa như Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, ATK, Chiêm Hóa…

Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (Ảnh Báo Tin tức)

Để làm mới sản phẩm, việc đa dạng sản phẩm và tăng trải nghiệm cho du khách ở các điểm tham quan này cũng được tỉnh quan tâm, đầu tư hạ tầng, dịch vụ. Ông Trần Đức Quý – phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang – cho biết hai tỉnh bắt tay xây dựng sản phẩm mới khoảng 3 năm gần đây thì hết hai năm vướng phải dịch COVID-19, điều này khiến du lịch các địa phương tỉnh Đông Bắc hồi phục trở lại khó khăn hơn.

Nhưng những thách thức cũng buộc các địa phương phải lưu ý để có thể đảm bảo du lịch phát triển một cách bền vững. ông Trần Đức Quý cho biết: “Nếu chỉ quan tâm thu tiền của du khách mà không thỏa mãn chất lượng dịch vụ thì khách sẽ khó quay lại. Do đó, các địa phương cũng phải đối mặt với những vấn đề chung của ngành như bảo tồn giá trị văn hóa địa phương, chất lượng dịch vụ còn cơ bản, thiếu đa dạng trong chế biến ẩm thực… “.

Trong bối cảnh ngành du lịch bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc sau đại dịch COVID-19, tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đã cùng bắt tay giới thiệu tour liên kết “Huyền thoại sông Gâm” với hành trình 7 ngày, nhằm kịp đón đầu cao điểm du lịch hè năm nay.

Từ ngày 6/5 – 12/5 du khách trải nghiệm tour du lịch “Huyền thoại sông Gâm”. Đây là sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác trong chương trình liên kết phát triển sản phẩm du lịch của Hà Giang và Tuyên Quang. (Ảnh báo Tin tức)
Du khách TPHCM tham quan “vịnh Hạ Long trên cạn” thuộc Tuyên Quang. (Ảnh Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Du khách tham quan hồ Na Hang – được mệnh danh “Vịnh Hạ Long trên cạn” của Tuyên Quang (ảnh Báo Sài gòn Giải Phóng)

Ông Đỗ Trung Kiên – trưởng Ban quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang – cho biết thời gian gần đây, lượng khách đến bắt đầu đông dần, đặc biệt là khách phương Nam.  “Bên cạnh đẩy mạnh các đặc trưng văn hóa của tỉnh thông qua các lễ hội văn hóa, việc liên kết để cùng nhau xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương sẽ giúp tỉnh khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch tự nhiên, cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú…”, ông Đỗ Trung Kiên cho biết.

Theo ông Trần Đoàn Thế Duy – tổng giám đốc Vietravel – tour khảo sát về hai tỉnh trong tháng 5-2022 là hoạt động phát triển sản phẩm mới đầu tiên của doanh nghiệp sau hai năm bị gián đoạn bởi dịch COVID-19. Việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch giúp các địa phương cũng như đơn vị lữ hành định vị, tạo ra được những sản phẩm đặc trưng, lạ, tránh trùng lặp, có chiều sâu văn hóa. Đây còn là nền tảng để bắt tay tìm ra thêm sản phẩm thu hút khách du lịch thời gian tới. Hiện có một số tuyến mà doanh nghiệp cùng hai địa phương đang hướng tới như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch chuyên đề về di tích lịch sử cách mạng.

Dòng sông Nho Quế xanh ngắt như sợi chỉ len lỏi theo đường cong của con đường Hạnh Phúc. Tại đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng hẻm Tu sản. Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam. (ảnh Báo Tin tức)
Du khách TP Hồ Chí Minh thích thú chụp ảnh “check in” con hẻm Tu Sản nhìn từ trên cao. Con hẻm này thuộc dòng sông Nho Quế và nằm dưới chân đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. (ảnh Báo Tin tức)
Du khách quốc tế trò chuyện với các em nhỏ tại dốc thẩm mã – Hà Giang. (Ảnh Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Trong hành trình trải nghiệm du lịch tại Hà Giang du khách còn được tìm hiểu về cuộc sống của người dân bản địa. (Ảnh Báo Tin Tức)
Du khách còn dừng chân khám phá thác Khuổi Nhi, trải nghiệm massage chân thú vị với những chú cá tự nhiên bên dòng suối. (Ảnh Báo Tin Tức)
Rời Hà Giang, du khách sẽ được khám phá các danh lam thắng cảnh tại lòng hồ Na Hang tại huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. (Ảnh Báo Tin tức)
Rời Hà Giang, du khách sẽ được khám phá các danh lam thắng cảnh tại lòng hồ Na Hang tại huyện Lâm Bình, Tuyên Quang. (Ảnh Báo Tin Tức)

 

Trong hè này, các tour đi phía bắc gồm Đông Bắc và Tây Bắc đang thu hút đông đảo du khách đến từ TP.HCM khám phá và trải nghiệm cảnh đẹp văn hóa của vùng rẻo cao, trong đó nhiều điểm đến hiện nay có lượng khách đến từ phương Nam chiếm đến hơn 60%.

Nguồn Báo Sài Gòn Giải phóng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *