fbpx
Tin tức

Đồng Văn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống trong xây dựng Nông thôn mới

Giữ gìn bản sắc văn hóa có vai trò quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới (NTM). Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng,… thì việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, dân tộc được huyện Đồng Văn quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Thông qua đó, đã nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần; góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa tại các thôn, bản vùng cao.

Người Lô Lô xã Lũng Cú luôn mặc trang phục truyền thống.
Người Lô Lô xã Lũng Cú luôn mặc trang phục truyền thống.

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM,  huyện Đồng Văn đã quan tâm, thực hiện công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa tại các thôn, bản. Cụ thể như các hoạt động truyền dạy văn hóa dân tộc: Dạy thổi khèn Mông, dệt lanh, dạy hát và mở các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào; thành lập và duy trì hoạt động của các hội nghệ nhân dân gian… Đến nay, tại tất cả các xã đều có hội nghệ nhân dân gian hoạt động hiệu quả và tổ chức truyền dạy cho nhiều thế hệ con, em đồng bào dân tộc mình. Đặc biệt, huyện tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 09 của BTV Tỉnh ủy; trong đó tập trung vào việc bảo tồn về kiến trúc, trang phục, nghề truyền thống, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật văn hóa. Duy trì các lễ hội, như: Lễ hội Gầu Tào (xã Sủng Là, Sà Phìn); Hội Xuân khèn Mông (xã Phố Cáo); Lễ cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô; Lễ cúng thần rừng, Lễ ra đồng của dân tộc Pu Péo;…

Lũng Cú là xã điểm trong xây dựng NTM của huyện Đồng Văn. Trong những năm qua, bám sát chương trình của tỉnh, huyện và căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương; xã đã triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là việc gắn xây dựng NTM với bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Với đặc điểm dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Lô Lô sinh sống, việc xây dựng NTM gắn với gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xác định được điều đó, cấp ủy, chính quyền xã Lũng Cú đã vận dụng linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trong xây dựng nhà ở, nhà văn hóa, các công trình công cộng, đường bê tông nông thôn,… đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng chí Vàng Mí Cấu, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, cho biết: “Lũng Cú là xã trọng điểm du lịch của huyện, là điểm thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Vì thế, đối với các tiêu chí văn hóa, xã luôn quan tâm, chú trọng và thực hiện nghiêm túc, đảm bảo trong quá trình phát triển vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc. Hiện, bên cạnh thành lập các hội nghệ nhân dân gian, xây dựng nhà văn hóa khang trang để bà con tập trung sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; chúng tôi cũng từng bước đưa văn nghệ vào trước các buổi họp thôn để động viên tinh thần người dân, nâng cao chất lượng các cuộc họp”.

Đồng chí Nguyễn Trung Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng NTM của tỉnh cũng như của huyện là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do đó, cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng KT – XH, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập,… việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện chú trọng. Để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM, thời gian tới, huyện Đồng Văn tiếp tục đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh ở từng xã, thôn, tổ dân phố, gia đình. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp. Đồng thời, tăng cường công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, duy trì quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa tại các xã; đẩy mạnh tuyên truyền việc phát huy giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của người dân, góp phần giúp từng địa phương trở thành những vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Tiếp tục giữ vững vai trò của văn hóa trong đời sống tinh thần của nhân dân, là “chìa khóa” để giải quyết các vấn đề KT-XH ở địa phương”.

Thực tế trong xây dựng NTM, nếu chỉ chú trọng tới việc xây dựng bộ mặt nông thôn mà không coi trọng việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thì NTM chưa thể hoàn thiện, đúng nghĩa. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp trong phong trào xây dựng NTM những năm qua trên địa bàn huyện đã góp phần xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt về bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của từng vùng, miền, dân tộc. Từ đó, tại mỗi địa phương đã xuất hiện nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh; từng bước loại bỏ các hủ tục, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

BHG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *