fbpx
Tin tức

Hà Giang mở thêm các sản phẩm du lịch mạo hiểm

Tỉnh nghiên cứu khai thác bộ môn đu dây mạo hiểm, bay khinh khí cầu, bên cạnh sản phẩm dù lượn, đường chạy sẵn có.

Đây là một trong những kế hoạch phát triển du lịch, nhằm thu hút du khách sau Covid-19. Các sản phẩm đang được nghiên cứu phát triển là đi bộ, đu dây mạo hiểm trong các hang động tại huyện Mèo Vạc,Yên Minh; đi bộ, leo núi, đi xe đạp ở khu vực xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên; tổ chức các buổi bay khinh khí cầu trên cao nguyên đá hay chạy bộ, leo núi, bơi và đi xe đạp ở khu vực đèo Mã Pì Lèng.

Bên cạnh đó, tỉnh nâng cấp các sản phẩm du lịch mạo hiểm sẵn có như duy trì giải marathon quốc tế trên cung đường Hạnh Phúc, giải dù bay trên ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đua thuyền kayak và thi đấu xe mô tô, ô tô địa hình. Tất cả hoạt động du lịch mạo hiểm được tỉnh hướng tới quy mô lớn, tính chuyên nghiệp cao.

Hà Giang nhìn từ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Phương Anh

Hà Giang nhìn từ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú. Ảnh: Phương Anh

Du lịch mạo hiểm là một trong những kế hoạch phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Tỉnh khai thác thêm sản phẩm du lịch thương mại – biên giới, khai thác chức năng của các cửa khẩu Thanh Thủy, Săm Pun, Mốc Năm theo mô hình trung tâm thương mại và hệ thống cửa hàng miễn thuế. Xã biên giới Pà Vầy Sủ (huyện Sín Mần) được xây dựng, đầu tư để trở thành điểm đến mang thương hiệu quốc gia với các trải nghiệm như du thuyền, thăm cột mốc biên giới 172…

Trong họp báo công bố sản phẩm du lịch chiều 29/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, cho biết tỉnh đã sẵn sàng đón khách du lịch trở lại. Hiện tỉnh đã đạt 80% dân số trên 18 tuổi được tiêm phòng một mũi vaccine và nhân lực trong ngành du lịch đã được đào tạo các quy trình đón khách, đảm bảo an toàn. Hiện nay, du khách đến Hà Giang cần tiêm phòng đủ hai mũi vaccine, có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV, thực hiện khai báo nghiêm túc bằng việc quét mã QR và quy định 5K về phòng chống dịch.

Cũng trong buổi trao đổi, nhiều doanh nghiệp lữ hành, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng có ý kiến để các sản phẩm du lịch thu hút khách hơn nữa. Một trong đó là phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa địa phương, qua đó vừa giữ gìn được giá trị cốt lõi, vừa tạo nét riêng thu hút khách du lịch.

Trượt zipline trên sông Nho Quế là một ý tưởng được nhiều người khen ngợi trong cuộc họp. Ảnh: Phương Anh

Trượt zipline trên sông Nho Quế là một ý tưởng được nhiều người khen ngợi trong cuộc họp. Ảnh: Phương Anh

Hiện Hà Giang hình thành 3 không gian du lịch gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên); đồi núi đá – Công viên địa chất toàn cầu (gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) và đồi núi phía Tây Nam (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình). Đầu năm, Hà Giang nằm trong top 10 điểm đến tuyệt vời nên khám phá tại Việt Nam do CNN bình chọn.

Những năm gần đây, Hà Giang đã xây dựng nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách. Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh nằm trong số ít địa phương tăng trưởng du lịch năm 2020 (hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng 7% so với 2019). Tính đến hết quý 1, tỉnh đón hơn 352.000 lượt khách, doanh thu đạt hơn 580 tỷ đồng.

Phương Anh (vnexpress)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *