Chỉ 24 cây số đường đèo từ Đồng Văn sang Mèo Vạc, là con đường mở trên đỉnh núi đẹp nhất Việt Nam. Con đường Hạnh Phúc hôm nay thênh thang rộng mở, nhiều khúc cua đã được nắn lại, có thành lan can vững chắc để bảo vệ an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông… Với ngót 200 cây số dốc đèo, là bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và không ít người đã nằm lại vĩnh viễn nơi địa đầu Tổ quốc, bởi vậy con đường thực sự là khúc bi tráng đem lại nhiều đổi thay, phát triển đi lên. Con đèo quá hiểm trở nên đồng bào địa phương còn gọi là đèo “sống mũi ngựa”, hoặc đèo “ngựa trụy thai”…
Những ngôi nhà tường trình đất nện, mái ngói âm dương sẫm màu, tường đá bao quanh rêu phong, trước sân, sau vườn hoa đào, hoa lê nở tràn rực rỡ, thung lũng Pả Vi đẹp như một lẵng hoa ngũ sắc, khách du lịch quốc tế, trong nước thong dong ngắm cảnh, chụp hình, rồi họ vào chợ thưởng thức đặc sản: Ăn thắng cố ngựa, uống rượu Há Ía và những đặc sản của Mèo Vạc không nơi nào có được… Người dân Mèo Vạc đã khấm khá lên từ nuôi bò hàng hóa, làm du lịch cộng đồng, mật ong Bạc hà cũng đã có thương hiệu… Xa xa, núi đồi, rừng cây, nương vườn, hoa lá tươi non đang vươn lên mãnh liệt trên vùng đất nắng gió, mù sương.
Trên Mã Pì Lèng ở độ cao 1.200 – 1.400 mét thả mắt ngắm nhìn dòng sông Nho Quế phía xa kia, gữa trùng điệp núi non mới thật “mãn nhãn”, chẳng thế mà bao nhiêu nghệ sỹ nhiếp ảnh mọi miền đất nước, không quản ngại xa xôi với hy vọng chụp được một tác phẩm ảnh nghệ thuật để đời. Chếch lên phía Bắc có một khối núi khổng lồ vỡ đôi, dòng Nho Quế ì ầm, ghềnh thác chảy qua như bất chấp không gian, thời gian… Từ khi sông Nho Quế bị chặn dòng làm thủy điện, Mèo Vạc đã nhanh chóng có sản phẩm du lịch mới: Đi thuyền trên sông nước, du khách có khoảnh khắc đắm mình vào không gian trời mây bao la, núi non hùng vĩ huyền ảo… ngước nhìn lên Mã Pì Lèng, phóng tầm mắt về Thượng Phùng, Sơn Vĩ, mới cảm hết được vẻ đẹp hoang sơ mê đắm của Mèo Vạc, vùng quê 3/4 đá… Nếu đi ô tô theo hướng về Mèo Vạc, cách đỉnh Mã Pì Lèng hơn chục cây số, đi bộ tiếp 30 phút nữa, gặp con đường mòn xuống bến thuyền Tà Làng, hoa dại, hoa Tam giác mạch, hoa cải… nở tràn hai bên đường, hương thơm trong gió ngào ngạt, du khách có dịp trải nghiệm 49 khúc cua ngoạn mục trên con đường mòn xuống bến nước…
Nếu ngồi trên du thuyền ngược phía thượng nguồn, hoặc xuôi dòng về hạ du cầu Tràng Hương, con thuyền bồng bềnh có cảm giác rất lạ và thú vị như thể con người đang đi vào thế giới siêu thực… dẫu trải nghiệm một lần nhưng ấn tượng thật khó quên, muốn được tan hòa vào thiên nhiên kỳ thú ở nơi xa xăm, cách trở mà thật gần gũi, ấm áp tình người.
Nguồn Báo Hà Giang điện tử
———————————
Liên hệ đặt tour và đặt vé:
Trung tâm TTXTDL Hà Giang
Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
Hotline: 0914192809 – 0913256566