fbpx
Mua sắm và ẩm thực

Ẩm thực đặc sản Vùng cao hấp dẫn du khách

Hà Giang không chỉ nức tiếng gần xa với phong cảnh non cao trùng điệp, hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, cánh đồng hoa tam giác mạch thơ mộng, rực rỡ sắc hồng tươi hay bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực đa dạng, phong phú với những món đặc sản cuốn hút thực khách khi đến xứ sở cao nguyên đá.

Hà Giang hiện có bốn đặc sản lọt Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật gồm: Mật ong bạc hà, chè san tuyết Hoàng Su Phì, bánh tam giác mạch và hồng không hạt Quản Bạ và bốn món ăn lọt Top 100 đặc sản quà tặng nổi bật gồm: Mèn mén, cháo ấu tẩu, thắng cố và thịt treo gác bếp, 03 món nằm trong top 121 món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam gồm cá bỗng, phở ngô, cháu ấu tẩu. Những món ngon khó cưỡng mang phong vị núi rừng này cùng với xôi ngũ sắc, bánh tam giác mạch, rượu ngô men lá, rêu đá nướng, bánh trưng gù, lạp xường, thắng cố … là tinh hoa ẩm thực khởi nguồn từ quá trình sinh sống, lao động của cộng đồng 19 dân tộc nơi đây vốn có nhiều món ăn truyền thống, mang sắc thái đặc trưng từng dân tộc cùng với những nguyên liệu chế biến đặc sắc được tạo hóa ban tặng riêng cho vùng núi phía bắc Tổ quốc như: Mắc khén, hạt dổi, hoa hồi, thảo quả, mật ong.

Đến với Hà Giang, bên cạnh trải nghiệm danh lam thắng cảnh, những phong tục tập quán riêng có, du khách chắc chắn không thể bỏ qua thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống tại điểm dừng chân ở các bản làng.

Cháo ấu tẩu

 

Nhắc tới Hà Giang du khách thường nhớ tới đặc sản cháo ấu tẩu. Món này ăn khá lạ miệng. Bát cháo có vị béo bùi pha lẫn chút đắng của ấu tẩu, mùi thơm ngon từ trứng gà và các loại rau gia vị ăn kèm. Ấu tẩu là loại củ đặc trưng của Hà Giang, chứa độc tố. Nhưng người Mông khử độc củ ấu bằng cách ngâm chúng vào nước vo gạo, rồi ninh tầm 4-5 tiếng. Sau đó đem tán nhuyễn, nấu cùng nước hầm xương và gạo nếp cái hoa vàng pha một ít gạo nếp tẻ. Cháo khi chín sẽ được múc ra bát ăn kèm thịt nạc băm, muối, tiêu và hành hoa. Ấu tẩu là món ăn bổ dưỡng, chữa cảm mạo, đau nhức… Trong những ngày đông giá lạnh trên miền đá núi, thưởng thức bát cháo ấu tẩu bổ dưỡng, nóng hổi chắc chắn là trải nghiệm rất khó quên của du khách.

Thắng cố

Ngoài cháo ấu tẩu, thắng cố là món ngon khó cưỡng đối với thực khách khi tới cao nguyên đá. Thắng cố có nghĩa là canh thịt, là món ăn truyền thống của người Mông, được chế biến từ gia súc với hương vị vô cùng đặc trưng. Tinh túy của thắng cố đặc biệt ở nước dùng, được ninh từ xương và phối trộn cùng 12 loại gia vị đặc trưng như hoa hồi, thảo quả và lá chanh… tạo nên nồi nước dùng thơm ngào ngạt. Phần thịt sẽ được rán sơ qua rồi cho vào nước dùng để ninh mềm. Món này có mùi ngai ngái đối với những người lần đầu nếm thử, nhưng càng ăn càng nghiền. Sẽ hấp dẫn hơn khi ăn kèm với mèn mén, bánh ngô nướng và nhắm rượu ngô.

Mẻn mén

Mèn mém là món ăn của đồng bào Mông được làm từ hạt ngô, chế biến bằng cách đồ chín lên.  Mèn mén bao gồm hai nguyên liệu chính là hạt ngô và nước. Ngô sau khi thu hoạch được phơi khô. Ngô vừa khô làm là ngon nhất. Ngô bắp được bóc vỏ, tách hạt, nhặt bỏ các hạt hỏng, sau đó xay thành bột.

Ngô được xay bằng cối xay đá truyền thống. Công đoạn xay ngô vất vả nhất. Ban đầu, ngô được xay tróc hết vỏ, sau đó đem sàng để loại bỏ mày ngô và sạn. Ngô được xay nhiều lần cho đến khi  bột  mịn vừa ý, đổ bột vào nia, trộn cùng một chút nước. Công đoạn này cũng đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, phải ước lượng cho bao nhiêu nước vào ngô là đủ, nếu cho ít nước ngô sẽ bị khô, nếu cho nhiều nước ngô sẽ bị vón cục. Bột khô quá, khi hấp lên sẽ bị sống, rất khó chín; nếu bột bị vón cục, khi hấp món ăn sẽ bị nát, không ngon.

Mèn mén phải trải qua hai lần hấp mới ngon. Nồi hấp được sử dụng là chiếc chảo lớn có chứa nước, ở giữa đặt một cái chõ bằng gỗ cao có nắp đậy. Công dụng hấp lần đầu là để tẩm nước vào bột ngô, đồng thời cũng là làm bột ngô tơi, không bị dính vào nhau và chín tới. Thời gian hấp lần đầu phụ thuộc vào loại ngô non hay ngô già. Ngô non cần thời gian hấp ít, khi nước trong chảo sôi, hơi bốc nhiều trên miệng chõ là được. Nếu bột ngô già thì cần thời gian hấp lâu hơn. Ngoài căn cứ vào độ già của ngô, người làm mèn mén có kinh nghiệm còn phải điều chỉnh lửa sao cho đạt được nhiệt độ thích hợp. Nếu lửa quá to, nước sôi nhanh, bột ngô chín ép, không đều, ngược lại, nếu lửa quá nhỏ thì nước lâu sôi, bột bị ngậm nhiều nước sẽ nhão. Bột ngô hấp lần đầu xong sẽ được đổ ra mẹt, lọc bỏ đi những mảng ngô già lửa, đợi cho bột ngô bớt nóng một chút thì dùng thìa gỗ đảo đi đảo lại đánh cho tơi ra.

Khi hấp lần một, bột ngô mới chín tới, chưa chín hẳn nên có thể người làm vẫn phải cho thêm một chút nước vừa đủ và đảo đều tay để bột không bị vón. Sau đó để nguội, khi thấy bột tơi trở lại thì cho vào chõ hấp lần hai. Lần hấp thứ hai được thực hiện sau khi nước trong chảo thật sôi. Cần phải giữ cho lửa vừa để có nhiệt độ thích hợp giúp mèn mén chín đều và chín kĩ. Mèn mén chín đạt tiêu chuẩn sẽ có màu vàng rộ, thơm, ăn có vị đậm đà, dẻo bùi. Để nấu chín một mẻ mèn mén phải cần tới hai đến ba tiếng. Người phụ nữ Mông phải dậy từ rất sớm để nấu mèn mén kịp bữa sáng và làm thức ăn cho mọi người mang lên nương rẫy, vào rừng hoặc đi chợ phiên.

Khi thưởng thức mèn mén, nhai càng kĩ càng thấy được hương vị đặc trưng: dẻo, thơm, đậm đà. Mèn mén dẻo và khô, khi dùng trong bữa chính người Mông thường ăn kèm cùng một bát canh để dễ nuốt, không bị nghẹn như canh rau cải, đậu chúa (xáo lẩu)…

Thịt lợn treo gác bếp

Thịt lợn treo gác bếp món ăn đặc trưng của đồng bào các dân tộc miền núi cao phía bắc nói chung và của người Mông ở Hà Giang nói riêng. Thịt treo không chỉ là món ăn nổi tiếng gần xa mà còn là món quà quý của vùng đất cao nguyên đá.

Nguyên liệu chính để làm món thịt lợn treo là thịt lợn đen. Đây là giống lợn thích nghi với khí hậu lạnh, khắc nghiệt của vùng núi cao được người dân chăn thả tự nhiên. Chính vì vậy thịt của giống lợn này rất săn chắc, mỡ dầy, giòn và thơm ngậy. Phần thịt ba chỉ và thịt nạc là nguyên liệu chính để làm nên sự độc đáo của món đặc sản này. Thịt thái miếng rộng khoảng 4cm, dài khoảng 10cm – 15cm, sau đó ướp thịt đã thái với muối hột, thảo quả, gừng, tỏi, ớt, mắc khén, rượu trắng, v.v. Ướp thịt một đêm cho ngấm gia vị, sau đó thịt bắt đầu lên men (sẽ có mùi thơm đặc trưng); xiên thịt vào que và treo lên gác bếp.

Bếp trên nhà sàn người Mông lúc nào cũng đỏ lửa, với sức nóng của lửa, sẽ tương tác với các loại gia vị cay, thịt sẽ chín dần. Khi chín, thịt nạc chuyển sang màu đỏ, thịt mỡ chuyển dần sang trong suốt. Sau khoảng một tuần, thịt khô hẳn, người Mông dỡ thịt xuống, gói vào lá chuối khô và cất lên gác bếp (công đoạn này có thể bảo quản thịt được cả năm). Nếu cất đúng độ thì thịt sẽ không bị khô, không bị bám bồ hóng và giữ nguyên được mầu sắc cũng như hương vị độc đáo riêng có của món thịt treo.

Thịt lợn treo có thể chế biến theo nhiều cách nhưng mỗi cách làm lại mạng đến cho thực khách những cảm nhận riêng biệt, ví dụ như: món thịt treo xào với rau rừng, rau cải, gừng, lá chanh, lá tỏi tươi nhưng ngon nhất vẫn là xào với rau rừng. Nếu để uống rượu, lấy một miếng thịt nạc rửa sạch rồi nướng sơ qua trên than củi, dùng chày nhỏ đập nhẹ, xé thịt thành từng thớ dài rồi thưởng thức. Các món ăn với thịt lợn treo gác bếp cho cảm giác rất lạ: mùi thơm của các gia vị thấm vào trong miếng thịt, sự mềm ngậy của thịt mỡ hoà quyện cùng các gia vị quen thuộc, thịt nạc dai và da lợn giòn. Món thịt lợn treo gác bếp có hương vị đặc biệt, một chút cay nồng của mắc khén, thoang thoảng vị của khói bếp hòa quyện trong từng thớ thịt. Hương vị thơm ngon, có độ giòn đặc trưng của bì lợn, vị ngọt đậm của thịt nạc và vị đậm đà của gia vị khiến cho miếng thịt có vị ngọt, bùi, hấp dẫn. Hiện nay, thịt treo gác bếp không chỉ là món ăn quen thuộc của người Mông ở Hà Giang, còn là đặc sản được ưa thích ở nhiều vùng miền khác nhau. Đến với Hà Giang, món thịt lợn treo gác bếp luôn là sản phẩm mà mỗi du khách đều muốn được thưởng thức và mua về làm quà.

Thu Thủy

———————————

Liên hệ đặt tour và đặt vé:

Trung tâm TTXTDL Hà Giang

Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang

Hotline: 1900561276

#discoverhagiang

#ubuk