Trong các dân tộc sinh sống ở tỉnh Hà Giang, cộng đồng dân tộc Tày chiếm số đông với khoảng 170 nghìn người. Dân tộc Tày chiếm khoảng 25% dân số trong tỉnh. Tập trung nhiều nhất ở các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê.
Ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày (ảnh sưu tầm)
Nhà của người Tày là ngôi nhà sàn truyền thống nguyên sơ, được làm hoàn toàn bằng tre nứa, nhà có 2 hoặc 4 mái lợp ngói, tranh hoặc lá cọ. Xung quanh nhà thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa.
Trang phục truyền thống của Người Tày (ảnh sưu tầm)
Về trang phục truyền thống, nam giới thường mặc quần chân què, phần đũng được may rộng, áo ngắn năm thân, cổ đứng. Bên cạnh đó cũng có một số người mặc áo dài có vạt áo dài quá đầu gối và loại áo tứ thân xẻ ngực, cổ tròn. Với nữ giới, họ mặc áo cánh, áo dài năm thân, thắt lưng, quần váy, khăn đội đầu mỏ quạ, đi giày vải. Thêm một điều độc đáo nữa ở trang phục phụ nữ người Tày là nón được thiết kế độc đáo, được lợp từ tre vót nan có mái nón rộng, đi kèm đó là nhiều đồ trang sức như vòng tay, cổ bằng bạc.
Người Tày ở đây sống chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp; Trồng hoa màu, cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, lợn và gia cầm. Ngoài ra bà con nông dân còn có một nghề nuôi cá bỗng nổi tiếng vì loại cá này rất phù hợp với khí hậu, lại có giá trị kinh tế cao.
Người Tày ở Hà Giang còn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống độc đáo như: nghề đan lát, dệt sợi, rèn đúc, làm nhạc cụ dân tộc… còn giữ được các điệu múa tín ngưỡng, những làn điệu dân ca, lễ hội truyền thống của dân tộc Tày bản địa. Các lễ hội như: Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Hội xuống đồng tổ chức vào dịp đầu năm; Lễ hội cầu trăng tổ chức vào rằm tháng 8 âm lịch hàng năm…Vẫn giữ được những câu hát lượn, hát cọi, hát then, đặc biệt là nghệ thuật hát then đàn tính. Đàn tính là loại nhạc cụ có mặt trong tất cả những sinh hoạt văn hoá tinh thần của đồng bào Tày nơi đây. Bao đời nay đàn tính như một phương tiện giao tiếp với thần linh và có mặt trong các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc Tày.
Người Tày tin người còn sống có phần xác và có vía. Khi người chết, phần xác sẽ bị huỷ hoại, còn vía sẽ biến thành hồn- linh hồn. Khi có người qua đời, người Tày thường làm một số việc cơ bản như sau: tắm rửa nước thơm cho người chết, đón thầy tào về chủ trì đám tang, liệm, nhập quan, hội phe làm nhà bao, đào huyệt, thầy cúng làm lễ dọn đường cho vong đi, tế “ngựa”, tế cây “tiền”…
Ngọc Bích ( Hà Giang )