Hàng năm, vào cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 âm lịch, khi những sóng lúa trên các thửa ruộng bậc thang vào độ chín vàng, đồng bào dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì lại nô nức chuẩn bị đón Tết “kin khẩu mấu” (Lễ mừng lúa mới). Đây là nghi lễ nông nghiệp quan trọng của người Nùng, vừa chứa đựng ý nghĩa tâm linh sâu sắc lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.
Khi lúa bắt đầu chín vàng là thời điểm người Nùng Hoàng Su Phì chuẩn bị đón Tết “kin khẩu mấu”. Ảnh: Nguyễn Phương |
Lễ mừng lúa mới được người Nùng tiến hành trước khi bước vào vụ gặt. Các gia đình thường chọn ngày đẹp vào đầu vụ thu hoạch lúa, thường là ngày “thìn” để ăn tết. Khi chọn được ngày đẹp, họ tự làm lễ cúng và ăn bữa cơm quây quần bên nhau. Đây là dịp để các gia đình cảm tạ trời đất ban mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và dâng thành quả sau một năm lao động lên ông, bà, tổ tiên đã khuất.
Nghi thức quan trọng nhất trong Lễ mừng lúa mới của người Nùng là rước hồn lúa mới về nhà. Người Nùng quan niệm cây lúa cũng có linh hồn. Vì vậy, trước khi tổ chức Lễ mừng lúa mới, mỗi gia đình phải đi rước hồn lúa mới từ cánh đồng, nương rẫy về nhà.
Người Bố Y, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) múa mừng lúa mới. Ảnh: Lê Hải |
Thực hiện nghi thức này, vào buổi sáng sớm, người phụ nữ trong gia đình ra ruộng lúa tỉa những bông to trĩu hạt vừa chín, buộc thành những bó lúa gánh về nhà; sau đó chọn ra những bông to nhất buộc thành hai túm treo lên vách hai đầu bàn thờ. Còn lại đem tuốt để làm cốm hoặc nấu thành xôi dâng lên tổ tiên, trời đất. Nếu vì lý do nào đó mà gia đình không có đủ số thóc gạo mới để làm cốm hoặc nấu xôi thì có thể trộn lẫn một ít gạo cũ để nấu. Hoặc có thể dùng một vài bông lúa mới đặt vào trong nồi xôi để lấy tinh chất hương hoa của hạt lúa mới dâng lên tổ tiên.
Khi rước hồn lúa về nhà, các gia đình sẽ chuẩn bị cho Lễ cúng cơm mới. Lễ vật trong mâm cúng rất phong phú, hầu hết đều là thức ăn được chế biến từ các sản vật do gia đình tự chăn nuôi và trồng cấy, như thịt gà, thịt lợn, cá Chép ruộng và các loại rau, củ, quả, thực phẩm, bánh trái… Tuy nhiên, lễ vật quan trọng nhất không thể thiếu được trong mâm cúng này là xôi và bánh giầy. Lựa chọn những bông lúa nếp của vụ mới to và mẩy nhất, những người phụ nữ trong gia đình sẽ đồ xôi trong những chiếc chõ gỗ. Khi xôi chín, một nửa được bày lên mâm cỗ, nửa còn lại được các mẹ, các chị giã mịn, nặn thành bánh giầy.
Thi bắt cá trong Tết lúa mới của người Bố Y. Ảnh: HẢI LÊ |
Sau khi gia chủ khấn lễ cảm tạ trời đất và mời ông, bà tổ tiên về ăn cơm mới cùng con cháu, các thành viên trong gia đình cùng nhau quây quần ăn bữa cơm đoàn viên. Lễ cúng lúa mới là một nghi thức tiêu biểu trong hệ thống các nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của dân tộc Nùng huyện Hoàng Su Phì. Đồng thời, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh giá trị cây lúa – cây nông nghiệp quan trọng nhất trong đời sống sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng người Nùng. Lễ mừng lúa mới còn là dịp để các gia đình thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên và giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc.
Cũng như tộc người Nùng ở Hoàng Su Phì, khi tiết trời chuyển sang Thu, các gia đình làng trên, xóm dưới người dân tộc Bố Y ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ) lại rộn ràng chuẩn bị Lễ mừng cơm mới.
Người Bố Y ở đây quan niệm rằng, để có một mùa màng bội thu là nhờ sự phù hộ của tổ tiên, trời đất; do đó sau mỗi mùa vụ, khi mùi hương lúa mới đã lan tỏa khắp bản làng, thóc lúa đã đầy bồ, cũng là lúc các gia đình làm lễ cúng cơm mới; giá trị văn hóa truyền thống này được tộc người Bố Y – một trong những dân tộc có dân số ít nhất trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, khoảng 3.000 người sinh sống chủ yếu ở một số tỉnh miền núi, biên giới cực Bắc, trong đó tập trung đông nhất ở xã Quyết Tiến với khoảng hơn 800 người gìn giữ.
Ngoài phần lễ trang trọng, còn có phần hội từng bừng, sôi nổi; đây là dịp để anh em họ hàng dòng tộc tụ họp, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Bà Chu Thị Mai, thôn Lùng Thàng (Quyết Tiến), cho biết: “Dân tộc Bố Y từ xưa đã có lễ hội mừng lúa mới, ngày nay được Đảng, Nhà nước quan tâm, khôi phục, bảo tồn chúng tôi rất vui mừng”.
Lễ hội mừng cơm mới được tổ chức lần lượt tại các gia đình trong bản; trên mâm lễ thường có: 1 con vịt, đĩa cá, bột bánh nếp nhồi thịt, bát canh khoai sọ, xôi, rượu trắng, hoa quả, hương… Lễ hội diễn ra trong một ngày với nhiều trò chơi thú vị, như: Đi cầu thăng bằng, đẩy gậy, đánh yến, thi bắt cá, thi làm bánh. Trong không khí sôi nổi, xen lẫn tiếng cười của nam thanh, nữ tú, giữa màu sắc tươi mới của các bộ lễ phục, tiếng leng keng của vòng bạc, sẽ lưu lại những ký ức đẹp cho những ai may mắn được dự Tết lúa mới.
Thông qua lễ hội này góp phần bảo tồn, giáo dục và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của tộc người Bố Y. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết T.Ư IX (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”; quảng bá và đẩy mạnh phát triển du lịch trên vùng Công viên Địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn.
NGUYỄN PHƯƠNG – LÊ HẢI