fbpx
Tin tức

Khám phá Vẻ đẹp kiến trúc Nhà đất trình tường của người Mông vùng Cao nguyên đá

Dọc theo quốc lộ 4C trên con đường mang tên Hạnh Phúc từ thành phố Hà Giang lên Quản Bạ, đến Yên Minh qua Đồng Văn, Mèo Vạc rất dễ bắt gặp những bản làng với các ngôi nhà trình tường đất, nổi bật giữa những hàng rào đá tạo nên một bức tranh hoang sơ, kỳ bí, khiến bất cứ du khách nào đi ngang qua cũng phải dừng lại ngắm nhìn. Bà con dân tộc Mông với tập quán sinh sống trên những triền núi cao, trong những ngôi nhà trình tường, bởi nó mát dịu vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, đây cũng chính là lối kiến trúc đặc trưng của miền cao nguyên đá. Những ngôi nhà trình tường đất của người Mông không chỉ là tổ ấm, là tài sản mà nó còn là nét đẹp văn hóa độc đáo, sản phẩm nhân văn chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào người Mông ở Hà Giang.

Kiến trúc ngôi nhà trình tường đất của người Mông thường dựa lưng vào núi, mỗi căn nhà có một cánh cổng gỗ trên được dán các tờ giấy đỏ, dù to hay nhỏ mỗi ngôi nhà đều có ba gian hai cửa và bao giờ cũng có sàn gác để cất giữ đồ đạc, lương thực, thực phẩm, ngô, lúa, đậu tương khi thu hoạch về, khói bếp sẽ hạn chế được sâu mọt, ẩm mốc. Gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách. Gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Ngôi nhà thường có từ 3 đến 4 ô cửa nhỏ, những ô cửa này để thông gió và lấy ánh sáng. Tường nhà làm hoàn toàn bằng đất nện dày mà không có bất cứ cột hay cọc nào làm trụ. Để tạo nên những bức trình tường độc đáo, người Mông thường chọn loại đất có độ kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Trước khi trình tường, người ta làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5 m, rộng chừng nửa mét. Sau đó đổ đất vào khuôn gỗ và dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Tất cả các khâu để hoàn thiện một ngôi nhà trình tường đều được làm thủ công bằng tay mà không dùng bất cứ máy móc nào. Tất cả các ngôi nhà trình tường của người Mông hầu như đều được bao bọc bởi những bức tường rào đá. Những viên đá kết thành hàng rào bao quanh ngôi nhà có chiều cao không quá nửa người. Đá muôn hình vạn trạng, nhiều kích cỡ khác nhau, nhưng họ đã rất khéo léo chèn khít vào nhau, tạo thành một hàng rào chắc chắn. Điều tài tình là những hàng rào này chẳng cần một chất kết dính nào mà đá vẫn khít chặt. Điều ấn tượng nhất là khi mùa xuân đến, nét đẹp đơn sơn, thơ mộng của ngôi nhà đất bỗng được tô điểm bởi màu đỏ của hoa đào, màu trắng muốt của hoa mơ, hoa mận, hoa lê, màu xám của hàng rào đá và màu nâu vàng của đất trình tường, tất cả như hòa quyện tạo thành một bức tranh thiên nhiên vùng cao nguyên đá vô cùng lý thú, độc đáo không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.

Trải qua hàng thế kỷ, những ngôi nhà trình tường đất trên Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang vẫn không thay đổi nhiều về cấu trúc, bởi với quan niệm sống cần cù, chịu thương chịu khó trong một môi trường khí hậu khắc nghiệt, đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc Mông ngày nay vẫn không ngừng sáng tạo, cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên lưu giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *