Cách cửa khẩu Thanh Thủy 7 km về phía Nam, nằm nép mình bên núi, những ngôi nhà sàn xinh xắn có cầu ao cá lội, có cánh đồng xanh và những câu hò, điệu then… là Làng Pinh, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) ngôi làng mang đậm nét một làng quê Việt Nam lớn lên cùng thế giới hiện đại…
Tên gọi làng Làng Pinh có từ thời pháp, khi đó người Pháp đặt là bản Pin, sau này do người dân, bộ đội ta đóng quân phát âm không chuẩn gọi trệch đi là làng Pinh. Sau chiến tranh làng được đổi tên thành thôn Thanh Sơn.
Trong những năm tháng chiến tranh nơi đây là Sở chỉ huy phía sau của cấp trung đoàn đến cấp sư đoàn của nhiều đơn vị qua các thời kỳ từ 1979-1992. Ban đầu của cuộc chiến Vị Xuyên nhà của Sở chỉ huy các cấp chủ yếu làm bằng vật liệu gỗ, tranh tre, nứa lá. Nơi đây cũng là cứ hậu cần, kỹ thuật… của quân đội ta, trạm phẫu tiền phương, nơi tập kết quân ra, quân vào, nơi tiếp nhận thương binh, tử sỹ ở các chiến trường phía tây Sông Lô, gồm các xã: Thanh Thuỷ, Thanh Đức, Lao Chải, Xín Chải. Vào những thời điểm ác liệt nơi đây là điểm dừng xe cuối cùng của quân đội ta. Số lượng bộ đội tham gia chiến đấu tại đây thời điểm cao nhất gần một nghìn người. Từ năm 1979- 1989 có hàng chục vạn lượt bộ đội, dân công hỏa tuyến… đóng quân, dừng chân và đi qua địa danh này.
Trạm phẫu tiền phương năm xưa trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc
Nơi đây cũng là khởi nguồn của 02 con đường chiến lược: Làng Pinh- Lùng Đóoc 812 – 673 dài khoảng 10 km, được mở từ đầu năm 1984 và cũng là khởi nguồn của “Đường hào chiến thắng” dài khoảng trên 6km hình thành năm 1982.
Vào những năm 1984 trong cuộc chiến tranh biên giới làng Pinh đã bị pháo bắn cháy toàn bộ, 13 ngôi nhà sàn của người Tày cổ thuộc loại đẹp nhất nhì tỉnh Hà Giang bốc cháy như những ngọn đuốc. Người dân làng Pinh phải đi sơ tán xuống dưới huyện Bắc Mê. Làng Pinh chính thức trở thành “thủ đô” của lính ở mặt trận Vị Xuyên. Rất nhiều đơn vị có kho tàng đạn dược hậu cần ở đây, có cả 1 bệnh viện dã chiến ngay lối vào làng. Tất cả bộ đội tham gia chiến dịch Vị Xuyên, đi giữ các chốt đều phải tập kết ở làng Pinh. Cả những chiến sĩ hy sinh hay bị thương cũng đưa về bệnh viện dã chiến ở làng Pinh để cứu chữa. Những người hy sinh được đưa ra con suối chảy qua làng Pinh để khâm liệm. Do vậy, làng Pinh cũng là một địa điểm mà hầu hết những đoàn cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên tìm về.
Đến với Làng Pinh hôm nay, du khách có thể thăm lại bệnh viện dã chiến nơi từng cứu chữa những chiến sĩ bị thương trong quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới của tổ quốc. Thắp nén tâm hương nhằm tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ, phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc tại nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Làng Pinh.
Những luống ngô xanh tốt vươn mình lên từ hốc đá. Những thửa ruộng bậc thang mềm mại uốn cong quanh những ngọn đồi từng là nơi ẩn náu của những người lính Vị Xuyên và giờ đây màu xanh của sự trù phú đang hiện hữu nơi đây, những người dân nơi đây đã và đang xây dựng làng Pinh trở nên văn minh hơn, sung túc hơn và giàu đẹp hơn.
- Lan Anh
- ———————————
- Liên hệ đặt tour và đặt vé:
- Trung tâm TTXTDL Hà Giang
- Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
- Hotline: 1900561276
- #discoverhagiang
- #ubuk