Từ bao đời nay, cây khèn đã trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, thể hiện rõ nhất về tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống của đồng bào Mông vùng cao. Nó được ví như linh hồn người Mông.
Phần thi giã bánh Giầy trong Lễ hội khèn Mông huyện Đồng Văn năm 2019 thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm. |
Người Mông quan niệm, con gái lớn phải biết se lanh, dệt vải; con trai phải biết thổi khèn. Tiếng khèn còn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông mỗi khi xuống chợ, đi rừng, lên nương. Cũng nhờ tiếng khèn Mông mà biết bao đôi trai gái trên mảnh đất vùng cao nên duyên vợ chồng. Đặc biệt, nhờ tiếng tiếng khèn, đồng bào Mông ngày càng gắn kết và hòa quyện.
Sau nhiều năm tổ chức thành công, năm 2021, huyện Đồng Văn tiếp tục tổ chức Lễ hội Khèn Mông lần thứ VII, với chủ đề “Tiếng khèn bên bờ rào đá”.
Thời điểm này, những vạt hoa Tam giác mạch xã Phố Là đã nở rộ, chào đón du khách. |
Đến với Lễ hội Khèn Mông lần thứ VII vào đúng dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5, du khách có cơ hội trải nghiệm các hoạt động vô cùng đặc sắc, như: Lễ dựng cây Nêu tái hiện Lễ hội Gầu tào tại sân phố cổ Đồng Văn; cùng hòa mình vào phiên chợ vùng cao, thưởng thức các sản phẩm địa phương, cùng xem các nghệ nhân trình diễn nghề làm chậu gỗ, nấu rượu ngô men lá, nấu thắng cố, mèn mén, bánh Tam giác mạch; chiêm ngưỡng các thí sinh trong phần thi trang phục truyền thống. Bên cạnh đó, các đội thi đến từ các xã còn tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian, tái hiện các hoạt động thường nhật của đồng bào cho du khách trải nghiệm như: Tước lanh, se lanh, đẽo sảng, chơi đá gậy,… Đặc biệt, lần đầu tiên, du khách có cơ hội tham gia ngày hội các dân tộc xã Phố Là, trải nghiệm văn hóa dân tộc Pu Péo, ngắm hoa Tam giác mạch vụ Xuân –hè.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó, phần lớn là đồng bào dân tộc Mông, việc tổ chức Lễ hội Khèn Mông, huyện mong muốn bảo tồn, giữ gìn tiếng khèn Mông nói riêng, văn hóa đặc sắc của đồng bào trên Cao nguyên đá nói chung. Thông qua việc tổ chức lễ hội, góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tích cực tham gia bảo vệ các di sản văn hóa, gắn hoạt động văn hóa của các dân tộc với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng Nông thôn mới. Từ đó, từng bước đưa văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao giới thiệu, quảng bá đến với du khách gần xa, kéo gần khoảng cách giữa các dân tộc, tạo nên mối đoàn kết, cùng đồng lòng xây dựng huyện vùng cao Đồng Văn phát triển toàn diện.
Tiếng khèn, điệu múa được hình thành và phát triển cùng với những thăng trầm trong lịch sử của đồng bào dân tộc Mông. Sự hòa quyện của tiếng khèn dìu dặt, điệu múa khèn mạnh mẽ của các chàng trai, cùng với trang phục rực rỡ sắc màu của những cô gái Mông đã tạo nên một khung cảnh vô cùng độc đáo và lãng mạn cho vùng cao núi đá Đồng Văn. Đến với Cao nguyên đá dịp này, du khách không chỉ được tận hưởng cảnh núi non hùng vĩ, mà còn được hòa mình, cùng trải nghiệm văn hóa truyền thống của bà con, lưu lại những dấu ấn tuyệt vời trong chuyến đi đầy ý nghĩa.