Trong văn hóa tâm linh của người Tày Hà Giang có nhiều loại hình, trong đó có Nghi lễ then “giải hạn” hay còn gọi là Then chữa bệnh, được coi là một nghi lễ văn hóa truyền thống, luôn mang đậm tính chất tín ngưỡng của dân tộc, được truyền từ đời này sang đời khác. Cho đến nay, nghi lễ này vẫn được các thế hệ người Tày duy trì, lưu giữ và phát huy.
Đồng bào Tày, Nùng tổ chức Lễ giải hạn đầu năm nhằm xua đuổi đi cái xấu, cầu mong năm mới an lành.
(Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL)
Nghi then lễ giải hạn của người Tày thường được tổ chức vào mùa xuân, nhất là dịp sau Tết nguyên đán, khi vào thời điểm cỏ cây, hoa lá trong rừng bắt đầu nở rộ, các gia đình người Tày lại tìm gặp thầy then để xem ngày lành, sau đó tiến hành chuẩn bị lễ vật và khi đến ngày đã định gia chủ đi đón thầy then đến nhà để làm lễ cúng giải hạn cho con cháu trong gia đình, nhằm xua đuổi cái xấu của năm cũ, cầu mong một năm mới an khang, sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà. Theo quan niệm của người Tày, thành phần quan trọng nhất trong nghi lễ then giải hạn chính là thầy then, họ là người được cộng đồng tin tưởng, được xem là người có khả năng nói chuyện, giao tiếp với thế giới tâm linh, những người đã khuất. Thông qua nhãn quan của các thầy then thì thế giới tâm linh hiện lên thật rõ ràng, rành mạch bao gồm cõi trời, cõi đất và cõi nhân gian được mường tượng hóa.
Để chuẩn bị cho một nghi lễ then giải hạn, ngoài bàn thờ tổ tiên trong nhà, gia chủ phải chuẩn bị thêm ba mâm lễ (gọi là mâm slay, mâm khoăn, mâm giải), một túi nải (đựng áo của mọi người trong gia đình), một mét vải đỏ. Ngoài ra, gia chủ còn phải chuẩn bị hai cây chuối và một mâm (bôm bjooc) hai (hoặc nhiều) căn nhà lầu (tùy theo gia đình gia chủ có bao nhiêu thành viên) và hai chiếc thuyền hoa (pè), một con gà sống tượng trưng là con ngựa làm phương tiện cho quân binh nhà thầy lên thiên giới, bên cạnh phải có thêm hũ gạo nhỏ đặt cạnh mâm hành khiến, tượng trưng cho số lương thực để dành cho quân binh nhà thầy ăn trên đường đi làm việc. Bên cửa ra vào được đặt một lồng gồm một con gà, một con vịt và một cum lúa nếp (cáy, pết mạ) gọi là lễ vật ra mắt thánh thần của nhà then trong quá trình thực hiện nghi lễ.
Phần đầu trong lễ cúng giải hạn là nghi thức gọi quan quân đến để nhận nhiệm vụ lên thiên giới báo cáo về nguyện vọng của gia chủ thông qua thầy then. Trong lễ giải hạn vật dụng của thầy then là cây đàn tính, chùm xóc nhạc (mác lính). Khi những làn điệu then cổ cất lên chính là lúc những vật dụng này phát huy tác dụng. Trong phần lễ của thầy then cây đàn tính và chùm xóc nhạc tượng trưng cho tiếng reo của vó ngựa, tiếng nhạc vang lên tượng trưng cho tiếng ngựa phi được thầy then dẫn đoàn quân lên thiên giới cùng với lời then ví dụ như “Cần ké số my đáy ké hâng, Mong hấư kén như Phia pù ké, Đáy mỳ lèng bằng nặm pê, Đáy thống hâng lạ do mỳ khoăn, Đáy kin ngon bấu đáy lừm thú, Sống đay bấu lừm pu, Mời tháng mà loọng khoăn ma…hay “Vật khứn khái lòi lồm, vật khứn không lòi phạ, vật mừa khái ba vương, vật mừa mường ba phú..”
Người Tày tin rằng lời then là tổng hòa diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có trong trời đất qua mỗi biểu tượng thiên – địa – nhân, với nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành. Với thầy then thì chiếc đàn tính được coi như tiên trên trời ban cho, chùm xóc nhạc tượng trưng cho đoàn âm binh dưới đất, còn giọng hát then đại diện cho con người và muôn loài trên dương gian. Khi xóc nhạc kết hợp với tiếng đàn tính và những lời ca then cổ sẽ tạo nên những điệu hát nhịp nhàng ổn định, tạo âm thanh đa chiều, có màu sắc riêng chỉ có ở trong then.
Đồ vật chuẩn bị cúng.(Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL)
Nghi lễ then giải hạn nói chung cũng như lẩu then, cầy yên, cầu chúc đều là các hình thức diễn sướng then cổ của người Tày. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian tổng hợp lâu đời của người Tày được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và phát triển nghi lễ này trong cộng đồng người Tày thì việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống là việc làm hết sức cần thiết, năm 2015 Nghi lễ then của người Tày tỉnh Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2019. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với việc vinh danh của UNESCO, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái nói chung, Then của người Tày ở Hà Giang nói riêng sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị rộng rãi hơn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Tày.
Những giá trị văn hóa truyền thống của người tày trong đó có nghi lễ then giải hạn. Sẽ là một sản phẩm văn hóa độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách trong nước và quốc tế tìm hiểu và nghiên cứu trong hành trình đến với Hà Giang.
Nguyễn Thị Lượng – Sở VHTTDL