Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu (VHDLTB) gắn với xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) thôn Khiềm, xã Quang Minh (Bắc Quang) đã được UBND tỉnh công nhận vào tháng 11.2018, hứa hẹn đem đến “luồng gió mới” cho nơi này; song, cho đến nay, hiệu quả chưa thật sự như mong đợi.
Thôn Khiềm được UBND huyện Bắc Quang chọn để thực hiện xây dựng Làng VHDLTB gắn với XDNTM, bởi nơi đây hội tụ được những điều kiện nhất định dựa trên các tiêu chí theo Tuyên bố Panhou của UBND tỉnh. Thôn Khiềm là nơi có cảnh quan đẹp, khí hậu trong lành với hệ thống rừng, ao, hồ, hang tự nhiên phong phú. Và hồ Quang Minh chính là một điểm nhấn nổi bật của thôn. Đây được xem là nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình, diện tích mặt nước trên 34ha, lượng nước ổn định quanh năm, được bao bọc bới các dãy núi có nhiều cây cối xanh tốt. Thôn có hệ thống đường giao thông thuận lợi với tuyến đường nhựa dài khoảng 6 km, đi qua Khu du lịch hồ Quang Minh, hệ thống đường nội thôn cơ bản được bê tông hóa. Ngoài ra, nhiều nét văn hóa của người dân tộc Tày và những món ăn truyền thống của nơi này như cá mắm ruộng, thịt lợn mắm, xôi ngũ sắc… sẽ khiến bất cứ ai đã từng biết đến phải nhớ mãi.
Bà Phùng Thị Đệ, thôn Khiềm, xã Quang Minh hướng dẫn cách chơi đàn Tính cho thế hệ trẻ. |
Mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, song hiệu quả mà Làng VHDLTB gắn với XDNTM thôn Khiềm mang lại chưa tương xứng, bởi nhiều lý do khác nhau. Được biết, năm qua có khoảng 1.000 lượt khách đến thôn Khiềm, đây thật sự vẫn là con số khá khiêm tốn. Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 300 triệu đồng. Thôn cũng chưa có nhiều sản phẩm lưu niệm đặc trưng, các nghề truyền thống còn nhỏ lẻ, manh mún. Trong kinh doanh dịch vụ lưu trú Homestay, có 3 gia đình tham gia, nhưng chỉ có hộ ông Nguyễn Quang Trọng là hoạt động tương đối hiệu quả. Dân tộc Tày chiếm trên 90% nhưng bản sắc văn hóa đã phần nào bị mai một. Họ ít sử dụng tiếng nói cũng như trang phục truyền thống trước ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Còn hồ Quang Minh là điểm nhấn nổi bật của thôn nhưng ngày càng bị nhiều du khách “trừ điểm”. Từ năm 2018, một số hộ dân đã trồng hoa Súng, hoa Sen trên mặt hồ để thu hút khách và thu phí chụp ảnh, nhưng sau đó người dân ít quan tâm nên hoa cũng chết dần. Hàng năm, lượng bùn đất chảy về hồ khiến độ sâu của lòng hồ giảm đáng kể, chỗ sâu nhất chỉ khoảng 7 – 8 mét, bị bồi lấp khoảng 2 – 3 mét so với trước đây. Sau hơn 40 năm được đầu tư xây dựng, đến nay lòng hồ chưa một lần được nạo vét tổng thể. Nghiêm trọng hơn, tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt của người dân chảy về lòng hồ ngày càng nhiều, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nơi này.
Trước thực trạng trên, để khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của Làng VHDLTB gắn với XDNTM thôn Khiềm, đòi hỏi cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân cần thực hiện đồng độ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt theo Tuyên bố Panhou. Thực hiện tốt công tác quảng bá, thu hút đầu tư hoặc xã hội hóa trong việc đầu tư và khai thác du lịch, đồng thời tu bổ những hạng mục đã xuống cấp. Cùng với đó, nên phát triển du lịch thiên nhiên – du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, gắn các sản phẩm nông nghiệp, các mô hình dã ngoại, hoạt động của nghề truyền thống; trong đó, cần đầu tư và xây dựng một số mô hình nông sản sạch để cung cấp nguồn rau, củ, quả phục vụ du khách, cung cấp ra thị trường để tăng thu nhập từ sản phẩm du lịch về nông nghiệp… Đối với hồ Quang Minh cần được nạo vét tổng thể, có các biện pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rác thải, như vậy mới có thể khai thác tối đa tiềm năng.
Có thể khẳng định, xây dựng Làng VHDLTB gắn với XDNTM tại thôn Khiềm là nhiệm vụ lâu dài và là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân làm chủ, hưởng lợi. Khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từ các hoạt động du lịch của thôn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo dấu mốc quan trọng trong bản đồ du lịch của địa phương.
BHG