fbpx
Tin tức

Quang Bình phát triển du lịch bền vững

Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, nhiều thác nước, sông suối,… các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống độc đáo, đặc trưng; phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống đang là giải pháp hiệu quả để huyện Quang Bình phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch địa phương.

Lãnh đạo huyện Quang Bình kiểm tra chất lượng dịch vụ du lịch tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Chang, xã Xuân Giang.
Lãnh đạo huyện Quang Bình kiểm tra chất lượng dịch vụ du lịch tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Chang, xã Xuân Giang.

Để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch thời gian qua, huyện Quang Bình đã tiến hành quy hoạch và đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa các làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lòng hồ Thủy điện Sông Chừng cùng các tiềm năng, sản phẩm du lịch, như: Hang động, thác nước, cảnh quan thiên nhiên,… vào quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tháng 8.2019, huyện đã tổ chức thành công Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trong liên kết vùng với sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam; đại diện Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch các tỉnh: Thái Nguyên, Hà Nam, Lào Cai, Ninh Bình, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại Hà Nội; các công ty lữ hành trong và ngoài nước và các huyện phía Tây của tỉnh. Đồng thời, để khuyến khích người dân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch, huyện đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 28 hướng dẫn viên, thuyết minh viên và các hộ gia đình làm du lịch; tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp tiếng Anh tại thôn Chì, xã Xuân Giang và thôn My Bắc, xã Tân Bắc được 3 lớp cho các hộ với 147 người tham gia; qua đó, nâng cao được kiến thức và kỹ năng phục vụ hoạt động du lịch.

Đến nay, toàn huyện có 5 làng văn hóa DLCĐ; trong đó, có 2 làng được tỉnh và huyện chọn để xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới theo tuyên bố Panhou của UBND tỉnh là Làng Văn hóa DLCĐ dân tộc Tày thôn Chì (xã Xuân Giang), Làng Văn hóa du lịch dân tộc Pà Thẻn thôn My Bắc (xã Tân Bắc). Toàn huyện có 25 cơ sở lưu trú đã xếp hạng khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ homestay với 250 phòng nghỉ, gồm: 1 khách sạn; 5 nhà nghỉ và 19 nhà dịch vụ homestay phục vụ du lịch. Các cơ sở lưu trú du lịch đã đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và chất lượng phục vụ đảm bảo theo tiêu chuẩn, có quy mô và đủ điều kiện đón khách quốc tế.

Huyện duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Nhảy lửa, Lễ Kéo chày dân tộc Pà Thẻn, Lễ Cấp sắc dân tộc Dao, Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày, Lễ hội Đua thuyền trên lòng hồ Thủy điện Sông Chừng… Bảo tồn các nghề thủ công truyền thống, như: Nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày, nghề rèn, đúc dân tộc Tày, nghề nấu rượu ngô men lá dân tộc Tày tại thôn Chì, xã Xuân Giang; nghề dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc. Nâng cao chất lượng và đa dạng các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm du lịch tại các làng văn hóa DLCĐ, mỗi làng có ít nhất từ 10 mặt hàng lưu niệm trở lên được sản xuất thủ công tạo ấn tượng sâu sắc với khách du lịch. Thực hiện hỗ trợ 13 gia đình làm dịch vụ lưu trú du lịch theo Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh với tổng kinh phí 780 triệu đồng; hỗ trợ 4 gia đình xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch trên tuyến đi bộ Lào Cai – Quang Bình – Khu du lịch Panhou Hoàng Su Phì. Nhờ đó, trong năm 2019, huyện đón 14.082 lượt khách đến tham quan, lưu trú tại các làng văn hoá DLCĐ trên địa bàn huyện; trong đó, khách nước ngoài là 6.980 lượt (tăng hơn 2.000 lượt khách so với năm 2018), doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt gần 1 tỷ đồng.

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, huyện Quang Bình tiếp tục nâng cao chất lượng các làng văn hóa DLCĐ hiện có, gắn với xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện để phục vụ khách du lịch; triển khai thực hiện Dự án bảo tồn truyền thống dân tộc Pà Thẻn tại Làng Văn hóa du lịch thôn My Bắc, xã Tân Bắc sau khi được Bộ VH,TT&DL phê duyệt để đưa thôn My Bắc, Tân Bắc thành Trung tâm diễn xướng văn hóa Pà Thẻn nâng tầm quy mô cấp tỉnh và quy mô cấp Quốc gia; nghiên cứu khảo sát để phục dựng Lễ mừng cơm mới (Tết khu cù tê) của người La Chí trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, HTX và các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang), huyện Bắc Hà (Lào Cai) giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm đặc trưng của huyện tới du khách…

BHG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *