Nếu được lên cao nguyên đá thì bạn hãy thử tham gia chợ phiên Hà Giang mang đậm đà bản sắc của người vùng cao. Đó không chỉ là nơi để trao đổi, buôn bán mà còn là cả một thế giới đầy sắc màu của thổ cẩm, là chốn hẹn hò của đôi lứa, là nơi để hàn huyên tâm sự.
Chợ phiên Phố Cáo – một trong những chợ phiên Hà Giang độc đáo nhất
Trong số các chợ phiên Hà Giang thì Phố Cáo là một trong những phiên chợ nổi bật. Cứ 6 ngày thì chợ sẽ họp 1 lần, không quy định vào thứ mấy hay ngày mấy trong tuần cả. Thời gian diễn ra từ sáng đến trưa. Quanh năm, cả phiên chợ đều chìm trong lớp sương mù mờ ảo nhưng không khí lại vô cùng nhộn nhịp. Mỗi lần có người dân bản địa buôn bán hay khách du lịch ghé thăm thì nơi đây như căng tràn nhựa sống.
Mỗi một ngôi nhà ở Phó Cáo được nằm khá xa nhau, không giống cách bố trí san sát của dân tộc Kinh. Bởi vậy người dân ở đây không thể thường xuyên gặp nhau để trò chuyện, trao đổi. Nơi đây cũng không có sân đình, hợp tác xã như ở các miền quê. Vì thế chợ phiên là dịp duy nhất để mọi người được gặp nhau hàn huyên và trao đổi hàng hóa.
Ở chợ phiên Phố Cáo không thể thiếu được những đặc sản Hà Giang. Đó là những thúng xôi đa sắc màu đỏ, tím, xanh, vàng tượng trưng cho Kim, Thổ, Thủy, Hỏa, Mộc. Đó là những chiếc bánh bò vàng nhạt được cắt thành từng khúc vuông, khi ăn vào bùi bùi, xốp xốp. Ngoài ra còn có bánh màn thầu, mẹt hoa quả hay những hàng phở, hàng bún bốc khói nghi ngút.
Chợ tình Khâu Vai – chốn hẹn hò lãng mạn của đôi lứa
Theo kinh nghiệm du lịch Hà Giang thì chợ phiên Hà Giang nổi bật nhất có lẽ là chợ tình Khâu Vai. Đây là một phiên chợ không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều bạn bè quốc tế biết đến với đặc trưng phiên chợ có 1 0 2. Chợ tình Khâu Vai được họp định kỳ với mục đích để người dân đến trao đổi các mặt hàng nông sản, nông cụ,… hay buôn bán các loại gia súc lợn, gà, chó. Người dân ở đây còn chế tạo các đồ trang sức bằng bạc, vải thổ cẩm rồi đem đi bán ở chợ phiên. Tuy nhiên điều đặc biệt nhất có lẽ là chợ phiên này chỉ họp duy nhất 1 lần trong năm, đó là vào ngày 27/3 âm lịch. Sở dĩ lần họp chợ này trở nên độc đáo và đặc sắc như vậy là bởi vì từ ngày 26 – 27/3 âm lịch, nơi đây tập trung rất đông người dân và khách du lịch Hà Giang, tạo nên một khung cảnh rộn ràng khó quên.
Do tình trạng các bản làng sống xa nhau, di chuyển chủ yếu bằng đi bộ, không có xe máy nên người dân tộc Hmong, Tày,… ít khi có dịp để tụ tập lại đông đúc. Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp được một vài cô bé mặc váy áo dân tộc sặc sỡ nói chuyện, đi lại với nhau thành nhóm để đi học, đi chơi hay bán đồ lưu niệm. Chính vì thế mà hình ảnh rất đông người dân tộc tụ tập lại với nhau chính là trong chợ tình Khâu Vai.
Theo truyền thuyết kể lại, trước đây có chàng trai Ba người dân tộc Nùng, nhà thuộc Khâu Vai. Anh thầm thương trộm nhớ một cô gái tên Út, người dân tộc Giáy. Tuy yêu nhau nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên bố mẹ cô gái không đồng tình. Hai người đã cùng nhau chạy trốn dẫn đến người dân hai làng hỗn chiến nhau. Do áp lực quá lớn, cặp đôi phải chia tay nhau nhưng cả hai cắt máu và thề rằng sẽ nhất định trở thành vợ chồng ở kiếp sau và lời hẹn gặp lại một lần trong năm ở Khâu Vai. Từ đó, ngày 27/3 âm lịch hàng năm đã có chợ tình ở Khâu Vai.
Mặc dù người bản địa đến đây họp chợ rất đông nhưng ngoài ra lượng khách du lịch từ nhiều nơi cũng không hề ít. Họ đến đây để hòa vào không khí sôi động, vừa để lưu giữ cho mình những kỷ niệm lãng mạn. Sự nhộn nhịp suốt ngày chính là nét thu hút độc đáo ở chợ tình Khâu Vai.
Có một chợ phiên Mèo Vạc đậm đà màu sắc vùng cao
Nói đến vùng đất cao nguyên đá là nói đến những khu chợ phiên Hà Giang đậm đà màu sắc dân tộc. Và trong số đó chợ phiên Mèo Vạc là một dấu ấn nổi bật. Chợ sẽ được họp vào chủ nhật mỗi tuần ngay trung tâm của huyện. Khi đến với Mèo Vạc thì nhiều người mới nhận ra rằng đây chính là một bảo tàng về văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao.
Không biết được rằng chợ phiên Mèo Vạc có từ bao giờ nhưng mỗi sáng sớm Chủ Nhật, khắp con đường trên miền biên cương, người dân lại nô nức xếp thành từng đoàn xuống chợ. Đây cũng chính là một nét văn hóa gắn chặt với đời sống của người dân vùng cao. Đi chợ phiên là dịp để mọi người mua sắm những đồ đạc thiết yếu cho cuộc sống. Tiếp theo là giao lưu, tâm tình.
Đến với phiên chợ này, bạn sẽ phải ngạc nhiên trước quy mô rất lớn. Điều ngạc nhiên hơn chính là những sắc màu sặc sỡ tỏa ra từ các bộ trang phục dân tộc. Với quy mô lớn lại quy tụ lượng người đông đúc nên chợ phiên Mèo Vạc vào mỗi ngày Chủ Nhật chả khác gì một bông hoa rực rỡ tỏa ánh sáng lấp lánh giữa vùng đá xám biên cương.
Một nét độc đáo nữa chính là, cho dù đây chỉ là một chợ huyện nhưng hàng hóa ở đây lại rất đa dạng từ nông sản, nông cụ, vải lanh, đồ ăn, thực phẩm, trang sức, thảo dược,…
Chợ phiên Đồng Văn – một trong những chợ phiên Hà Giang được yêu thích
Chợ phiên Đồng Văn được đánh giá là một trong những chợ phiên Hà Giang được yêu thích nhất. Nằm ngay ở phố cổ của thị trấn Đồng Văn. Chợ được họp một tuần một lần vào Chủ Nhật. Tổng thể cả phiên chợ có hình chữ U, được xây bằng các khối đá. Đây chính là nơi trao đổi, bán buôn lớn nhất cao nguyên đá Đồng Văn.
Phiên chợ thuộc quần thể phố cố Đồng Văn nên mang rất nhiều màu sắc văn hóa đậm đà. Không khí khi họp chợ rất huyên náo, thời gian diễn ra là từ 5h00 – 12h00 Chủ Nhật. Khi đi họp chợ, các chàng trai cô gái đều xúng xính trong những bộ trang phục sặc sỡ.
Ở chợ phiên Đồng Văn, có rất nhiều hàng hóa được đưa đến để trao đổi như: vải, lanh, thổ cẩm, trang phục, nông sản, gia súc, gia cầm, nông cụ,…
Nếu có cơ hội đến tham quan cao nguyên đá thì bạn nhất định một lần hòa mình vào nhịp sống rộn ràng của chợ phiên Hà Giang nhé.
luhanhvietnam.com.vn