Chủ tịch UBND xã Xuân Giang (Quang Bình) Lý Văn Ba, hồ hởi cho biết: Kết thúc năm 2019, Xuân Giang đạt mức thu nhập bình quân đạt gần 45 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tiêu chuẩn đa chiều toàn xã chỉ còn 26 hộ, chiếm 2,6%. Trong năm qua, xã đã tạo việc làm cho 1.420 lao động đi làm tại các công ty, nhà máy trong nước. Khởi sắc là, Xuân Giang đón 116 đoàn khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài đến thăm và nghỉ lại… Có rất nhiều cơ hội cho năm du lịch khởi đầu thập niên mới của thế kỷ XXI đang được mở ra…
Làng quê Xuân Giang yên bình có sức cuốn hút lớn đối với du khách. |
Chúng tôi về thăm Xuân Giang, khi người dân trong xã đang khẩn trương trồng, cấy vụ Xuân. Đồng thời, tiếp tục tái đàn gia súc đã hết mùa dịch Tả lợn châu Phi. Những con đường bê tông, kênh mương dẫn nước, nhà sàn truyền thống đan xen trong cảnh ruộng, vườn một màu xanh non tơ huyền ảo. Bà Hoàng Sáng, hay còn gọi là Bà Homestay Hoàng Sáng (cách gọi thân mật của khách du lịch) đón chúng tôi vồn vã: Chúc các gia đình Hà Giang một năm mới thịnh vượng, bà con Xuân Giang một năm no đủ, phát tài, phát lộc! Dẫn chúng tôi lên ngôi nhà sàn truyền thống, bà Hoàng Sáng mời, mùa Xuân về, chúng ta uống với nhau chén rượu ngô truyền thống quê hương cho thêm hồng đôi má. Bà Sáng cho biết, năm qua, “gia đình xóm Homestay” thôn Trang đã đón hàng chục lượt du khách đến nghỉ dưỡng tại nhà sàn; buổi sớm lúc nắng lên, hay chiều mát lúc hoàng hôn; khách thường đi bộ, đạp xe tham quan làng quê hoặc tham gia vào các hoạt động lao động, làm vườn cùng bà con nông dân. Du khách cầm cào, cầm liềm gặt lúa, cầm cuốc ra vườn trồng rau cùng gia đình khách nghỉ trọ. Du khách tham gia vào bếp chế biến các món ăn truyền thống, hay tìm hiểu cách ngâm ủ rượu ngô bằng men lá do người dân tự chế… Bà Sáng cho biết thêm, chỉ ít hôm nữa thôi, các Homestay này tiếp tục đón những đoàn du khách đầu Xuân trong năm 2020. Cách đây chừng hơn một tuần, gia đình bà đã có khách từ Đức, Pháp và Ý gọi điện đến đặt phòng nghỉ. Du khách đến đầu năm chủ yếu tham gia khám phá văn hoá truyền thống, tìm hiểu ẩm thực, các lễ hội dân gian ở Xuân Giang. Thông lệ, du khách đến với Xuân Giang rất nhiều và rất nhộn nhịp trong Lễ hội Lồng Tồng, Lễ cúng giải hạn trong các gia đình người Tày đầu Xuân năm mới; cầu cho mưa thuận, gió hòa cây cối xanh tươi, con người nhiều sức khoẻ, vật nuôi hay ăn, chóng lớn sinh sôi, nảy nở…
Theo các gia đình làm du lịch cộng đồng thôn Trang cho biết: Mỗi khách ăn, nghỉ/ngày, đêm chi trả bình quân từ 420 – 500 ngàn đồng (trong đó, có ăn 3 bữa trong ngày với những sản phẩm của địa phương) Chủ tịch xã Xuân Giang, Lý Văn Ba cho hay, du lịch Homestay đang phát triển rộng ở xã Xuân Giang trong vài năm gần đây. Hiện tại, du lịch cộng đồng đang dần phát triển và được mở rộng tại thôn Trang, thôn Chì, thôn Then; mỗi năm, đón hàng trăm lượt du khách. Nhờ có du khách đến thăm, nghỉ lại địa phương mà Xuân Giang cũng dần thay đổi. Người Xuân Giang ngày càng đầu tư xây dựng nhà cửa mang đậm bản sắc địa phương; lối xây dựng truyền thống nhất vẫn là nhà sàn, lợp lá cọ hoặc làm nhà vườn gắn với trồng cây xanh, tạo vườn rau, ao cá sống quây quần cùng thiên nhiên. Hướng đi từ du lịch cộng đồng hiện đã được UBND xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020. Theo đó, Xuân Giang phấn đấu tuyên truyền, vận động người dân phát triển sản xuất an toàn, gìn giữ thật tốt các nét văn hoá độc đáo địa phương, như: Nghề thêu ren, làm thổ cẩm, gìn giữ các điệu múa, tiếng hát Tính tẩu của người Tày, nghề rèn đúc của người Dao, Mông, chế biến các món ẩm thực truyền thống của địa phương và các lễ hội dân gian. UBND xã Xuân Giang đặt mục tiêu: Xuân Giang là điểm đến trong năm 2020 của du khách ở khắp mọi nơi, đồng thời, xã đưa các sản vật truyền thống được làm, chế biến theo lối cổ truyền thành các sản phẩm OCOP để cạnh tranh thị trường tiêu dùng. Cho đây, là hướng phát triển kinh tế bền vững từ cách gìn giữ hiệu quả bản sắc dân tộc; cùng đó là cảnh sắc môi trường xanh, sạch, đẹp đậm chất địa phương.
Thống kê chưa đầy đủ, xong cho thấy, du lịch cộng đồng Homestay đã mang lại nguồn thu cho mỗi gia đình hàng trăm triệu đồng/năm. Trong xã hiện còn nhiều gia đình mở du lịch cộng đồng đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Một thay đổi quan trọng hơn cả là thu nhập chính từ thay đổi tư duy làm kinh tế “xanh” trong mỗi người dân. Ở đó, người dân đều nhận thức ra điều cốt lõi của cách làm kinh tế “xanh” là bảo vệ thật tốt môi trường sống. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn biến đổi khí hậu và phát triển công nghiệp hiện nay trên toàn thế giới. Người Xuân Giang nhận thức đầy đủ rằng, làm gì cũng phải bảo vệ thật tốt môi trường sống. Kèm theo đó là gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, nét văn hoá tộc người của mỗi dân tộc. Và chính cảnh quan làng quê trong lành, văn hoá tộc người độc đáo, khác lạ, hấp dẫn đã, đang biến Xuân Giang trở thành điểm đến cho du khách khắp nơi tìm về.
Bước ra khỏi Làng du lịch cộng đồng thôn Trang, thôn Chì; đâu đó bất chợt một làn điệu Then réo rắt. Người Xuân Giang cho rằng, tiếng hát Then, tiếng đàn Tính tẩu là âm hưởng giao thoa của trời đất với muôn loài gắn kết thế hệ này qua thế hệ khác cùng nhau phát triển, cùng sinh sôi. Tiếng hát Then ấm ấp, tiếng đàn Tính tẩu của núi rừng, của đất, của người Xuân Giang như níu chân du khách.
BHG