fbpx

The New York Times

“My first glimpse of the place that some call Shangri-La came on a brisk spring afternoon as we were careening along a narrow road hemmed in by sheer limestone walls. Our driver made a hairpin turn and all at once the landscape erupted into a sweep of dazzling slopes, serrated ridges and hanging valleys….”

— The New York Times —

Thời báo New York

“Lần đầu chúng tôi nhìn thấy vùng đất mà nhiều người gọi là Shangri La – thiên đường nơi hạ giới, là vào một buổi chiều xuân trong lành khi đang đi dọc một con đường nhỏ hẹp bao quanh bởi các vách núi đá vôi dựng đứng. Anh lái xe rẽ ngoặt và trước mặt chúng tôi bỗng hiện ra những sườn núi rực rỡ, những dãy núi đẹp mê hồn, và những thung lũng treo lưng trừng…”

— Thời báo New York —

Đi đâu

DINH THỰ NHÀ VƯƠNG, VIÊN NGỌC XANH TRÊN CAO NGUYÊN ĐÁ

Khu Nhà Vương là kiến trúc dinh thự kiêm chức năng pháo đài phòng thủ của dòng họ Vương, thuộc địa phận xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Khu nhà này do cụ Vương Chính Đức khởi dựng năm 1919, khánh thành năm 1928.

 

Dinh thự nằm giữa thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn, trên một khối đất nổi cao như hình mai rùa.
Ảnh Mai Khanh

Khu Nhà Vương tọa lạc giữa thung lũng Sà Phìn, trên quả đồi hình con rùa, xa xa phía sau là dãy núi đá làm hậu chẩm, bên phải và bên trái đều có núi tạo thế tay ngai. Chuyện kể lại rằng thế đất này do thầy phong thủy nổi tiếng lựa chọn, vì là mảnh đất ở của bậc anh kiệt. Tổng thể công trình có mặt bằng xây dựng hình chữ Mục, gồm 4 tòa nhà ngang và 6 tòa nhà dọc, mỗi tòa đều 2 tầng, kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói âm dương. Diện tích sử dụng cả hai tầng của dinh thự này khoảng 1.940m2, với 64 gian, được chia làm 3 khu chính: Tiền dinh, trung dinh và hậu dinh.

Nhà Vương chia làm 3 khu chính: Tiền dinh, trung dinh và hậu dinh.
Ảnh: Mai Khanh

 

Các ngôi nhà chủ yếu được thưng ván, sàn tầng 2 lát ván xẻ. Theo địa thế tự nhiên, bố cục khu nhà được bố trí cao dần từ khu tiền dinh đến khu hậu dinh. Ở hai góc hậu dinh (nhà trong cùng) có hai lô cốt, xây hoàn toàn bằng đá xanh, với tường dày trung bình khoảng 0,7m.

 

Lô cốt xây bằng đá xanh ở hậu dinh. Ảnh Mai Khanh

 

Ngoài khu nhà chính, trong kiến trúc này còn có chuồng nhốt ngựa, kết cấu gỗ, lợp ngói máng; bể nước (có mái che, dung tích là 205m3); nhà bếp và một số hạng mục phụ trợ.

Xung quanh khu nhà còn có hệ thống tường thành xây bằng đá và tường đất (trình tường) thành một dinh lũy khép kín để phòng thủ và bảo vệ, với độ dày trung bình khoảng 0,6m (có chỗ phần giáp mặt đất dày tới 0,9 mét), cao khoảng 2,5 – 3m, trên bố trí nhiều lỗ châu mai.

Phía ngoài cổng là khu mộ của dòng họ Vương, đặc biệt, có mộ của bà mẹ đẻ Vương Chí Sình, được xây cất rất chắc chắn, chạm trổ công phu.

Xung quanh dinh thự và dọc theo lối lên được trồng cả trăm cây sa mộc có hàng trăm năm tuổi.

1.Khu tiền dinh

 

15 bậc đá dẫn lên cổng, hai bên là hai hàng sa mộc cổ thụ
Ảnh Mai Khanh

Từ phía ngoài đi vào, lên 15 bậc đá, mỗi bậc có chiều dài là 2,4m; mặt bậc rộng 0,45cm, cao 0,15cm), hai bên là hai hàng sa mộc cổ thụ, qua cổng đá là đến sân trước tiền dinh. Sân này ở chính giữa của tiền dinh, rộng khoảng 5m, dài 40m, mặt sân lát đá, vỉa cũng được bó bằng đá xanh, có công thoát nước mưa ngầm.

 

Mùa xuân hoa đào tô điểm vẻ đẹp bên cánh cổng. Ảnh Mai Khanh

 

Khu tiền dinh gồm một nhà ngang nằm ở giữa và hai nhà dọc. Nhà ngang được coi như “bức tường” chắn mặt trước của dinh lũy, với phần dưới xây bằng những tảng đá, được gọt đẽo kỹ càng. Trên khối xây đá là phần tường trình, dày khoảng 0,5m. Kiến trúc này gồm hai tầng, sàn lát gỗ, cao 5,8m; dài 21,7m; rộng 5m, mỗi tầng đều được chia làm 3 gian. Cửa vào gian chính giữa rộng khoảng 1,4m, chạm trổ cầu kỳ, như mang dáng dấp của một con đại bàng vỗ cánh, biểu thị cho uy quyền nhà Vương. Hai bên cánh gà của cửa trang trí biểu tượng “phượng hoàng đáo gia” và “ngư long tụ hội”.

Cổng dinh thự
Ảnh Học Phạm

 

Mặt trước hai cột xây chính có đôi câu đối bằng chữ Hán, với nội dung:

Gia tích thiện hiền nhân xuất nhập/Môn phong lưu quý khách vãng lai

Nghĩa là: Nhà tính thiện người hiền lui tới/Cửa phong lưu quý khách ra vào.

Tiếp 2 bên cánh cửa cũng có đôi câu đối, với nội dung:

Tùng mai tươi tốt tiết trời xuân/Trúc cúc sương thu đẹp bội phần.

Phía trên bộ cửa được chạm khắc, trang trí là những đồ án: Dơi, sư tử, cành lá cách điệu…, với đường nét rất tinh xảo.

 

Những cánh cửa khu tiền dinh được chạm chổ rất đẹp. Ảnh Mai Khanh

Hai nhà dọc khu tiền dinh quay mặt vào nhau (hướng ra sân tiền dinh), mỗi tòa dài 7,65m; rộng 5,5m; hiên rộng 1,6m; tầng 1 cao 2,8m; tầng 2 cao 3,4m. Nhà bên phải có hiên trước rộng 1,3m; hiên sau rộng 1,3m; cửa ra vào bằng gỗ cao 2m; rộng 0,9m. Nhà này được chia làm 2 gian. Nhà bên trái có thêm phần hiên (phía sau, lối đi ra bể nước) rộng khoảng 1,3m, với 2 lớp tường trình – lớp trong dày 0,3m; tường ngoài dày 0,5m.

Khu tiền dinh
Ảnh Học Phạm

 

Bức hoành phi gồm bốn chữ Biên Chính Khả Phong, có thể hiểu là sắc phong cai trị miền biên cương.
Ảnh Học Phạm.

Sân tiền đinh lát đá, có diện tích (6,3 x 6,3)m. Từ mặt sân tiền dinh lên nền nhà ngang (cao 0,8m) bố trí hệ thống bậc đá tại vị trí hai đầu sân và ở chính cửa giữa. Trên cửa ra vào của nhà này có một bức hoành phi son thếp vàng, với nội dung Biên chính khả phong, nghĩa là: Giữ vững chính trị vùng biên cương – xứng được phong tặng. Hai góc của hoành phi có dòng lạc khoản: Khải Định bát niên mạnh đông thập nhất nguyệt cốc đán công lập (Hoành phi làm vào ngày tốt tháng mạnh đông – tháng 11 năm Khải Định thứ 8) và Cung tặng Bang tá chúa công Chính Đức Phúc (kính tặng Bang tá Chính Đức). Nhà có kích thước: rộng khoảng 8,7m; dài 15,8m; cao 6,2m, tầng trên chia làm 3 gian; cửa ra vào rộng 1,62m; cao 2,6m. Phía trên cửa hình vòng cung 2 bên cửa có câu đối khắc trên cột đá, được đánh bóng nhẵn, với nội dung: Môn củng tử thần gia tặng phúc thọ/ Hộ khai hoàng đạo đường hiện lợi tường nghĩa là: Cửa sao tốt chiếu, phúc lộc dồi dào/Nhà cung hoàng đạo, nhiều điềm may mắn. Tuy nhiên, câu đối này cũng có người đọc và dịch với nhiều nghĩa khác.

Theo lời kể của một số nhân chứng, trước đây, gian giữa của tòa này thường được Vương dùng làm nơi tiếp khách, nếu có việc đại sự thì được đưa vào nơi khác để bàn bạc, giải quyết. Đồng thời, đây cũng là nơi tiếp đãi và nghỉ ngơi của khách sau bữa cơm. Gian bên trái và gian bên phải là nơi ở của người nhà. Tầng 2 là nơi bàn bạc, giải quyết những công việc quan trọng.

2.Khu trung dinh

Qua nhà ngang giữa khu tiền dinh là đến khu trung dinh, gồm một nhà ngang và hai nhà dọc (một phía tiếp giáp nhà ngang giữa).

 

Khu trung dinh
Ảnh Mai Khanh

 

Hai nhà dọc quay ra sân trung dinh, có kiến trúc đối xứng nhau, đều dài 9,1m; rộng 5,8m; tầng dưới cao 2,4m; tầng trên cao 3,4m, giáp với nhà ngang là hai buồng nhỏ, có cửa ra vào rộng 0,62m; cao 1,1m. Mỗi nhà đều có cửa chính ra vào (rộng 0,8m, cao 2,1m). Nhà dọc bên trái (quay ra cổng chính) có một ô cửa sổ hoa văn làm theo kiểu mắt lưới, được đục chạm khá kỳ công, với kích thước (1,0 x 1,0)m. Nhà dọc đối diện, tầng 1 là nơi ở con cháu Vương, tầng trên là nơi ở và làm việc của người quản (thông ngôn).

 

Nhà dọc khu trung dinh
Ảnh Mai Khanh

 

Một căn phòng trong khu nhà dọc khu trung dinh. Ảnh Mai Khanh

 

Từ sân trung dinh qua bốn bậc đá (rộng 2,0m; cao 0,20m; mặt bậc rộng 0,25m) đến tòa nhà giữa. Nền nhà cao hơn mặt sân khoảng 1,15m. Hiên trước lát hai bậc đá, chạm trổ trang trí nhiều hoa văn đẹp. Đây là ngôi nhà được làm đầu tiên trong toàn bộ dinh thự. Cửa vào nhà này cũng là cửa ra trung dinh, rộng 1,15m; cao 2,3m, kết cấu vòm. Kiến trúc tòa này gồm 3 gian. Gian giữa rộng hơn, là nơi đặt bàn thờ gia tiên kiêm lối ra vào (rộng 4,4m). Ban thờ là một chiếc sập gỗ quý, dài gần 2m, rộng 0,50m, mặt trước và hai bên có hoa văn chữ Thọ. Hai gian bên, mỗi gian rộng 4,25m và đều được chia làm hai buồng nhỏ. Đây là nơi ở của Vương Chính Đức.

Cột đá hình hoa thuốc phiện.
Ảnh Mai Khanh

 

Khu bếp trong Dinh thự. Ảnh Mai Khanh

 

3.Khu hậu dinh

Hậu dinh gồm hai nhà dọc nối tiếp với một nhà ngang. Tương tự tiền dinh và trung dinh, hậu dinh cũng có sân lát đá ở giữa rộng khoảng (7,0 x 7,0)m. Nhà dọc bên phải và nhà bên trái có chiều dài 8,0m; rộng 6,55m, hiên rộng 1,05m.

 

Khu hậu dinh
Ảnh Mai Khanh

 

Từ sân hậu dinh lên, có 9 bậc đá, với hệ thống lan can tay vịn (dài 1,5m, rộng 0,3m; cao 0,2m). Nhà ngang trong cùng được xây dựng kiên cố, dài 8,4m; rộng 3,4m; hiên rộng 0,8m. Tòa này gồm 3 gian, tường phía sau được xây bằng đá xanh, dày 0,8m; hai gian bên, mỗi gian có hai lỗ châu mai (kích thước 0,35 x 02m). Hai bên đầu hồi là hai lô cốt – Phía trước nhà lịa ván có một một cửa chính ra vào (rộng 1,1m, cao 2,1m). Hai bên hiên trước có lan can bằng sắt làm tay vịn có trang trí. Đặc biệt, nhà này chỉ có một tầng chính và một tầng ngầm, cuối góc nhà bên trái (nhìn ra cửa dinh) có lối xuống lát ván – bình thường không thể phát hiện ra. Tầng ngầm này được thông ra bốt gác và nhà dọc bên phải bằng một cửa hình vòm (rộng 0,6m; cao 1,65m). Trong nhà đặt sập, tủ và bàn ghế tiếp khách.

Bốt gác ở khu
hậu dinh. Ảnh Mai Khanh

4.Một số hạng mục khác

Bốt gác, được xây ở hai góc của dinh thự, cao 6,9m, có thể quan sát được bốn phía. Đây cũng là nơi để vũ khí của họ Vương. Bốt được xây bằng những phiến đá xanh, tường phía ngoài dày tới 1m; phía trong dày 0,8m. Bốt gồm ba tầng, tầng 1 thông với tầng ngầm của nhà ngang trong. Bốt bên phải tầng một của dinh cao 2,5m; hai mặt tường phía Tây và Bắc có 4 lỗ châu mai, kích thước (0,35 x 0,2)m. Từ tầng 1 lên tầng 2 có một cầu thang nhỏ, gồm 11 bậc và 1 chiếu nghỉ. Tầng 2 cao 2m, có một cửa nhỏ hình vòm, kích thước (0,82 x 0,55)cm. Các mặt tường phía Tây và Bắc đều có 3 lỗ châu mai, cách sàn gỗ 0,8m. Tiếp đến là cầu thang lên tầng 3 (7 bậc). Mặt sàn của tầng ba cao bằng nóc nhà ngang và nhà dọc. Tầng 3 cao khoảng 2,4m, mái che thiết kế theo kiểu bốn mái, các vì kèo, cầu phong ly tô làm bằng gỗ, lợp ngói máng. Từ vị trí này có thể quan sát bên ngoài.

Kho vũ khí.
Ảnh Học Phạm

 

Lỗ Châu mai
Ảnh Học Phạm

 

Tường thành, được xây vào giai đoạn hoàn chỉnh toàn bộ dinh lũy (giai đoạn 2). Tường này bao xung quanh dinh thự, tạo thành một lũy bảo vệ, với chiều dài gần 240m, kết cấu đá, cao trung bình từ 2,5m – 3m. Phía dưới chân tường, phần giáp mặt đất dày tới 0,9m, có nhiều đoạn xây bệ đứng để quan sát hoặc để chiến đấu khi cần thiết. Trên thân tường bố trí nhiều lỗ châu mai, cách mặt đất từ 1m trở lên.

 

Tường thành đá bao quanh nhà. Ảnh Mai Khanh

 

Khu mộ của dòng họ Vương được đặt ở phía trái dinh thự, bên ngoài tường thành. Các mộ được sắp đặt ngôi thứ theo phong tục của dân tộc Mông. Riêng mộ của bà mẹ Vương Chí Sình xây cất chắc chắn và đẹp nhất, với mặt chính lát đá, chạm đồ án rồng cuốn thủy, người phi ngựa, sư tử…

 

Ngôi nhà trong vườn dinh thự. Ảnh Mai Khanh

 

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của di tích, ngày 23 tháng 7 năm 1993, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin đã quyết định xếp hạng Khu Nhà Vương là Di tích kiến trúc – nghệ thuật. Ngày nay, Khu Nhà Vương đã thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch văn hóa- sinh thái khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn.

 

☎️Liên hệ đặt tour và đặt vé:
Trung tâm TTXTDL Hà Giang
Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
Hotline: 0962252555 – 0913256566
#discoverhagiang
#ubuk #ubukdotcom #tanhuongkhibay