Liên kết để tạo ra những tour du lịch hấp dẫn, dịch vụ tối ưu, điểm đến mới lạ sẽ mang lại trải nghiệm mới và sẽ giữ chân du khách lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Sáng ngày 12/5 tại hội trường khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang đã diễn ra chương trình hội nghị liên kết phát triển sản phẩm du lịch Tuyên Quang – Hà Giang với chủ đề “Huyền thoại Sông Gâm” dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang và lãnh đạo công ty cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam – Vietravel.
Hội nghị liên kết phát triển sản phẩm du lịch Tuyên Quang – Hà Giang “Huyền thoại sông Gâm” đã được hai địa phương Tuyên Quang và Hà Giang, phối hợp với Công ty du lịch Vietravel tổ chức, tại tỉnh Tuyên Quang.Ông Hoàng Việt Phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho biết Tuyên Quang được biết đến là một tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, có hơn 600 di tích lịch sử văn hóa, được đánh giá là “bảo tàng sống”, là kho di tích lịch sử Tân Trào với những di tích đặc biệt đi vào huyền thoại như Lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào.
Nhiều lễ hội dân gian truyền thống, độc đáo vẫn được giữ gìn, bảo tồn và phát triển như Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ hội Lồng Tông của người Tày, Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang… Ngành du lịch địa phương đang chú trọng khai thác sản phẩm du lịch có thế mạnh nổi trội về du lịch văn hóa – lịch sử, sinh thái – nghỉ dưỡng, văn hóa cộng đồng, du lịch tâm linh.
“Tuyên Quang và Hà Giang là 2 địa phương có nhiều nét tương đồng, có nhiều lợi thế phát triển du lịch, đặc biệt có chung tuyến du lịch lòng hồ Bắc Mê (Hà Giang) – Na Hang (Tuyên Quang) nằm trên dòng sông Gâm khi liên kết sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch mỗi địa phương, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn” – ông Phương nói.
Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cũng cho hay tỉnh xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, triển khai các cơ chế chính sách nhằm tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch. Trong giai đoạn phục hồi, việc đẩy mạnh liên kết vùng được chú trọng, quan tâm với nguyên tắc hợp tác bảo đảm sự hài hòa, đa dạng, cùng có lợi cho cả cộng đồng, doanh nghiệp và khách du lịch.
Một trong những sản phẩm du lịch nổi bật trong liên kết giữa Hà Giang và Tuyên Quang để khai thác du lịch, cùng đón khách là tour “Huyền thoại sông Gâm” vừa được Công ty du lịch Vietravel khai thác.
Bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ Vietravel, cho biết sản phẩm du lịch “Huyền thoại sông Gâm” kết nối du lịch Hà Giang và Tuyên Quang đang được doanh nghiệp đẩy mạnh. Bởi trong bối cảnh ngành du lịch bắt đầu có khởi sắc sau đại dịch Covid-19, muốn phát triển bền vững thì liên kết là xu hướng tất yếu.
Liên kết để tạo ra những tour du lịch hấp dẫn, giúp gia tăng giá trị và lợi ích cho khách hàng. Những dịch vụ tối ưu, điểm đến mới lạ hấp dẫn mang lại cho khách những trải nghiệm mới, sẽ giữ chân du khách lâu hơn…
“Như tour “Huyền thoại sông Gâm”, một trong những chương trình liên kết giữa hai tỉnh được xây dựng dựa trên quan điểm lựa chọn mỗi điểm đến trong hành trình là một nét tinh túy – độc đáo nhằm mang đến cảm xúc cho du khách về điểm đến bởi những giá trị văn hóa, lịch sử và cả tình người của người dân Hà Giang – Tuyên Quang” – bà Tú Uyên nói.
Về dòng sông Gâm (lòng hồ thủy điện Tuyên Quang địa phận Bắc Mê), ông Ma Văn Tỏe, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, chia sẻ thêm đây được mệnh danh là dòng sông huyền thoại: Thời pháp thuộc, là đường vận chuyển muối đi Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng (nay vẫn còn di tích kho muối tại bờ sông phía trên thác đổ) với 2 bên vách đá hùng vĩ, cây cổ thụ, rừng nguyên sinh đẹp và còn nhiều nhiều câu chuyện về “Huyền thoại Sông Gâm” chưa được biết đến để khai thác du lịch.
Dù vậy, nhằm phát triển mạnh hơn nữa du lịch ở 2 địa phương, một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự hội nghị cùng đề xuất, kiến nghị là tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục phụ du lịch, đặc biệt là nâng cấp các tuyến đường liên vùng, thông tin liên lạc…, bởi đây là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch.
Nguồn Báo Người Lao Động