fbpx
Làm gì

Về Lũng Cú trải nghiệm văn hoá của người Lô Lô

Lũng Cú là một trong những địa bàn sinh sống của người Lô Lô ngoài Thượng Phùng, Xín Cái, Mèo Vạc, Sủng Là, Lũng Táo. Gắn bó với nền nông nghiệp, với núi rừng, văn hoá của người Lô Lô cũng có quan hệ mật thiết với thiên nhiên và các giá trị tâm linh khác. Từ đó tạo nên sự đa dạng sắc màu cho nền văn hoá 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Nếu một ngày nào đó du lịch đến Hà Giang, hãy thử về Lũng Cú và ghé làng Lô Lô Chải để cùng trải nghiệm những nét đặc sắc trong văn hoá của người Lô Lô nơi đây.

Văn hoá đặc sắc của người Lô Lô Lũng Cú đang chờ bạn khám phá.

Những nếp nhà truyền thống của người Lô Lô Người Lô Lô thường sẽ lựa chọn thung lũng bằng phẳng, rộng lớn để dựng nhà cửa. Kiến trúc nhà của người Lô Lô không quá cầu kỳ và có một số nét tương đồng với nhà ở của người Hoa và người Cờ Lao. Trong làng cổ Lũng Cú – nơi sinh sống chủ yếu của người Lô Lô, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những ngôi nhà trình tường truyền thống với mái ngói âm dương và tường vàng bằng đất đặc trưng. Điểm đặc biệt của những ngôi nhà này là mùa hè rất mát mẻ và mùa đông lại vô cùng ấm áp. Thi thoảng, ở một vài căn nhà, giàn hồng cổ nở hoa rực rỡ cả một góc trời. Thử mặc một bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô và dạo một vòng quanh ngôi làng, đứng ở bất kỳ đâu, bạn cũng đều có những bức ảnh đẹp như hoài niệm.

Những nếp nhà trình tường truyền thống nằm bình yên trong thung lũng.

Mặc trang phục truyền thống của người Lô Lô Người Lô Lô lưu giữ văn hoá truyền thống của dân tộc mình trên những bộ trang phục đặc sắc. Mình đã may mắn thực hiện bộ ảnh này trong những ngày hè loanh quanh ở Lũng Cú – Hà Giang. Người trong ảnh là Thu – cô bạn của mình đang sinh sống tại bản Lô Lô – Lũng Cú. Ngày nay, các cô gái có thể biến tấu trang phục của mình để phù hợp hơn và lạ mắt hơn mà vẫn giữ được đặc trưng văn hoá truyền thống. Cô bạn mình đã thay đổi các chi tiết ở khăn đội đâu, phần tay áo,… với những hoạ tiết và màu sắc cô ấy thích.

Trang phục truyền thống của người Lô Lô được đính kết rất cầu kỳ.

Phụ nữ Lô Lô không dùng khung thêu mà chỉ cầm miếng vải để thêu, các đường kim mũi chỉ được xử lý rất khéo léo. Thông thường, một bộ trang phục đầy đủ của người Lô Lô gồm có áo, quần hoặc váy, khăn. Vải may trang phục là vải chàm đen. Áo là loại áo ngắn, cổ tròn, tay dài, gấu áo vừa chạm cạp quần để tôn lên những đường nét cơ thể. Thân trước và thân sau trang trí các mảng màu hình tam giác, ghép lại với nhau thành các khối hình vuông. Hai vạt trước có hai đường trang trí lớn và được thêu những hoạ tiết truyền thống phổ biến như ngọn núi, con chim Ngó Bá – một loài chim gắn liền với các truyền thuyết dân gian ở đây… Quần của phụ nữ Lô lô Hoa được trang trí bằng nhưng hoa văn chạy dọc quanh ống quần và gần gấu. Thắt lưng bằng vải bông có trang trí hoa văn, mép và hai đầu thắt lưng có đính thêm tua màu và hạt cườm, khi thắt để thõng 2 đầu thắt lưng ra phía trước, phối màu sắc với quần áo. Khăn đội đầu của người Lô Lô thường có những tua chỉ nhiều màu thêu nổi sặc sỡ nhiều loại hoa văn chạy dài theo mép khăn và đầu khăn. Ngoài ra, mép khăn còn được đính hàng cúc nhựa thành hình hoa hoặc trang trí miếng hạt cườm, bạc tròn, tua màu.

Bộ trang phục rực rỡ nhưng lại rất hợp với không gian nhà cổ.

Ngày 18/08/2022, nghề thủ công truyền thống “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen”đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia chứng tỏ sự lâu bền và những giá trị văn hoá truyền thống mà bộ trang phục này lưu giữ. Tang ma đặc biệt của người Lô Lô – Nét đặc sắc của phong tục truyền thống Rất hiếm hoi có dịp nào đó để có thể chứng kiến đám tang truyền thống của người Lô Lô được tổ chức ở ngôi làng dưới chân cột cờ Lũng Cú. Theo quan niệm của người Lô Lô, trái đất có hình tròn và vũ trụ có ba thế giới bao gồm: trần gian – thế giới của con người, thế giới trên trời và thế giới của ma. Người Lô Lô cũng cho rằng trời là cha còn đất là mẹ, có đủ trời – đất mới sinh cỏ, trời quyết định vận mệnh của con người. Họ cũng rất coi trọng đám tang bởi người Lô Lô quan niệm con người không nhìn thấy ma quỷ nhưng ma quỷ luôn dõi theo con người và nếu bất kính sẽ dễ sinh ra hậu hoạ. Tang ma của người Lô Lô ở làng Lô Lô Chải sẽ được tiến hành theo hai nghi lễ gồm làm ma tươi (chôn cất thể xác) và làm ma khô (gia đình đưa người đã mất về với tổ tiên). Sau khi đã làm ma, họ hàng lần lượt đến viếng và đem theo gà, heo, rượu… để góp vào tang ma. Trong những ngày thi hài còn giữ ở trong nhà, tang chủ sẽ mời thầy mo đến, làm lễ đưa hồn người chết về với thế giới tổ tiên.

Tang ma của người Lô Lô được tổ chức rất công phu.

Khi tiến hành làm tang ma lớn cho người chết, gia đình sẽ tổ chức múa ma suốt ba ngày đêm. Ngày đầu và ngày cuối cùng là những ngày múa chính, thông thường sẽ có có bốn đôi nam nữ hoá trang, mặc quần áo đẹp và nhảy múa thành vòng tròn. Những nam thanh niên sẽ hoá thân thành người rừng, họ lấy cây rừng quấn xung quanh để tạo thành trang phục người rừng, đeo mặt nạ gỗ. Những người nữ sẽ ăn mặc những bộ trang phục truyền thống, độ cầu kỳ của trang phục sẽ tuỳ thuộc vào vai vế, độ giàu có của gia chủ. Việc này có liên quan đến quan niệm rằng ngày xưa, tổ tiên của họ đã từng ăn mặc như vậy nên cần phải hoá trang cho đúng để bên kia có thể nhận người chết về sống cùng và qua bên đó, người chết sẽ bắt đầu một cuộc sống mới ở thế giới khác nên cần được tiễn đưa đặc biệt. Ngoài những người múa chính thì những người khác tham gia múa cũng được.

Những nam thanh niên sẽ hoá trang thành người cây, người nữ sẽ mặc trang phục truyền thống thật đẹp.

Những bữa cơm với đặc sản thịt treo Bếp củi của gia đình các dân tộc thiểu số luôn đỏ lửa vào những ngày đông, để ấm vào mùa đông, để nấu cơm, và để làm thịt treo (thịt lợn hun khói). Thịt treo là món ăn đặc sản mà hầu hết các dân tộc thiểu số ở Hà Giang như Tày, H’Mông, Lô Lô… đều có trong căn bếp của mình. Món thịt treo được làm từ thịt heo đen. Đây là giống heo có thể thích nghi với khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, được chăn thả tự nhiên trên đồi nên thịt sẽ rất săn chắc, phần mỡ nhiều nhưng giòn và thơm. Thịt dùng để treo gác bếp thường là ba chỉ, thịt nạc. Công đoạn khó nhất chính là lúc ướp thịt. Thịt heo sau khi đã phơi ráo nước sẽ được đem ướp với các loại gia vị truyền thống như: hạt dổi, mắc khén, thảo quả, tiêu đen, hoa hồi, hoa quế,… Rồi sau đó đem treo trên bếp từ 15 ngày trở lên. Dưới sự tác động của nhiệt độ toả ra từ bếp củi và gió lùa, thịt sẽ dần khô và săn lại. Thành phẩm của một miếng thịt lợn hun khói ngon là phần bề mặt ám bồ hóng, có màu nâu đỏ óng, khi cắt ra phần thịt không bị tách rời mà giữ được độ săn chắc.

Bữa cơm với thịt tro và cải mèo.

Lúc có khách, người dân sẽ ngâm thịt vào nước nóng để phần da được mềm hơn rồi đem xào với dầu nóng, thêm chút gừng, hành lá cho thơm. Thịt treo (thịt lợn gác bếp) có mùi hương đặc biệt, vị nồng của mắc khén, tiêu, mùi nồng ngai ngái của khói bếp, phần thịt nạc dai nhẹ, phần mỡ và da giòn sần sật. Lũng Cú rất nhỏ nhưng lại giữ trong mình những miền văn hoá vô cùng đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số. Về Lũng Cú, về làng Lô Lô Chải không chỉ có những cảnh đẹp bình dị mà còn là không gian văn hoá đặc trưng bạn hãy thử khám phá một lần. Chắc hẳn nơi đây sẽ không làm bạn thất vọng! Tác giả:  Hoài Thu