fbpx
Tin tức

Khai thác tiềm năng du lịch Bắc Mê: “Bắt tay” để phát triển

(HNMCT) –  Bắc Mê là huyện vùng sâu, nằm cách thành phố Hà Giang 53km về phía đông. Tuy sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú nhưng tiềm năng du lịch nơi đây giống như kho báu còn ẩn sâu dưới lòng đất, chưa được nhiều người biết đến. Để giảm bớt “sức nóng” và dịch chuyển dần dòng khách từ các huyện ở Hà Giang về Bắc Mê, rất cần cái “bắt tay” giữa cơ quan quản lý nhà nước, người dân, các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Tuyến du lịch đường thủy khám phá vẻ đẹp thanh bình của dòng sông Gâm.

“Kho báu” ngủ quên

Huyện Bắc Mê hội tụ điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, nổi bật là tài nguyên đa dạng sinh học với diện tích rừng lớn. Nhiều khu rừng nguyên sinh cùng môi trường sinh thái trong lành được bảo tồn, gìn giữ như khu bảo tồn thiên nhiên Khau Ca, rừng nguyên sinh xã Phiêng Luông, Yên Cường, Lạc Nông, thác Nà Phia (thị trấn Yên Phú); thác Kẹp B (xã Minh Sơn)… Lòng hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) trên sông Gâm thuộc địa phận huyện Bắc Mê có cảnh quan đẹp, là tiền đề để phát triển loại hình du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, Bắc Mê cũng sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú. Trên địa bàn huyện hiện có 3 di tích được xếp hạng Di sản văn hóa cấp quốc gia, gồm: Di tích lịch sử Căng Bắc Mê, Di tích lịch sử, văn hóa hang Đán Cúm, hang Nà Chảo. Bắc Mê là nơi sinh sống của 15 dân tộc anh em Dao, Tày, Mông…, hiện còn giữ được nếp sinh hoạt, phong tục tập quán và lễ hội đặc sắc như Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội gọi trăng, Lễ cúng cơm mới của người Tày, Lễ hội cấp sắc; Lễ hội cầu mùa, cầu mưa của người Dao; Lễ hội Gầu tào của người Mông; Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo… Cùng với đó, nghề truyền thống của các dân tộc như nghề rèn, chạm bạc (người Dao, Mông); trồng lanh, kéo sợi, dệt vải, in hoa trên vải bằng sáp ong, đan lát (người Mông, Dao, Tày)… cũng được gìn giữ, làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho Bắc Mê.

Dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng, đặc sắc như vậy nhưng Bắc Mê vẫn là cái tên mờ nhạt trên bản đồ du lịch Hà Giang. Nguồn tài nguyên này giống như kho báu nằm sâu dưới lòng đất, chưa được khai thác để trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách đến với Bắc Mê. Để kho báu này lộ diện, cần có sự liên kết, vào cuộc của cơ quan quản lý, người dân và các doanh nghiệp lữ hành.

Liên kết để phát triển 

Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc liên kết giữa hai địa phương Tuyên Quang, Hà Giang – nơi có chung dòng sông Gâm và lòng thủy điện Na Hang, cùng các địa phương lân cận như Cao Bằng, Bắc Kạn, Giám đốc Công ty Fivestar Travel Lương Duy Doanh cho rằng: Bắc Mê có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy thuận lợi để kết nối với các huyện và tỉnh bạn, vì thế, việc liên kết du lịch vùng là rất khả quan. Một trong những giải pháp để thúc đẩy liên kết du lịch tại đây là phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo dấu ấn khác biệt so với các địa phương và các vùng khác. “Về liên kết nội vùng, phải xây dựng được sản phẩm du lịch tổng hợp, đi qua nhiều điểm đến, kết hợp nhiều trải nghiệm độc đáo, đặc thù của vùng và liên kết nhiều địa danh, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Về liên kết ngoại vùng, cần chú trọng liên kết các sản phẩm, tour tuyến với các tỉnh giáp ranh bằng cả đường bộ và đường thủy” – ông Doanh chia sẻ.

Chung nhận định về những lợi thế phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa hai huyện Bắc Mê (Hà Giang) với Na Hang (Tuyên Quang), ông Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietnam TravelMart cho rằng: Hai địa phương nên đẩy mạnh liên kết, phát triển dòng sản phẩm du lịch trên sông Gâm bằng cách xây dựng một tuyến du lịch trên dòng sông thơ mộng này. Hai bên bờ sông Gâm có những bãi bồi với những khóm tre, bãi thả trâu, thuyền neo mang nét đặc trưng của Việt Nam. Đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng những sản phẩm thu hút dòng khách lẻ ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, cần thiết kế những điểm dừng chân, trồng nhiều loài hoa đặc trưng dọc tuyến đường để tạo điểm nhấn, điểm check-in cho du khách; gia tăng các loại hình trải nghiệm như chèo SUB (ván đứng), thuyền kayak hay phát triển loại hình cắm trại ở hai bên sông. Chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích mà du lịch mang lại để thu hút sự tham gia của người dân, giúp họ thay đổi cuộc sống.

Nếu như trước đây, du lịch chưa thực sự được coi trọng thì nay, cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Bắc Mê đã có những hành động, định hướng cụ thể nhằm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê Củng Thị Mẩy, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Bắc Mê đã ban hành Nghị quyết số 09, Nghị quyết số 10 về phát triển du lịch – dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa truyền thống các dân tộc và lịch sử địa phương; thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ giai đoạn 2021 – 2025. Đây là nền tảng cơ bản để du lịch Bắc Mê phát triển trong thời gian tới

hanoimoi.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *