Không có những hẻm vực hùng vĩ như Tu Sản (huyện Mèo Vạc) hay những thửa ruộng bậc thang phủ vàng các sườn núi như ở Hoàng Su Phì, những dãy núi đá tai mèo hùng vĩ với nếp nhà trình tường ẩn hiện trên cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) thu hút du khách bởi vẻ trầm mặc và những dấu tích lịch sử còn đọng lại. Trong số đó phải kể tới di tích căng Bắc Mê – một địa chỉ đỏ, một “trường học cách mạng”. Đến Bắc Mê, du khách có dịp tìm về với quá khứ để thấy giá trị của hòa bình và những dấu ấn thời gian chưa phai mờ trên các nền móng kiến trúc…
“Trường học cách mạng” trong quá khứ
Năm 1909, tại sườn núi Rồng (thôn Đồn Điền, xã Yên Cường, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang), thực dân Pháp đã cho xây dựng một trại lính, được gọi là căng Bắc Mê (“caserne” trong tiếng Pháp phiên âm sang tiếng Việt là “căng”, nghĩa là đồn binh, trại lính). Nơi đây nổi tiếng là vùng rừng núi hiểm trở, phía trước là sông Gâm, lại giáp ranh với Cao Bằng, Tuyên Quang nên thực dân Pháp chọn để kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối giữa ba tỉnh. Từ năm 1939 – 1942, chúng sử dụng nơi này để giam giữ các cán bộ cách mạng chưa bị kết án nhằm trấn áp phong trào cách mạng.
Căng Bắc Mê có diện tích khoảng 2.500m2, bao gồm: Nhà giam, vọng gác, nhà làm việc, nhà thông tin, nhà kho… Xung quanh là hệ thống tường bao kiên cố được xây bằng đá tảng dài 190m, cao 2m, dày 40cm. Với địa thế hiểm trở, “rừng thiêng nước độc”, các tù nhân ở đây hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Họ phải sống trong cảnh lao tù, bị bắt lao động khổ sai nhưng đã tìm cách đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân.
Từ năm 1940 – 1941, có hơn 300 tù nhân bị giam giữ tại đây, trong số đó, nhiều tù chính trị có tầm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng như Khuất Duy Tiến, Xuân Thủy, Nguyên Hồng, Trần Cung, Lê Giản… Đầu năm 1941, thực dân Pháp đày đồng chí Trần Hiệu (tức Vũ Văn Địch) lên căng Bắc Mê. Tại đây, đồng chí đã tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng từ đây, nhà tù thực dân đã trở thành trường học cách mạng của các chiến sĩ yêu nước. Cuối năm 1942, phong trào cách mạng vùng biên giới phát triển mạnh mẽ cùng sự đấu tranh quyết liệt của các tù nhân ở căng Bắc Mê, thực dân Pháp buộc phải chuyển họ sang các nhà tù khác. Sau thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, căng Bắc Mê được giải phóng.
“Thổi hồn” cho di tích
Qua thời gian và những biến động lịch sử, di tích lịch sử căng Bắc Mê đã bị phá hủy khá nhiều. Hiện nay, tại khu di tích này chỉ còn lại dấu tích nền móng và những khu nhà giam đổ nát. Tuy nhiên, qua lời kể của thuyết minh viên, những dấu tích ấy vẫn đủ để khách tham quan hiểu được phần nào sự khắc nghiệt, tội ác tày trời của nhà tù thực dân cũng như truyền thống đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng kiên trung. Với những giá trị lịch sử và ý nghĩa quan trọng như vậy, năm 1992, căng Bắc Mê được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Tháng 7-2022, giai đoạn 1 của dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia căng Bắc Mê được hoàn thành, trong đó có phòng trưng bày giới thiệu di tích. Công trình gây ấn tượng nhờ lối kiến trúc độc đáo, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và môi trường di tích cùng phần trưng bày hiện đại nhờ vận dụng công nghệ kỹ thuật 4.0. Nhà trưng bày có tổng diện tích 231,5m2, được thiết kế giống như nằm sâu trong lòng núi. Phần mái được thiết kế dốc dần xuống hai bên và phủ đất, trồng cỏ khiến công trình càng hài hòa với cảnh quan. Phần diện tích bên trong rộng 187.5m2, là nơi trưng bày các hiện vật, tài liệu theo chủ đề. Đáng nói là cách trình bày, tiếp cận nội dung cũng như thiết kế nội thất, ánh sáng bắt mắt, sinh động đã mang lại hiệu ứng tích cực với du khách ở nhiều lứa tuổi.
Là người trực tiếp tham gia công tác thiết kế trưng bày, bà Phạm Kim Ngân, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa chia sẻ: “Ý tưởng chủ đạo của thiết kế trưng bày là gợi tả những câu chuyện để làm trỗi dậy cảm xúc của khách tham quan. Những câu chuyện được kể một cách tự nhiên, không lặp lại, gây bất ngờ và đòi hỏi người xem phải suy tư… Trưng bày tại đây tuy nhỏ nhưng được trang bị những thiết bị mới, phù hợp với môi trường khí hậu, con người ở một di tích vùng sâu, vùng xa”.
Chia sẻ cảm xúc ở góc độ của một du khách và đại diện một doanh nghiệp lữ hành đến từ Hà Nội, ông Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch Tân Thế Giới cho biết: “Nếu như ở vùng lõi của di sản, du khách lớn tuổi sẽ bị chìm đắm vào những câu chuyện và những dấu vết còn lại của di tích thì khu nhà trưng bày là sự đột phá, có sức hấp dẫn với các bạn trẻ. Đây là “điểm cộng” bởi Hà Giang đã biết cách “thổi hồn” cho di tích để tạo sức hấp dẫn với nhiều đối tượng khách. Nếu kết hợp “địa chỉ đỏ” này với các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng ở khu vực lân cận, chắc chắn Bắc Mê sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới”.