Hà Giang từ lâu đã là “thương hiệu” du lịch nổi bật của khu vực miền núi phía Bắc không chỉ bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo, mà còn bởi cách làm du lịch sáng tạo, bài bản. Bước đầu đã tạo dựng được danh tiếng, Hà Giang vẫn không ngừng mở thêm tuyến điểm du lịch, xây dựng nhiều sản phẩm mới để thu hút du khách.
Khung cảnh thanh bình dưới chân cột cờ Lũng Cú – một trong những điểm đến trên Tuyến số 4.
Tăng sức hút nhờ sản phẩm mới
Vùng biên viễn Hà Giang từ lâu đã được nhiều du khách trong và ngoài nước đưa vào danh sách điểm “phải đến” trong đời. Cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, những cung đường đèo ngoạn mục hay những bản làng đẹp như tranh cùng sự đa dạng về văn hóa đã tạo nên hệ thống sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với hình ảnh một Hà Giang khác biệt trong lòng du khách.
Nhờ định hướng phát triển sản phẩm mới, cụ thể hóa bằng việc xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025, đến nay, Hà Giang đã có hệ thống sản phẩm được khai thác quanh năm, khắc phục tính mùa vụ; sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng chủ yếu dựa trên giá trị văn hóa truyền thống của 19 dân tộc gắn với các làng văn hóa du lịch cộng đồng, cảnh quan thiên nhiên đẹp…
Một trong số sản phẩm mới là Tuyến số 4 trên Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn mang chủ đề: “Hành trình đến với tương lai xanh”. Theo Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang Triệu Thị Tình, Tuyến số 4 bao gồm 14 điểm, cụm di sản địa chất, di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên… nằm trên địa bàn các huyện Bắc Mê, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Tại đây, du khách có thể khám phá cua chữ M, điểm di sản Thiết giao long phá thạch, rừng chè shan tuyết cổ thụ Ngam La…
Ngoài ra còn có một số công trình đang được đầu tư xây dựng như khu nghỉ dưỡng cao cấp Papiu 2, các làng văn hóa ven rừng, ven suối với trải nghiệm tắm, trekking và thưởng thức ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dao… Đây là sản phẩm du lịch hoàn chỉnh so với 3 tuyến trước đó, phù hợp với định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh.
Với kho tàng tri thức dân gian được hình thành từ 19 dân tộc, Hà Giang là “điểm hẹn ẩm thực” hấp dẫn với những món ăn dân dã, đặc trưng của các dân tộc. Ngoài những món đã tạo nên thương hiệu như mèn mén, rượu ngô, thắng cố, bánh chưng gù…, Hà Giang còn có nhiều món ăn độc đáo khác như phở Tráng Kìm, bia và bánh tam giác mạch, cháo ấu tẩu, thắng dền. Nhiều món ăn của Hà Giang đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đưa vào Top 100 món ăn đặc sản và quà tặng 63 tỉnh, thành phố, cho thấy tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực của tỉnh không hề nhỏ.
Nâng cao chất lượng sản phẩm điểm đến
Với những sản phẩm mới, Hà Giang kỳ vọng mang đến cho du khách trải nghiệm khác biệt, đồng thời tạo sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Để tạo hiệu quả lớn hơn, theo các chuyên gia du lịch, tỉnh cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là gắn sản phẩm du lịch với trải nghiệm tinh hoa ẩm thực Hà Giang.
Chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Nhật Bản – Việt Nam Matsuo Tomoyuki, người có hơn 1 thập niên gắn bó với Hà Giang và là “cầu nối” đưa cây tam giác mạch sang Nhật Bản, chia sẻ: “Cây tam giác mạch là nguyên liệu chính để làm mỳ soba, món ăn phổ biến của Nhật Bản. Chúng tôi đã hỗ trợ người dân địa phương trồng khoảng 100ha tam giác mạch để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hà Giang nên đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ẩm thực từ tam giác mạch để bán cho du khách hoặc xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập và tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương. Cùng với đó, cần lan tỏa hình ảnh ẩm thực Hà Giang thông qua các hình thức quảng bá, giao dịch thương mại điện tử để du khách quốc tế biết tới”.
Theo giảng viên khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) Vũ Thị Uyên, Hà Giang cần quảng bá đến du khách các món ăn có lợi cho sức khỏe bởi đây là điều đang được khách du lịch quan tâm. “Hà Giang có 19 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc đều có nhiều món ăn rất tốt cho sức khỏe. Vì thế, cần tận dụng tri thức dân gian để phát huy thế mạnh, đưa đến cho du khách những món ăn đặc trưng của Hà Giang. Bên cạnh đó, trong các tour tuyến cần gia tăng trải nghiệm cho du khách để họ được tự thu hoạch, chế biến món ăn, điều đó khiến sản phẩm du lịch ẩm thực Hà Giang ấn tượng hơn” – bà Uyên nói.
Đối với sản phẩm Tuyến số 4, du khách sẽ được khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, trải nghiệm các sản phẩm du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm hay hòa mình vào đời sống cộng đồng… Vì thế, việc bảo đảm an toàn cho du khách, giữ gìn môi trường cảnh quan và môi trường du lịch là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nam Định Nguyễn Công Khương cho rằng, mặc dù Hà Giang đã đầu tư khá tốt cho hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng nhưng do địa hình núi cao nên trên Tuyến số 4 vẫn còn nhiều “vùng lõm” về viễn thông. Hà Giang cần sớm khắc phục vấn đề này nhằm đảm bảo viễn thông thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan; cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đầu tư xây dựng điểm dừng chân, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn để phục vụ du khách ngày một tốt hơn.
hanoimoi.com.vn