fbpx
Tin tức

Hà Giang thực hiện quan điểm bảo tồn văn hóa

Ngày 24/11/2021, Hội nghị toàn quốc về văn hóa lần thứ 2 đã diễn ra tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”; “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ”. Sau 2 năm nhìn lại, Hà Giang đã có những hành động cụ thể gì để triển khai nhiệm vụ này. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với bà Nguyễn Thị Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang để làm rõ vấn đề này.

PV: Thưa bà Nguyễn Thị Hoài – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, rất cảm ơn bà đã tham gia cuộc phỏng vấn với chúng tôi. Bà có thể cho biết trong thời gian qua, Hà Giang đã có giải pháp gì để bảo tồn, quảng bá và phát huy các giá trị văn hóa, lấy đó làm động lực cho phát triển?

Hà Giang nơi cộng cư của 19 dân tộc với những di sản văn hóa độc đáo. Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa năm 2021 Hà Giang có 131 di sản văn hóa phi vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể.

Thực hiện chủ trương của Đảng về văn hóa: “văn hóa là vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển”; “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa ngày 24/11/2021 với quan điểm: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” … tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo tồn văn hóa, lấy văn hóa làm động lực cho sự phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch.

Một là, nhóm giải pháp về nghiệp vụ công tác bảo tồn văn hóa, Hà Giang đã thực hiện tổng kiểm kê di sản văn hóa; lập hồ sơ di sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức sưu tầm di sản văn hóa; phục dựng lễ hội, tín ngưỡng dân tộc; mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư, trường học; thực hiện cắm mốc giới, khoanh vùng bảo vệ di tích, danh thắng đã được xếp hạng; bố trí nguồn lực đầu tư trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp các di tích đã được xếp hạng…

Hai là, nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 11/8/2021 về quy định quản lý, bảo vệ và phát huy di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang và các quyết định về tôn vinh nghệ nhân trong công tác lưu giữ, truyền dạy văn hóa; chỉ đạo tổ chức kiện toàn các Ban quản lý di tích, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư trong vùng di sản văn hóa.

Ba là, Tổ chức tốt các hoạt động quảng bá văn hóa như: phim tư liệu, báo viết, báo ảnh, phim truyền hình, clip…. góp phần lan tỏa các giá trị di sản để di sản đến gần hơn với cộng đồng trong và ngoài nước và trở thành động lực cho hành trình của du khách.

Bốn là, Để đạt mục tiêu lấy văn hóa làm động lực phát triển Hà Giang đã và đang triển khai các đề án bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch như: đề án bảo tồn văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng; đề án nâng cao chất lượng tổ chức lễ hội; đề án xúc tiến quảng bá văn hóa; dự án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số….

PV: Song song với bảo tồn, phục dựng, tỉnh Hà Giang đã làm gì để cải tiến, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh?

Có thể nhận thấy trong thực tiễn đời sống của cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang vẫn còn tồn tại một số hủ tục, tập quán lạc hậu không phù hợp với nếp sống văn minh điển hình như trong nghi thức tang ma, cưới hỏi, lễ hội và thói quen sinh hoạt. Tại Hội nghị toàn quốc về Văn hóa năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ”. Tỉnh Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU và Nghị quyết số 27-NQ/TU về xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc xây dựng nếp sống văn minh. Với phương châm lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đồng thời cũng kiên quyết loại bỏ những cái phi văn hóa, phản văn hóa xây dựng nếp sống văn minh. Những giải pháp được tỉnh Hà Giang xác định để thực hiện nhiệm vụ này đó là:

Một là, Tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng, làm thế nào để cộng đồng nhận diện được đâu là truyền thống văn hóa tốt đẹp, đâu là hủ tục, tập quán không phù hợp để cải tiến, xóa bỏ. Trong thời gian qua, nhiều hình thức tuyên truyền đã được thực hiện: tuyên truyền miệng, trực quan, thi sân khấu hóa, tập huấn cải tiến hủ tục tang ma, cưới hỏi…  Các đối tượng được hướng đến bao gồm cả cộng đồng từ cán bộ, đảng viên, CCVC, người lao động đến người dân, từ thành thị đến nông thôn, từ già đến trẻ…

Hai là, Chú trọng công tác dân vận, phát huy vai trò các thành viên mặt trận tổ quốc các cấp trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát

Ba là, Phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng… làm gương để cộng đồng noi theo.

Bốn là, Chú trọng công tác  nêu gương người tốt, việc tốt

PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của người dân trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa?

Văn hóa là sản phẩm của con người, hay nói cách khác con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, văn hóa còn hay mất, đẹp hay xấu đều xuất phát từ con người. Chính vì vậy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu giữ vị trí trung tâm, quyết định sự thành bại của sự nghiệp văn hóa.

Qua nắm bắt thực tiễn, cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang luôn tin tưởng với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cải tiến, xóa bỏ hủ tục lạc hậu… Sau 2 năm thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh  Hà Giang về công tác văn hóa, với sự đồng thuận của cộng đồng, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, công tác bảo tồn văn hóa ở Hà Giang đã và đang thu được những thành quả quan trọng. Các di sản văn hóa cơ bản được gìn giữ, nhiều di sản đã phát huy trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn như Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Cột cờ Lũng Cú, Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương, Phố cổ Đồng Văn và các lễ hội dân tộc như: Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, Gầu tào của dân tộc Mông, Lồng tông của dân tộc Tày, Cấp sắc của dân tộc Dao… cùng những làn điệu hát Then, thổi và múa khèn Mông; Trống hội Lô Lô; những bộ trang phục truyền thống sắc màu, văn hóa ẩm thực độc đáo … đã góp phần đưa du lịch Hà Giang lọt vào danh sách đề cử  điểm đến mới nổi hàng đầu Châu Á của Tổ chức du lịch thế giới

Rất cảm ơn bà đã tham gia phỏng vấn với phóng viên. Xin chúc cho sự nghiệp văn hóa Hà Giang ngày càng phát triển. Trân trọng cảm ơn!

Nguồn:  PV Hồng Hạnh – Tạp chí Văn hóa du lịch Hà Giang

———————————

Liên hệ đặt tour và đặt vé máy bay

Trung tâm TTXTDL Hà Giang

Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang

Hotline: 1900561276

Đặt vé máy bay : https://ubuk.com/