Sáng 8.12, Tỉnh ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang. Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư. Các Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa TT&DL; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang; Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn. Dự hội nghị có Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo Quân khu 2, thành phố Hà Nội, tỉnh Lâm Đồng; các công ty, doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự lễ chào cờ. |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm |
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm |
Chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gửi hoa chúc mừng.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BTV, BCH Tỉnh ủy; đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang; Thường trực HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo tỉnh Hà Tuyên, Hà Giang qua các thời kỳ; nhân chứng lịch sử ngày Bác Hồ lên thăm Hà Giang; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố; các tập thể, cá nhân tiêu biểu…
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng điều hành lễ kỷ niệm. |
Tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh đọc diễn văn kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh và 60 năm Bác Hồ lên thăm Hà Giang, khẳng định: Hà Giang là vùng đất có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống văn hóa; gắn liền với những chặng đường lịch sử trọng đại của đất nước, có vị trí địa chính trị trọng yếu, là “phên dậu” của Tổ quốc. Ngày 20.8.1891, tỉnh Hà Giang chính thức được thành lập. Từ đó đến nay là cả một quá trình phấn đấu đầy gian khổ và hy sinh; đồng bào các dân tộc Hà Giang vừa kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bọn phản động tay sai của thực dân phong kiến, vừa chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và nghèo nàn, lạc hậu để vươn lên giành chiến thắng. Tháng 12.1975, tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Ngày 01.10.1991, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Từ khi tái lập tỉnh, với truyền thống đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh; cần cù trong lao động, sản xuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, nhân dân Hà Giang đã và đang từng ngày lập nên những kỳ tích mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy tiềm năng trong phát triển KT – XH.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất phát biểu về điểm nhấn phát triển KT – XH của Hà Giang qua 130 năm thành lập tỉnh. |
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Chặng đường 130 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh đến nay, Hà Giang đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực. Hình ảnh mảnh đất, con người Hà Giang luôn ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Giai đoạn 2015 đến nay, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% các thôn bản có đường đi được xe cơ giới đến trung tâm; 100% dân số đô thị, 94,4% hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 42%; tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế 100%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98,5%. Chương trình xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm sáng tạo. Văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và phát huy; công tác giảm nghèo thu nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2021 còn 18,54%.
Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Thị Hương phát biểu tiếp nối truyền thống Anh hùng, xây dựng quê hương Hà Giang ngày một phát triển. |
An sinh xã hội bảo đảm, huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ xây dựng 5.131 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng, phát triển có chiều sâu. Hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được xây dựng, củng cố vững mạnh. Lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền được nâng lên. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. |
Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Hơn 60 năm qua, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người thăm nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Giang năm 1961 đã trở thành chân lý, có giá trị vĩnh cửu cho các thế hệ đồng bào các dân tộc toàn tỉnh. Toàn bộ di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa, thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đó là tài sản tinh thần to lớn và quý giá; đã, đang và sẽ luôn soi rọi, dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang trên con đường đi tới thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hoạt cảnh Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Hà Giang khi Người lên thăm năm 1961. |
Khắc sâu 8 lời Bác Hồ căn dặn, với tinh thần thống nhất ý chí và quyết tâm chính trị cao, xứng đáng với các thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT – XH mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra: “Xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; đến năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh trung bình khá của cả nước”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa các nghệ sỹ, diễn viên tham gia chương trình nghệ thuật. |
Bí thư Tỉnh ủy gửi lời tri ân đến các gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, các bậc lão thành cách mạng của tỉnh; cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành T.Ư, các địa phương trong cả nước luôn quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo, chia sẻ, đồng hành và phối hợp, giúp đỡ Hà Giang trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển. Gửi đến toàn thể đồng chí, đồng bào nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân toàn tỉnh tình cảm sâu sắc về những cống hiến, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chứng kiến sự phát triển, đổi thay của Hà Giang. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã kiên cường đấu tranh giải phóng dân tộc, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, chống lại các thế lực ngoại xâm. Theo Chủ tịch nước, lịch sử 130 năm của Hà Giang đã tô thắm thêm tinh thần yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết gắn bó keo sơn, kiên cường, dũng cảm sáng tạo, là minh chứng cho ý chí sắt đá của những người con sống nghìn đời trên cao nguyên đá Hà Giang. Mặc dù nhiều khó khăn, vất vả, bất lợi, chia cắt về địa hình, điều kiện giao thương khó khăn, hạ tầng KT-XH nghèo nàn, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí chưa cao… nhưng với tinh thần “khó khăn gấp đôi phải cố gắng gấp ba”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Hà Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, vượt khó đi lên và giành được thành tựu quan trọng trong phát triển KT – XH, QP – AN, đối ngoại… Đặc biệt, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền đã thực hiện tốt quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”; lãnh thổ, biên giới quốc gia được giữ vững, hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu lại các mục tiêu KT – XH mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Đồng thời, lưu ý Hà Giang để phát triển kinh tế trước hết năng lực của đội ngũ cán bộ phải được tăng cường, nâng cao. Phải có chính sách an sinh, có giải pháp giảm nghèo; tăng cường đầu tư cho giáo dục, y tế, phúc lợi cho người dân. Cần thiết kế các chính sách đặc thù, vừa hỗ trợ, vừa thúc đẩy tinh thần tự lực vươn lên của người dân. Nhấn mạnh vai trò của giáo dục, nâng cao dân trí, Chủ tịch nước cho rằng Hà Giang cần thúc đẩy chính sách giáo dục, coi đây là chìa khóa tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển. Cần thay đổi cơ bản chất lượng giáo dục, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo có kiến thức, có tấm lòng; đưa giáo dục thành đầu tàu kéo KT – XH tăng tốc; giáo dục là mũi tên tiến công chủ lực để thay đổi Hà Giang, giúp người dân tiếp cận kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nâng cao năng lực tự học hỏi, phát huy hiệu quả tinh thần tự lực, tự cường.
Bên cạnh đó, tìm kiếm mô hình tăng trưởng kinh tế mới trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế riêng có, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, huy động các nguồn lực đầu tư. Phát huy vai trò, sự lan tỏa, hiệu quả của các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đầu tư cho các ngành có lợi thế, chủ lực, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, dược liệu gắn với chế biến sâu, tại chỗ để nâng cao giá trị gia tăng. Thực hiện hiệu quả việc phát triển toàn diện đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi; trong đó, quan tâm đến các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: Hà Giang cần phấn đấu “sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá”. Tăng cường tiềm lực QP – AN, khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện; tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh biên giới, an ninh phi truyền thống. Bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển KT – XH gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng mỗi dự án, chương trình phát triển kinh tế phải đánh giá nghiêm túc tác động môi trường, giữ rừng, trồng rừng, chương trình phát triển cây xanh. Bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc để làm lợi thế cạnh tranh trong phát triển du lịch…
Tại buổi lễ, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất, cho rằng: Kết quả đạt được những năm qua của Hà Giang thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong công cuộc xây dựng quê hương Hà Giang. Mong muốn và tin tưởng tỉnh nhà sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT – XH; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững QP – AN. Bí thư Tỉnh Đoàn Đỗ Thị Hương khẳng định, sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của quê hương Anh hùng; tuổi trẻ Hà Giang sẽ tiếp tục năng động, sáng tạo, xung kích, tình nguyện; thi đua thực hiện 8 lời căn dặn của Bác; triển khai các nhiệm vụ cụ thể gắn với phát triển KT – XH của địa phương, như: Cải tạo vườn tạp, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, chuyển đổi số, khởi nghiệp… để góp sức xây dựng Hà Giang ngày một phát triển.
Sau buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Hà Giang 130 năm hành trình cùng đất nước” với các tiết mục, hoạt cảnh được dàn dựng công phu, trình diễn dưới nhiều thể loại đa dạng, hình thức phong phú, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, tái hiện lại lịch sử 130 năm thành lập tỉnh, 30 năm tái lập tỉnh; những công lao to lớn của Bác Hồ và tình cảm của đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang với Bác sau 60 năm Người lên thăm.
Kim Tiến – Duy Tuấn