Nằm trong Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”, tối 16.4, tại Vườn hoa – Tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội đã diễn ra Lễ khai mạc “Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội” năm 2022. Chương trình này được tổ chức hằng năm nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển văn hóa du lịch giữa 6 tỉnh vùng Việt Bắc: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc (Ảnh Hy vọng)
Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình; lãnh đạo các tỉnh: Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của Hà Nội và các tỉnh Việt Bắc cùng đông đảo người dân, du khách.
Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022 diễn ra từ ngày 15 đến 17.4 tại nhiều khu vực thuộc không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Sự kiện bao gồm nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá sắc màu văn hóa đa dạng và độc đáo của các tỉnh Việt Bắc như: Không gian giới thiệu di sản văn hóa, sản vật đặc trưng tại khu vực Nhà Bát giác; giới thiệu mô hình điểm đến di sản tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại không gian vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng; trưng bày tranh, ảnh giới thiệu về văn hóa, du lịch các tỉnh Việt Bắc tại khu vực vườn hoa – tượng đài Lý Thái Tổ; triển lãm ảnh phong cảnh đặc sắc của các miền di sản Việt Bắc… Bên cạnh những sản phẩm văn hóa tiêu biểu, công chúng và du khách còn có cơ hội thưởng thức đặc sản, trải nghiệm nghệ thuật dân ca, dân vũ của đồng bào các tỉnh Việt Bắc…
Vùng Việt Bắc có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực và cả nước, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa lâu đời và bản sắc, nơi được biết tới là chiến khu cách mạng, gió ngàn hào hùng lịch sử.
Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp và sự nỗ lực của các địa phương, diện mạo kinh tế xã hội các tỉnh vùng Việt Bắc đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, lĩnh vực du lịch dịch vụ ngày càng phát triển và đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ là cầu nối quan trọng trong liên kết vùng, khu vực và quốc tế. Từ đó, xây dựng và định vị hình ảnh du lịch vùng Việt Bắc “thân thiện, bản sắc, hấp dẫn và an toàn”.
Thay mặt đơn vị trưởng Nhóm hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Sự kiện Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022 đang diễn ra là sự kiện đầu tiên do các tỉnh Việt Bắc phối hợp tổ chức tại thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước với sự tham gia đầy đủ của 6 tỉnh Việt Bắc, đặc biệt có sự tham gia, ủng hộ tích cực của thành phố Hà Nội. Chương trình có quy mô liên vùng với nội dung được chắt lọc, mang đậm âm hưởng núi rừng Việt Bắc và hồn sông núi ngàn năm Hà Nội với chuỗi hoạt động đa dạng, hấp dẫn như: trưng bày triển lãm giới thiệu sản phẩm du lịch, đặc sản địa phương, các mô hình thể hiện không gian văn hóa đặc trưng, điểm đến du lịch tiêu biểu và các chương trình nghệ thuật đặc sắc”.
Tuần Văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022 cũng mang hình ảnh núi rừng, con người Việt Bắc đến gần hơn với đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước. Đồng thời thể hiện quyết tâm của các tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030 tầm nhìn 2045 và cũng là sự liên kết phát triển bền vững của vùng Việt Bắc trong phát triển tổng thể chung của đất nước.
Đây còn là lời mời chào tha thiết du khách đến với Việt Bắc qua các con đường di sản, địa danh nổi tiếng như: Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, du lịch biên mậu Lạng Sơn; Khu di tích quốc gia Pác Bó, Thác Bản Giốc, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng; Hồ Ba Bể Bắc Kạn; Hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa Thái Nguyên; Di tích lịch sử đặc biệt Tân Trào, suối khoáng Mỹ Lâm Tuyên Quang; Cao nguyên đá Đồng Văn, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang…và đặc biệt là bản sắc văn hóa đa dạng, tâm hồn nồng hậu, hiếu khách, nghĩa tình của đồng bào nhân dân các dân tộc vùng cao Việt Bắc.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Chương trình Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Tây Bắc và Hà Nội, cùng chuỗi sự kiện thuộc Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” được khai mạc vào thời điểm quan trọng, khi cả nước đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, trong đó có phục hồi Du lịch. Bộ VHTTDL đánh giá cao hành động quyết liệt, khẩn trương của 6 tỉnh Việt Bắc với một tâm thế quyết tâm, một tầm nhìn mới trong việc phát triển du lịch bài bản, bền vững. Đây cũng là một hoạt động thiết thực triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW, từng bước khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác liên kết vùng để phát triển du lịch của các tỉnh Việt Bắc”.
Theo Bộ trưởng, Hà Nội là trung tâm văn hóa chính trị, điểm đến du lịch, điểm trung chuyển khách du lịch quốc tế hàng đầu cả nước. Sự liên kết giữa 6 tỉnh Việt Bắc với Hà Nội sẽ tạo nên thế mạnh tổng thể phát triển du lịch cả vùng. Sự phục hồi của du lịch 6 địa phương và Hà Nội đồng thời tác động lan tỏa, thúc đẩy du lịch của các địa phương lân cận cũng như các liên minh, liên kết vùng khác phát triển.
“Để đạt được mục tiêu phục hồi, phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đề nghị các tỉnh Việt Bắc chú trọng thực hiện các từ khóa của du lịch Việt Nam năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “kết nối” “hòa bình” “xanh hóa” “số hóa” và tiếp tục triển khai một số nội dung quan trọng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong đó, cần phải hoàn thiện cơ chế liên kết vùng để phát triển du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thực chất và hiệu quả, tập trung vào 4 nhiệm vụ: Từng bước hoàn thiện các tuyến giao thông kết nối điểm đến du lịch để thuận tiện cho việc hình thành, phát triển tour tuyến.
Tập trung nghiên cứu, tìm ra lợi thế riêng, một sản phẩm đặc sắc riêng của mỗi địa phương Việt Bắc trên cơ sở lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên, giá trị sinh thái – nhân văn đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với xu hướng du lịch sau đại dịch và xác định đây là nền tảng để phát huy thế mạnh của liên kết vùng. Cùng hoạch định, xây dựng các chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Bắc tại các sự kiện, hội chợ chuyên ngành trong nước và quốc tế; tổ chức các sự kiện, diễn đàn phát triển du lịch Việt Bắc gắn với thu hút thị trường khách từ các địa phương trọng điểm du lịch của Việt Nam. Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh tập trung xây dựng môi trường du lịch “xanh” đúng như chủ đề Năm du lịch quốc gia 2022, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái. Kiểm tra, rà soát các điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ nhằm đảm bảo chất lượng, đáp ứng việc mở cửa lại hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam – điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Tại Lễ khai mạc đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Sắc màu Việt Bắc” do Đoàn nghệ thuật các tỉnh Việt Bắc thực hiện. Sau Lễ khai mạc, các đại biểu và người dân, du khách đã tham quan không gian văn hóa của 6 tỉnh Việt Bắc, giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ đang tham gia chương trình, tìm hiểu các sản phẩm OCOP và thưởng thức đặc sản địa phương.
Một số hình ảnh về gian hàng các tỉnh Việt Bắc:
Nguồn Báo Văn Hóa