Hà Giang được biết đến với nhiều đặc sản, món ăn nổi tiếng như: Mèn mén, Thắng cố, bánh Chưng gù, chè Shan tuyết… Trong đó có nhiều món ăn lọt Top, được du khách săn đón và Tik Tok review bởi sự hiếu kỳ và độ ngon, nổi bật đó là món bánh Đá.
Tên gọi “bánh đá” được cho là bắt nguồn từ tạo hình của bánh và trạng thái cứng như đá của món bánh này khi chưa được dùng chế biến món ăn
.
Cách chế biến bánh đá
Bánh đá truyền thống sẽ được làm bằng lúa nếp nương hoặc loại gạo tẻ thơm ngay sau khi thu hoạch. Cách chế biến những khối bánh đá cũng rất kì công.
Theo đó, gạo tẻ sẽ phải đem ngâm nước trong 4 – 6 tiếng cho nở, rồi vớt ra để ráo, sau đó mới mang đi xay cho thành bột mịn. Để bánh đá có nhiều màu sắc thì người dân sẽ sử dụng các nguyên liệu tạo màu tự nhiên như lá cẩm tím, hoa đậu biếc, quả gấc,… để lấy nước màu và trộn đều cùng với bột gạo.
Tiếp đến, bột gạo này sẽ được mang đi hấp chín cho nở mềm thì múc ra, dùng tay nhào nặn ngay khi bột còn nóng cho đến khi khối bột trở nên dẻo đặc rồi mới tạo hình thành khối bánh đá hình trụ có độ dài khoảng 15 – 20cm.
Bánh đá sẽ được để nguội tự nhiên rồi được người dân thái thành các khoanh tròn hoặc thái sợi dài.
Cách bảo quản bánh đá
Ngày xưa, khi chưa có tủ lạnh thì người đồng bào sẽ bảo quản bánh đá bằng cách phơi nguyên khối bánh hình trụ cho khô se mặt rồi để ở dưới khe suối đá, khi ăn thì sẽ ra suối vớt lên.
Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của người mua từ khắp miền tổ quốc thì nhiều hộ gia đình ở Hà Giang đã chế biến bánh đá, sau đó đóng túi, hút chân không nên thời gian bảo quản bánh đá cũng sẽ được lâu hơn và bánh vẫn giữ được chất lượng khi gửi đến tay người mua.
Khi mua bánh đá đã được hút chân không về thì bạn nên bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh để bánh giữ được chất lượng và không bị mốc nhé.
Gợi ý các cách chế biến món ăn với bánh đá
Bánh đá Hà Giang có thể được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau như nướng trên bếp lửa, đem chiên hay đem nấu chè,…
Bánh đá chiên
Nếu bạn đã từng thưởng thức qua món bánh gạo chiên Nhật Bản và yêu thích hương vị dẻo thơm ấy thì hãy thử làm món bánh đá chiên nhé. Bạn chỉ cần chiên bánh đá trong chảo sâu chiên ngập dầu, nướng trên bếp than hay nướng bằng nồi chiên không dầu cho vàng giòn bề mặt là được.
Khi ăn, bạn có thể chấm bánh với sữa đặc, mật ong, tương ớt hay ăn không đều ngon. Bánh đá chiên sẽ có lớp vỏ giòn tan, bên trong bánh sẽ dẻo mịn, có vị bùi bùi, thơm nhẹ của gạo nếp rất ngon.
Bánh đá nấu thắng dền
Thắng dền là một món chè của người đồng bào và có cách nấu tương tự như chè trôi nước hay bánh trôi của người miền xuôi. Nếu bạn muốn thử nấu món ăn mới lạ này thì hãy nấu cùng với bánh đá nhé.
Bạn có thể cắt bánh đá thành các viên nhỏ hoặc để nguyên sợi rồi đem đi luộc cho mềm, sau đó cho ra chén, chan thêm nước đường thắng cùng với vài lát gừng, rắc thêm ít đậu phộng (lạc rang) là đã xong món thắng dền từ bánh đá rồi.
Bánh đá nấu bánh canh
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng bánh đá thay cho sợi bánh canh để ăn cùng món nước cũng rất ngon. Bánh đá sợi sẽ có độ dẻo thơm, dai ngon đặc trưng, từ đó làm cho món bánh canh quen thuộc thêm phần lạ miệng và cuốn hút.
Nấu tokbokki bằng bánh đá
Vì tokbokki và bánh đá đều được làm từ bột gạo hay bột nếp nên bạn cũng có thể biến tấu thay tokbokki bằng bánh đá. Đây chắc hẳn sẽ là một sự biến tấu mang đến cho bạn một món tokbokki có hương vị mới lạ bất ngờ đấy. Hãy thử ngay nhé.
Thu Hiền