Ở Hà Giang dân tộc Mông là một trong những dân tộc có số dân đông nhất chiếm 34,2%. Những năm qua, cùng với những chính sách, nỗ lực bảo tồn nét đẹp giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2015 nghệ thuật Khèn của người Mông tỉnh Hà Giang đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống của cộng đồng dân tộc Mông Hà Giang.
Trong cuộc sống cây Khèn là nét văn hóa giàu bản sắc của cộng đồng người Mông, thể hiện tình cảm, tính cách mạnh mẽ, phóng khoáng và chan hòa với thiên nhiên, là phương thức truyền tải tâm tư, gắn bó với người Mông qua bao vui buồn yêu thương, hiện diện trong những nghi thức vòng đời quan trọng trong thế giới tâm linh, hay các lễ hội…
Theo truyền thuyết, cây khèn được sáng tạo ra từ tình cảm sâu lắng của sáu anh em người Mông khi mất đi bố mẹ trong một trận lũ lụt. Từ sự đau lòng ấy, họ đã sáng tạo ra cây Khèn để thay thế tiếng khóc và từ đó cây khèn trở thành biểu tượng của sự gắn kết gia đình và lòng can đảm vượt qua khó khăn của cộng đồng người Mông. Qua thời gian, Khèn Mông đã được các nghệ nhân hoàn thiện với âm sắc phong phú, mỗi ống trúc của khèn đều có khoét lỗ và gắn lá đồng tạo âm thanh riêng.
Cây Khèn không chỉ là nhạc cụ mà còn là phương tiện truyền tải tâm tư, hiện diện trong các nghi thức quan trọng trong đời sống văn hoá, tâm linh, các sự kiện lớn của cộng đồng dân tộc mông, khi những người nghệ nhân thổi và trình diễn khèn là sự tổng hòa giữa âm thanh và động tác múa, thể hiện bản sắc văn hóa, tính cách mạnh mẽ, phóng khoáng của người Mông, chính vì vậy việc diễn tấu Khèn được xem là nghệ thuật đặc sắc, yêu cầu người chơi không chỉ biết thổi mà còn biết múa kết hợp với những động tác phức tạp, sinh động, những người biết diễn tấu Khèn thường có sức khỏe tốt và kỹ năng điêu luyện. Hiện nay, nghệ thuật trình diễn Khèn mông đã trở thành điểm nhấn là sản phẩm trong du lịch văn hóa thu hút nhiều khách khám phá văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông khi đến với Hà Giang thông qua các lễ hội như: Gầu tào, thi thổi Khèn mông đã được phục dựng lại và các địa phương tổ chức diễn ra hàng năm để thu hút khách du lịch.
Sau khi, nghệ thuật Khèn của người Mông tỉnh Hà Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, qua đó đã góp phần vinh danh di sản của địa phương cũng như thúc đẩy phát triển du lịch nơi cực Bắc địa đầu của Tổ quốc.
Hoàng Tính (Trung tâm Văn hoá – Điện ảnh)
Liên hệ đặt tour và đặt vé:
Trung tâm TTXTDL Hà Giang
Số 200 Trần Phú, TP Hà Giang
Hotline: 1900561276