Vào những năm 2004, vấn đề bảo tồn thiên nhiên vì sự phát triển bền vững được đặt ra và trở thành vấn đề quan tâm của các nhà nghiên cứu, các quốc gia. Tổ chức UNESCO đã đứng ra bảo trợ cho sự ra đời của các Công viên địa chất toàn cầu. Đến năm 2015 UNESCO đã chính thức thông qua việc thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, với tư cách là các khu vực địa lý thống nhất, được quản lý trên các chiến lược phát triển chung và vì con người. Các chiến lược này dựa trên việc bảo vệ và phát huy các di sản tự nhiên, di sản văn hóa theo một cách tiếp cận tổng thể, thông qua tính sẵn có và sử dụng cho giáo dục, khoa học và phát triển kinh tế xã hội, trong đó kính tế du lịch địa chất đóng vai trò quan trọng.
Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu dưới sự bảo trợ của UNESCO vào năm 2010. Đến nay, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua 2 kỳ tái đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, mở ra hướng phát triển bền vững dựa trên các giá trị bản sắc văn hóa, sự kỳ vĩ của cảnh quan thiên nhiên, các di sản độc đáo về địa chất… đóng góp quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế – xã hội vùng cao nguyên đá, đặc biệt là kinh tế du lịch tạo sinh kế cho người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên chính quê hương của mình. Về định hướng phát triển, Hà Giang quyết tâm giữ vững danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Phát triển công viên theo hướng phát triển bền vững, bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, cơ cấu lại ngành kinh tế du lịch, nông lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh và ổn định chính trị vùng biên giới phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành một khu du lịch đặc biệt, đại diện cho tỉnh Hà Giang với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, Hà Giang xác định các nhiệm vụ như: tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, du lịch, vệ sinh môi trường. Tiếp tục triển khai công tác giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng vềgiá trị của Công viên địa chất để cùng tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và giữ gìn các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, di sản địa chất, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch, xây dựng con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, khơi dậy lòng tự hàodân tộc, tình yêu quê hương đất nước góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyềnbiên giới quốc gia. Cơ cấu lại các ngành kinh tế du lịch, nông lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng để phát triển kinh tế – xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn lao động tại chỗ tạo sinh kế cho người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên quê hương của mình. Mở rộng hợp tác quốc tế, liên doanh liên kết trong phát triển, thu hútcác nhà đầu tư tiềm năng thực hiện các dự án phát triển phù hợp với các quyđịnh của pháp luật và các quy hoạch phát triển vùng đã được cấp có thẩmquyền phê duyệt.
Theo ông Artur Abreu Sá, thành viên của Mạng lưới Châu Âu và chuyên gia đánh giá cấp cao cho các Công viên Địa chất Thế giới của UNESCO, người đã tham gia tái đánh giá CVĐC toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn năm 2022 chia sẻ: Với vai trò sứ mệnh của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, các công viên cần có nhiều hành động để thực hiện các nguyên tắc chung vì sự phát triển bền vững. Chú trọng công tác giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa. Tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, chia sẻ các giá trị di sản để khẳng định giá trị Công viên. Biến các giá trị di sản thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội vì sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Nguyễn Hoài – Sở Văn hóa, TT&DL