Trước khi được xây dựng, từ năm 1959 trở về trước, khu vực Kỳ Đài là sân vận động, nơi tập trung của nhân dân các dân tộc trong tỉnh vào những dịp lễ, tết để tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể thao. Đây còn là nơi diễn ra các cuộc mít tinh ủng hộ kháng chiến và tiễn con em các dân tộc trong tỉnh lên đường nhập ngũ. Năm 1959, Kỳ Đài được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Kỳ Đài có tổng diện tích 113m2 với chiều cao 7,5m, nền cao hơn mặt bằng sân 1,4m. Cấu trúc Kỳ Đài gồm 3 phần: khán đài chính, cánh gà phải và cách gà trái. Khán đài chính có diện tích lớn nhất với 73m2, nằm ở phần chính giữa cao nhất; thiết kế theo hình vòm, cao 3,8m, bên trong ốp trần, nền lát gỗ, cửa kéo ra vào inox. Hai bên khán đài chính là hai gian cánh gà được xây đối xứng, mỗi gian dài 5m, rộng 2,5m và đều có cửa thông ra phía sau; hai cửa hai bên cánh gà thông vào khán đài chính cũng có hình vòm, cao 2m, rộng 0,75m. Nối kết giữa khán đài đài chính với khu vực sân gồm 5 bậc thềm được xây bằng gạch và lát xi măng.
Hiện nay, bên trong di tích Kỳ Đài còn lưu giữ, trưng bày nhiều hình ảnh lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Hà Giang năm 1961 như: hình ảnh Bác Hồ nói chuyện với hơn 16.800 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Hà Giang; hình ảnh Tám lời căn dặn của Người và một số hình ảnh khác về Bác Hồ với đồng bào Hà Giang.
Ngày 27.3.1961, tại Kỳ Đài đã diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng: toàn thể cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Tại đây, Bác Hồ đã nói chuyện, hỏi thăm, khen ngợi, biểu dương những thành tích trong chiến đấu, lao động sản xuất và căn dặn cán bộ chiến sĩ và nhân dân Hà Giang 8 điều để đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất đất nước.
Ngày 30.3.2001, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang khởi công xây dựng Quảng trường lấy tên Quảng trường 26.3 và cụm tượng đài trước cửa Kỳ Đài. Quảng trường bao gồm toàn bộ phần sân vận động trước đây. Chính giữa quảng trường (cũng là chính giữa Kỳ Đài) đặt cụm tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang“, do nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường sáng tác, công ty Mĩ thuật Trung ương thi công bằng chất liệu đá quý được lấy từ Thanh Hóa. Công trình cao 11m70, gồm cả bệ, được thiết kế từ 200 khối đá, nặng 600 tấn. Tượng gồm 7 nhân vật, trong đó hình tượng Bác Hồ đứng giữa ở bục cao nhất, sát gần Bác là hai em bé dân tộc Mông và Nùng; thấp hơn một chút là thiếu nữ dân tộc Kinh và Dao; phía sau là hình tượng người chiến sĩ biên phòng và anh cán bộ người Tày với ánh mắt rạng rỡ. Bố cục nhóm tượng hoà quyện nhau, sống động, mang lại cho người xem cảm giác về không gian hùng vĩ của núi rừng và sự gần gũi giữa Bác Hồ với con người Hà Giang.
Tháng 9.2005, tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Hà Giang” được khánh thành, công trình được đặt trang trọng tại vị trí trung tâm Quảng trường 26.3 (phía trước di tích Kỳ Đài), với một không gian rộng lớn và hoành tráng, nhằm ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ghi dấu những kỉ niệm cùng những lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Hà Giang.
Di tích Kỳ Đài cùng với Quảng Trường 26.3 không chỉ là nơi vui chơi, sinh hoạt chính trị, văn hóa của cộng đồng; nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ con em các dân tộc trong tỉnh, mà còn là điểm du lịch trong hành trình khám phá Hà Giang.
Năm 1993, Kỳ Đài được Bộ Văn hoá Thông tin ( Nay là Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
BBT