fbpx
Tin tức

Điệu hát giao duyên của người Dao trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Những làn điệu giao duyên, đối đáp thường được nam, nữ người Dao áo dài thể hiện trong các dịp như Lễ Cấp sắc, Lễ Cúng rừng và đặc biệt là vào ngày Rằm tháng 7 và Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Ngày nay, cùng sự phát triển của xã hội, nhiều nét văn hóa truyền thống đã mai một nhưng ở một số địa phương, người Dao áo dài vẫn giữ được truyền thống hát giao duyên, đối đáp trong những sự kiện quan trọng của cộng đồng. Tại các xã Phương Độ, Phương Thiện, (thành phố Hà Giang), Thượng Sơn, Cao Bồ (Vị Xuyên), nơi người dân tộc Dao áo dài sinh sống lâu đời, nét đẹp văn hóa này vẫn được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Phụ nữ dân tộc Dao áo dài thôn Nà Thác, xã Phương Độ.
Phụ nữ dân tộc Dao áo dài thôn Nà Thác, xã Phương Độ.

Vào ngày nông nhàn, khi công việc cày cấy, chăm sóc chè, Thảo quả đã xong, trai gái người Dao áo dài thường tụ tập về một địa điểm đẹp trong làng để cùng nhau cất lời ca, câu hát trao đổi tâm tình. Xã Cao Bồ nơi người dân tộc Dao áo dài sinh sống lâu đời, nét đẹp văn hóa này vẫn còn được lưu giữ khá nguyên bản và được các thế hệ thực hiện niềm say mê văn hóa của dân tộc mình. Các thôn Tham Vè, Lùng Tao vào ngày Rằm tháng 7 hàng năm vẫn diễn ra những buổi hát giao duyên, đối đáp mang đậm bản sắc dân tộc. Từ thanh niên đến người cao tuổi đều có thể tham gia hát giao duyên, đối đáp. Những ngày này, họ mặc những bộ trang phục đẹp nhất với khăn đội đầu sắc đỏ, vòng kiềng bạc lấp lánh. Tất cả cùng nhau kéo về một khoảng đất trống giữa làng rồi từng tốp nam, nữ từ 3 – 5 người tách ra hát đối đáp tâm tình với nhau, những câu hát hỏi thăm và đôi khi dí dỏm, trêu đùa được biến tấu theo một giọng điệu cổ truyền. Giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh, tiếng hát tươi vui cứ thế vang lên, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi cuộc sống và tình cảm gái trai được bày tỏ ở đây. Hát giao duyên, đối đáp là phương tiện để các chàng trai, cô gái người Dao thể hiện tình cảm, làm quen và tìm hiểu nhau. Từ những màn hát đối đáp này, sự e ngại, ngượng ngùng được xóa bỏ, không ít đôi đã bén duyên với nhau trở thành vợ chồng về sống dưới một mái nhà đến đầu bạc răng long. Hát giao duyên có nội dung hết sức phong phú, có đầy đủ những cung bậc cảm xúc của tình yêu, vừa có sự kín đáo e thẹn, duyên dáng, vừa có những mê đắm, vừa có sự dí dỏm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc miền núi.

Anh Lý Văn Thăn, thôn Nà Thác, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang cho biết: Hát giao duyên ngày xưa cần phải học qua chữ nôm nên khó lưu truyền bằng văn bản, nhưng qua hình thức học truyền miệng nhiều thế hệ người Dao vẫn giữ được nét văn hóa này. Cuộc hát có khi kéo dài cả ngày, từ ngoài thiên nhiên đến khi vào mâm cơm, bếp lửa trong nhà. Lời hát lúc ở ngoài thiên nhiên với giọng hò đệm ngân dài, da diết trầm bổng nghe vừa say đắm vừa chạm vào lòng người, sau đó là lời tâm tình, nhẹ nhàng gần như chỉ nhẩm trong miệng với nhau.

Ngày nay, hát giao duyên được truyền lại cho thế hệ sau ở những buổi lễ lớn của bản làng, những thiếu nữ ngồi tụ lại với nhau để cùng học những bài hát, cứ thế nét đẹp văn hóa của dân tộc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những câu hát mang nội dung gần gũi, dễ hiểu góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của bà con, đồng thời tạo nên bức tranh đậm đà bản sắc của dân tộc Dao. Vẻ đẹp của hát giao duyên, đối đáp dân tộc Dao áo dài chính là ý nghĩa nhân văn dạy con cháu biết cội nguồn dân tộc, rèn ý thức tu dưỡng bản thân để trở nên tốt đẹp hơn trong cộng đồng; từ đó, phát huy những truyền thống của dân tộc

BHG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *