fbpx
Tin tức, Kích cầu Du Lịch

Độc đáo Lễ cúng Bàn Vương của người Dao xã Hồ Thầu

Tất cả các ngành Dao nói chung và người Dao xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì nói riêng đều có tục thờ Bàn Vương. Trong tiềm thức của người Dao đặc biệt là trong các bài cúng tế được ghi chép trong bộ sách cổ của nghệ nhân Triệu Chòi Hín, xã Hồ Thầu hiện đang lưu giữ thì Bàn Vương chính là Bàn Hồ – vị sư tổ của các ngành Dao. Do có công đánh đuổi giặc Cao Vương nên được vua Bình Vương gả con gái là Tam Công chúa, họ sinh hạ được 12 người con gồm 6 trai và 6 gái. Sau đó vua Bình Vương phong Vương cho Bàn Hồ, lấy hiệu là Bàn Vương và ban sắc cho 12 người con của Bàn Vương được mang 12 họ, trong đó họ Bàn được coi như họ đứng đầu. Từ đó tộc người Dao sống hòa thuận, cùng nhau canh tác ruộng nương, săn bắn và khai thác sản vật, phát triển hưng thịnh qua nhiều thế hệ.

Nghi lễ cúng Bàn Vương của người Dao xã Hồ Thầu.
Nghi lễ cúng Bàn Vương của người Dao xã Hồ Thầu.

Sau nhiều năm phát triển, vào năm Hồng Vũ thứ 40 (tức năm 1368), hạn hán xảy ra liên tục trong ba năm khiến các con cháu 12 họ người Dao rơi vào cảnh thiếu đói, các tộc họ người Dao phải thiên di tìm nơi sinh sống, 12 họ rủ nhau vượt biển xuôi về phía Nam bằng thuyền. Với sự che chở của sư tổ Bàn Vương, 12 tộc họ Dao đã đến được đất liền và chia nhau lên rừng tìm nơi canh tác. Trong đó có một số nhóm đã đến định cư ở vùng núi tại các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái thuộc phía Bắc nước ta. Để lưu truyền cho đời sau, các tộc họ người Dao đã viết sách Quá Sơn Bảng Văn kể lại quá trình thiên di vượt biển, trong đó có một cuốn hiện còn lưu giữ tại gia đình nghệ nhân Triệu Chòi Hín. Đồng thời, các dòng họ Dao đã tổ chức làm lễ trả ơn Bàn Vương hay còn gọi là lễ trả nguyện, lễ này được tổ chức cùng với lễ cúng vào ngày mất của Bàn Vương. Mặt khác, trong trường hợp xảy ra mất mùa, thiên tai bệnh dịch mà ảnh hưởng đến cả cộng đồng thì các gia đình thông qua các thầy cúng hoặc các già làng, trưởng bản để bàn bạc và thống nhất tổ chức nghi lễ này.

Hiện nay cách thức tổ chức lễ cúng Bàn Vương của người Dao xã Hồ Thầu phổ biến ở 2 kiểu. Thứ nhất là làm lễ lớn còn gọi là Tồm Đàng do nhiều hộ gia đình người Dao trong xã hoặc trong thôn cùng đứng ra tổ chức như một lễ hội. Thời gian tổ chức thường kéo dài tới vài ngày gồm cả lễ và hội. Trước hết họ lập đàn cúng tế ở một gia đình trưởng họ hoặc một gia đình có uy tín trong số những hộ tham gia. Trên đàn tế có trang trí giấy nhiều màu và nhất thiết phải có bộ tranh Hành Phây là bộ tranh thờ của dân tộc Dao trong đó có nhân vật Bàn Vương, lễ vật là những sản vật được họ nuôi trồng canh tác như lợn, gà, trâu bò, thóc lúa.

Ở phần nghi lễ, một thầy cúng cao tay nhất còn gọi là Sài Ông tiến hành nghi lễ cúng tế tạ ơn Bàn Vương đã phù hộ cho người Dao luôn được bình yên, không bị giặc dã, bệnh dịch, ma quỷ hoành hành và làm ăn phát triển. Sau đó những người phụ lễ là các thầy cúng nhỏ và các nam, nữ đồng trinh dâng hương, hoa và lễ vật cho Bàn Vương. Sau đó toàn bộ dân làng cùng tổ chức điệu múa cổ bắt rùa, hát các bài hát dân gian về Bàn Vương, nội dung ca tụng công đức của Bàn Vương cùng các trò chơi dân gian như tắm lửa, vật chày, thi tài sử dụng nhạc cụ. Cuối cùng, họ cùng nhau tổ chức ăn uống đến đêm.

Kiểu cúng tế thứ hai là Đàng Ton, nghĩa là nghi lễ nhỏ được tổ chức trong quy mô dòng họ hoặc gia đình. Trong trường hợp một gia đình liên tục gặp ốm đau, mất mùa thì họ tổ chức cúng tế Bàn Vương. Vì vậy, hình thức cúng này gần giống với lễ giải hạn. Mặt khác, nếu một gia đình nào đó có con lợn nái chỉ sinh ra được một con lợn đực hoặc có những dấu vết, khoang khoáy dị thường thì họ cho rằng con lợn đó là lợn thần của Bàn Vương nên sẽ dành một chế độ nuôi dưỡng chăm sóc đặc biệt để đợi ngày lành tháng tốt – thường là vào cuối năm thì gia đình sẽ tổ chức nghi thức này để mổ dâng cúng Bàn Vương. Vì là nghi lễ nhỏ nên thời gian diễn ra cũng ngắn hơn và số người tham gia cũng ít hơn, chủ yếu là anh em họ mạc trong gia đình.

Có thể nói, Lễ cúng Bàn Vương là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người Dao xã Hồ Thầu. Với quan niệm và cách thức tổ chức nghi lễ hết sức độc đáo, nó hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội Tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng đầy sức mạnh bảo vệ cho họ trong cuộc sống. Đồng thời, nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản tạo nên sức mạnh để tồn tại và phát triển. Ghi nhận những giá trị của lễ thức, lễ cúng Bàn Vương của người Dao xã Hồ Thầu được đưa vào danh mục Văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 779/QĐ- QĐ-BVHTTDL ngày 4.4.2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bài, ảnh: Trần Trí Nhân (Hoàng Su Phì)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *