“Du lịch Hà Giang nói không với rác thải” không chỉ là khẩu hiệu hành động, mà còn là quyết tâm của Hà Giang trong hành trình phát triển bền vững.
Chuyện của Đồng Văn…
Huyện Đồng Văn là điểm đến nổi tiếng trong hành trình du lịch Hà Giang. Đây còn là vùng cốt lõi của Công viên Địa chất toàn cầu nổi tiếng. Xuân – Hạ – Thu – Đông, mỗi mùa Đồng Văn lại có vẻ đẹp riêng, nên hàng năm, nơi đây thu hút lượng một lượng lớn khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm. Cùng với sự xuất hiện của du khách, lượng rác thải sinh hoạt (trong đó có rất nhiều rác thải nhựa) từ các nhà hàng, khách sạn, khu tập trung đông khách du lịch… đã và đang tạo sức ép không nhỏ lên môi trường sinh thái ở Đồng Văn nói riêng và Hà Giang nói chung.
Ngay từ năm 2017, trung bình mỗi ngày thị trấn Đồng Văn phải xử lý từ 2 – 3,5 tấn rác thải sinh hoạt. Vào những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày lễ có thể lên trên 4 tấn – chủ yếu là rác thải từ các nhà hàng, khách sạn, điểm đến phục vụ du lịch.
Với mục tiêu đảm bảo cân bằng giữa phát triển du lịch và giữ gìn, bảo vệ môi trường, những năm qua, việc nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường được huyện Đồng Văn rất quan tâm. Cụ thể, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Văn đã chủ động phối hợp cùng các phòng, ban tổ chức tuyên truyền cho nhân dân vào các ngày lễ lớn, tại các phiên chợ; yêu cầu các nhà hàng, khách sạn cùng thực hiện cam kết giữ gìn vệ sinh chung, trực tiếp chịu trách nhiệm khu vực mình quản lý; kiên quyết xử phạt đối với các đối tượng vi phạm…
Triển khai hỗ trợ xây dựng lò đốt rác mi-ni tại các xã; thành lập đội thu gom rác thường xuyên, đảm bảo các tuyến đường luôn sạch… Nhờ đó, đông đảo người dân ở các khu, điểm du lịch thuộc huyện Đồng Văn đã có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, thu gom rác đúng nơi quy định….
Để có một Hà Giang, không chỉ đẹp bởi thiên nhiên…
Không riêng Đồng Văn, vấn đề gìn giữ, bảo vệ môi trường tại các huyện Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh… cũng được các địa phương này quan tâm hơn trong những năm gần đây. Nhất là khi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang có chính sách, quy chế về bảo vệ môi trường du lịch gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Hà Giang, góp phần đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Tuy nhiên, thực tế, với 79 điểm du lịch đang khai thác, 57 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (28 di tích Quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh), 831 cơ sở lưu trú, 287 nhà hàng đang phục vụ du khách, trong khi kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế; nên không ngạc nhiên khi các công trình vệ sinh công cộng tại các khu, điểm du lịch ở Hà Giang còn thiếu và chưa đạt tiêu chuẩn.
Tại nhiều điểm tham quan, ý thức của một số cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch về bảo vệ môi trường chưa cao. Du khách và những người bán hàng vẫn thản nhiên vứt rác ra bất kỳ đâu có thể. Những du khách có ý thức thì kiếm mỏi mắt không thấy một thùng chứa rác để bỏ rác…
Người viết bài cũng đã tận mắt chứng kiến hiện tượng vứt rác bừa bãi trên đường đi xuống bến thuyền thăm quan hẻm Tu Sản (thuộc huyện Mèo Vạc). Mặc dù đoạn dốc chỉ dài mấy trăm mét nhưng rác xuất hiện ở khắp nơi; từ chai nước, vỏ bim bim, khăn giấy, vỏ hộp sữa đến vô số các bao nilon đủ màu sắc… Rác bay tứ tung, bám cả vào những gốc ngô, ruộng tam giác mạch, như muốn phá vỡ vẻ đẹp nên thơ, hùng vĩ, trữ tình của thiên nhiên tươi đẹp.
Để du lịch phát triển bền vững; để Cao nguyên đá Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, Dinh thự họ Vương, Con đường Hạnh phúc…thực sự là điểm đến đáng để đi, để chiêm ngưỡng trong hành trình du lịch của du khách; việc tạo dựng môi trường du lịch xanh – sạch – đẹp, an toàn, thân thiện đang tiếp tục được Hà Giang xác định là một trong những yếu tố có tính quyết định, cần được thực hiện bằng nhiều hành động cụ thể.
Theo đó, ngày 5/6/2022, tại chân cột cờ Quốc gia Lũng Cú, UBND huyện Đồng Văn đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ phát động hưởng ứng ngày môi trường thế giới với khẩu hiệu hành động “Du lịch Hà Giang nói không với rác thải”.
Thông điệp gửi đến mỗi người dân, doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch Hà Giang, đó là nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng túi nylon, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần, đảm bảo tiêu chí xanh, sạch ở tất cả các điểm, cơ sở kinh doanh du lịch.
Sau lễ phát động, các đại biểu, nhân dân cùng du khách đã tham gia nhặt và thu gom rác tại các điểm Cực Bắc, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, tuyến đường từ UBND xã Lũng Cú lên Cột Cờ…
Sự kết hợp giữa màu áo xanh của thanh niên tình nguyện, sắc màu rực rỡ của váy áo đồng bào Lô Lô, cùng tinh thần hưởng ứng của đông đảo du khách… đã nhanh chóng khiến những con đường sáng đẹp hơn; thôn bản phong quang, sạch sẽ hơn.
Từ những bước khởi đầu thiết thực và ý nghĩa này, hi vọng tinh thần bảo vệ môi trường sẽ được lan toả tới người dân, du khách ngày một nhiều hơn, để Hà Giang không chỉ khiến du khách ấn tượng bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, bản sắc văn hoá dân tộc đa dạng, mà còn bởi ý thức giữ gìn môi trường, cảnh quan của đồng bào dân tộc tại địa phương nơi địa đầu Tổ quốc.
Nguồn Báo Công Thương