Hà Giang là địa phương có địa hình rất phức tạp và hiểm trở. Phía Tây Bắc nằm trên cơ nguyên Bắc Hà có độ cao trung bình từ 1.200 đến 1.600 mét, điểm cao nhất là đỉnh Tây Côn Lĩnh với 2.431 mét. Phía Bắc của tỉnh là Cao nguyên đá Đồng Văn, độ cao trung bình 1.600 mét, có đỉnh Puthaca cao 2.275 mét. Hệ thống sông suối của tỉnh cũng được thiên nhiên ban tặng đa dạng bao gồm các sông lớn như: Sông Lô, sông Chảy, sông Gâm, sông Miện, sông Nho Quế cùng với nhiếu suối to, nhỏ nằm xem giữa núi rừng nên thường có nhiều ghềnh thác… Với đặc điểm địa hình, sông suối đó đã tạo cho Hà Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm. Trong những năm qua, nắm bắt xu thế thị trường khách và tiềm năng sẵn có Hà Giang đã phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm du lịch mạo hiểm tiến hành khảo sát xây dựng một số sản phẩm như: Marathon quốc tế chạy trên cung đường Hạnh Phúc (Đồng Văn, Mèo Vạc); trình diễn thi đấu xe mô tô, ô tô, xe đạp địa hình đồi dốc và lòng suối tại huyện Yên Minh, huyện Hoàng Su Phì; chèo thuyền Kayak, thuyền ván đứng (SUP) vượt suối thác tại sông Nho Quế (Mèo Vạc), sông Miện (khu vực Tráng Kìm huyện Quản Bạ) và khu vực làng hồ thủy điện Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên), bay dù trên mùa vàng, mùa hoa Tam giác mạch tại huyện Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Đồng Văn, các loại hình thể thao leo núi mạo hiểm, khám phá, thám hiểm hang động, khu bảo tồn, rừng nguyên sinh…vv. Một số sản phẩm du lịch mạo hiểm đã và đang được duy trì tổ chức thường niên và thu hút sự quan tâm của du khách như: giải Marathon quốc tế chạy trên cung đường Hạnh Phúc; dù lượn bay trên mùa vàng, chèo thuyền trên dòng Nho quế; trình diễn thi đấu xe mô tô, ô tô, xe đạp địa hình… góp phần làm đa dạng và hấp dẫn hơn ngân hàng sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang. Hàng năm các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm góp phần thu hút lượng khách du lịch tương đối lớn, đặc biệt là dòng khách có khả năng chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài, nhu cầu mua sắm lớn, có sức ảnh hưởng lan tỏa cao mở ra nhiều cơ hội về phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với đặc thù của loại hình sản phẩm du lịch mạo hiểm, nhu cầu về nguồn lực đầu tư lớn, đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, phù hợp với đối tượng khách nhất định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về độ an toàn cao… đặt ra cho Hà Giang nhiều bài toán cần giải quyết.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch theo hướng bền vững dựa trên giá trị bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên sẵn có của địa phương để phát triển đồng bộ hệ thống sản phẩm du lịch, trong đó sản phẩm du lịch mạo hiểm được xác định là một trong những sản phẩm trụ cột, hấp dẫn, có tiềm năng phát triển và tính cạnh tranh cao. Để thực hiện được điều đó, đồng thời giải quyết bài toán mà sản phẩm du lịch mạo hiểm đặt ra, Hà Giang đã và đang hướng tới các nhóm giải pháp như: Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mạo hiểm của tỉnh đã và đang khai thác thành sản phẩm chất lượng có thương hiệu và quy mô tổ chức mang tầm quốc tế. Rà soát tổng thể các quy hoạch phát triển để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mạo hiểm mới như: Zipline, Bungee, dù lượn, chèo thuyền mạo hiểm khám phá sông Nho Quế, Khinh khí cầu bay trên miền đá, leo núi chuyên nghiệp, thám hiểm hố sụt, hang động Sán Tớ (Mèo Vạc); hang Khố Mỷ (Quản Bạ) hang Khun (Quang Bình); Chèo thuyền vượt thác Du Già huyện Yên Minh, lòng hồ thủy điện Thái An huyện Quản Bạ; các hoạt động chương trình tham quan dã ngoại, thám hiểm tại khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh như: Du Già, Chí Sán, Bát Đại Sơn, Mã Pì Lèng, Phong Quang, Tây Côn Lĩnh, Bắc Mê…; Điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của các huyện, thành phố để đưa các hạng mục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vào quy hoạch tạo điều kiện thu hút phát triển sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi đến với Hà Giang. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà nước – nhà doanh nghiệp – người dân trong triển khai dự án phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm tạo môi trường phát triển lành mạnh, hài hòa lợi ích vì mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững. Mở rộng liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch mạo hiểm với các địa phương trong vùng cũng như các địa phương trong cả nước và các tổ chức quốc tế. Đồng thời có cơ chế phù hợp để phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm không bị trùng lắp giữa các địa phương, qua đó góp phần tạo ra tính đặc thù hấp dẫn của sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm thúc đẩy phát triển nguồn thị trường khách có nhu cầu trải nghiệm khám phá các sản phẩm du lịch mạo hiểm.
Với mục tiêu phát triển du lịch Hà Giang thành ngành kinh tế mũi nhọn và đưa Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang trở thành khu du lịch quốc gia vào năm 2030, tỉnh Hà Giang đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm du lịch trong đó có sản phẩm du lịch mạo hiểm để hình thành các điểm nhấn đặc thù thu hút khách du lịch, đáp ứng với yêu cầu thị trường trong thời gian tới. /.
Ngọc Hoài